Thứ Tư, 15 tháng 10, 2014

VỀ NGUỒN

CÂY CÓ CỘI - NƯỚC CÓ NGUỒN - CHIM CÓ TỔ - NGƯỜI CÓ TÔNG
ĐÔI DÒNG TẢN MẠN VỀ TẾT
Cứ mỗi cuối năm âm lịch, dân tộc Việt Nam chúng ta lại có một cái TẾT, gọi là TẾT NGUYÊN ĐÁN. Đây là ngày lễ hội trọng đại nhất của Dân tộc kéo dài từ ngày 30 tháng chạp âm lịch đến hết ngày mùng 7 tháng giêng, có nơi chỉ ăn Tết đến ngày mùng 3 tháng giêng.
Tết Nguyên Đán (Nguyên là đầu, Đán là sớm mai) có nghĩa là buổi sớm mai ngày đầu năm. Tết Nguyên Đán là lễ hội lớn nhất trong các lễ hội truyền thống Việt Nam đã có từ hàng ngàn đời nay, là điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới, giữa một chu kỳ vận hành của trời đất, vạn vật, cỏ cây. Tết Nguyên Đán từ buổi “ khai thiên lập địa” đã tiềm tàng những giá trị nhân văn thể hiện mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên, vũ trụ qua bốn mùa xuân, hạ, thu đông. Đó là những ngày khởi đầu một năm âm lịch mới và mỗi năm cầm tinh một con vật (Tý, Sửu, Dần, Mẹo, Thìn, Tỵ....) trong 12 con giáp theo chu kỳ vận hành.
Cũng như mọi ngày, nhưng ngày Tết đối với người Việt Nam rất linh thiêng, trọng đại dù đã trải qua bao nhiêu giai đoạn khác nhau theo thời gian, ít nhiều phong tục Tết có thay đổi, từ vấn đề kiêng cử, tập tục, cho đến sinh hoạt ăn uống, họp mặt, vui chơi, sắm Tết đều có những nét riêng biệt rất ư là Việt Nam. Tết Việt Nam mang đậm nét tâm linh, đoàn tụ nên dù cuộc sống có thay đổi, phát triển đến mức độ nào, Tết là dịp để người Việt chúng ta cho dù ở bất cứ phương trời nào đều dành thời gian để tưởng nhớ, tri ân tổ tiên dòng họ, nguồn cội, giao cảm nhân sinh trong quan hệ đạo lý “ăn quả nhớ kẻ trồng cây, uống nước nhớ nguồn” trong gia tộc, cùng tình nghĩa bà con làng xóm láng giềng.
Danh từ TẾT do chữ TIẾT đọc chệch ra lâu dần thành quen thuộc. Ngoài Tết Nguyên Đán, trong suốt năm tùy theo tiết, theo mùa, Tổ Tiên chúng ta còn truyền lại 7 Tết nhỏ (Tiểu Tết) như : Tết Hàn Thực (mùng 3 tháng 3 âl) - Tết Thanh Minh (mùng 5, mùng 6 và mùng 7 tháng 3 âl) - Tết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5 âl) - Tết Trung Nguyên ( Rằm tháng 7 âl) - Tết Trung Thu (Rằm tháng 8 âl) - Tết Trùng Cửu (mùng 9 tháng 9 âl) - Tết Trùng Thập ( mùng 10 tháng 10 âl) – và Tết Táo Quân ( 23 tháng chạp âl).
Đối với Dân tộc Việt Nam hương vị mùa Xuân của Tết hết sức phong phú đồng nghĩa với đời sống thanh bình, thịnh vượng, niềm hy vọng, sự sum họp, những ước mơ, tình thương yêu, sức sống trẻ trung, vui vẻ...là một nét văn hóa truyền thống của Tổ tiên để lại từ thời lập quốc cho đến hôm nay và cứ mỗi năm được gìn giữ, bảo tồn và tô bồi thêm những bản sắc dân tộc tốt đẹp lưu truyền cho những thế hệ kế tiếp. Ngày Tết Việt Nam luôn có một ý nghĩa gắn bó tình cảm liên đới gia đình thật sâu đậm. Dù đi đâu xa hoặc ở phương trời nào người ta vẫn cố gắng thu xếp để về quê, về nhà ăn Tết. Ngày Xuân gia đình đoàn tụ, con cháu chúc tuổi ông bà cha mẹ, học trò chúc tuổi thầy cô, kẻ dưới chúc tuổi người trên, bà con, bạn bè thăm viếng chúc tuổi lẫn nhau. Ngày Tết con người có dịp được liên kết trong niềm vui yêu thương, hài hòa thông cảm tha thứ cho nhau những tỵ hiềm xích mích, và đối đãi lịch sự, thanh nhã trong tình người nhân ái...ngõ hầu hy vọng được đón nhận những điều lành, sự may mắn trong suốt năm. Ngày Tết còn là thời gian qúy báu để con cháu liên kết hiệp thông tưởng nhớ, cầu nguyện đến tổ tiên ông bà cha mẹ đã qua đời. Ai ai cũng có thói quen đi tảo mộ trước những ngày giáp Tết, và dọn dẹp trang hoàng sơn phết, sửa sang nhà cửa tươm tất, vì nghĩ rằng trong những ngày đầu năm vong linh tổ tiên, ông bà, cha mẹ và các thành viên trong dòng họ đã khuất sẽ về sum họp với con cháu trong gia đình. Niềm tin đó có tác dụng tích cực trong tâm thức con dân Việt giúp cho người sống kế thừa luôn nhớ tới cội nguồn dòng họ, để tu sửa bản thân, luôn sống hiếu thảo, đức hạnh, ăn ở, cư xử xứng đáng theo nề nếp gia phong luôn được vinh quang rạng rỡ với nguồn gốc dòng tộc của mình.
Cây có gốc mới nở cành xanh ngọn
Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu
Người ta có gốc từ đâu
Có cha có mẹ, rồi sau có mình.
Tự nghìn xưa, dân tộc ta đã đặt Tết vào một ngôi vị chính yếu trong nếp sống truyền thống Việt và mọi sinh hoạt xã hội cũng được tính theo chiều hướng Tết. Người dân Việt lấy Tết làm mốc thời gian để sắp xếp cho mọi công việc được dự liệu trong năm tới. Tết chẳng những là sinh hoạt đoàn tụ gia đình, cho làng xã, thôn xóm, cho đất nước mà còn là dịp để tổ chức những buổi lễ long trọng ở những nơi thờ phượng, hoặc những cuộc vui chơi nơi công cộng cho mọi người tham dự có dịp gặp gỡ, họp mặt, ăn uống, hàn huyên, tâm sự, vui đùa, chè chén...hoặc thực hiện những công ích nhằm nâng cao đời sống xã hội đương thời. Tết là mối dây vô hình thắt chặt thêm tình đồng bào, đồng đội, đồng nghiệp, đồng môn, đồng tộc... gắn bó nhau, qúy trọng nhau, giúp nhau cảm thông, hoặc cùng nhau giải quyết những khó khăn trong cuộc sống chung, việc làng, việc nước, việc nhà...nhằm tạo cho đời sống cộng đồng, tập thể, đời sống gia tộc khắn khít trong tinh thần đoàn kết, hài hòa chung sức chung lòng phát huy nguồn hạnh phúc, niềm an vui.
Tết giúp con người cùng nhau ôn lại tiểu sử gia tộc, những công đức, những gương sáng mẫu mực của tổ tiên dòng họ để từ đó có được và nuôi dưỡng truyền thống đạo lý nhắc nhở, giáo huấn con cháu giữ vững giềng mối đạo nghĩa gia đình. Đồng thời cũng là dịp nhắc nhở sống thực những nguyên tắc, nền tảng đạo đức chính yếu của nếp Sống Việt, ngõ hầu giúp chúng ta nhận định và điều chỉnh cuộc sống để sống trọn vẹn cuộc sống làm người trong xã hội. Tết cũng là dịp chúng ta phát huy và tỏa rộng cuộc sống từ những kinh nghiệm trong quá khứ thừa hưỏng công đức của tiên nhân chẳng những sản nghiệp, gương sáng, lời dạy dỗ, mà còn phúc đức, sự phù trợ để lưu truyền cho con cháu đời sau. Tết là phương thức trực tiếp nung đúc tinh thần, củng cố niềm tin sống thực trong tâm thức Việt, giúp chúng ta tạo thêm ân phúc cho chính bản thân mình, cho dòng tộc, cho xã hội, cho mọi người. Do đó, Tết Dân Tộc góp phần trọng yếu trong cuộc sống xứng đáng của Con Người và cho Xã Hội Loài Người.
Tết Dân Tộc Việt Nam được tiền nhân chúng ta truyền lại và duy trì những mỹ tục tốt đẹp như khai bút, hái lộc, xin xâm, chúc Tết, du xuân, mừng thọ, thờ kính Tổ tiên, tảo mộ, mừng tuổi, dựng nêu, đốt pháo, khai mở cửa hàng, đón giao thừa, xông đát xông nhà..v..v..và các hội hè trò chơi lành mạnh như hội truyền thống đình làng, trẩy hội chùa Hương, múa Lân, múa Rồng, bài chòi, cờ người, thả diều, xóc đĩa, tổ tôm, tài bàn, bầu cua, đá gà, cờ người, đáu võ..v..v..
ĐẠO THỜ KÍNH TỔ TIÊN
Người Việt Nam từ thời lập quốc rất trọng lễ giáo, coi trọng sự bền vững nguồn gốc gia đình, với những tôn ti trật tự, theo cung cách ứng xử theo thứ bậc mỗi người.Từ đó, sự thờ kính Tổ tiên được xuất phát từ một tin tưởng rằng con người có thể xác và tinh thần. Phần tinh thần còn lại (linh hồn) sau khi phần thể xác đã chết. (Thác là thể phách còn là tinh anh) không bị hủy diệt. Sự tin tưởng vào linh hồn bất diệt và hiện hửu trong thế giới u minh (hay còn gọi là cõi âm, trái với người sống là cõi dương) là một tin tưởng có nguồn gốc sâu xa, rất phổ quát trong hầu hết các dân tộc trên địa cầu khởi từ tiền sử. Người thời tiền sử luôn đối xử với người chết như khi họ còn sống và tin rằng linh hồn người chết luôn quanh quẩn cạnh người sống trong nhà để phù hô, che chở cho những người ruột thịt còn sống. Đồng thời quan niệm đời sống của người đã qua đời ở cõi âm chẳng khác nào đời sống của người sống ở dương thế. Dương sao thì âm vậy. Những linh hồn ấy hiện hửu trong cõi âm nhưng vẫn quanh quẩn ở dương thế mà mắt thường không ai nhìn thấy, lại còn cho rằng đó là bóng ma.
Gọi là “Đạo Thờ Kính Tổ Tiên”, chữ “Đạo” này không thể hiểu theo chữ “Tôn Giáo”dịch từ chữ Religion, mà có thể phải hiểu “là Bổn Phận, là Trách Nhiệm” (Duty – Child’s Duty = Bổn Phận Làm Con ) chỉ là một tín ngưỡng rất riêng tư của dân Việt phát sinh từ thời lập quốc qua hơn 4000 năm văn hiến. Đạo Thờ Kính Tổ Tiên hoặc còn được gọi là Đạo Thờ Cúng Tổ Tiên, hoặc còn gọi là Đạo Ông Bà hay gọi là Đạo Hiếu đã nâng lên thành một nếp sinh hoạt tâm linh, một đức tin vững chắc vào sự hiện hửu của tiên nhân trong dòng họ đã khuất. Thật ra, người Việt Nam gọi là “Đạo” (Thờ Kính Tổ Tiên) nhưng không đúng hẳn là một “Đạo”như đã nói bởi vì không có Giáo hội, Hội thánh, giáo chủ, giáo sĩ, tu sĩ, giáo điều, lề luật, kinh sách, đền thờ, lăng miếu...mà chỉ là một đức tin được phát triền, bồi đắp và duy trì tứ ý thức tâm linh “Cây có gốc, nước có nguồn”. Tổ tiên sinh ra ông bà, ông bà sinh ra cha mẹ, cha mẹ sinh ra con cháu...Con cháu hiếu thảo phải nhớ ơn sinh thành dưỡng dục. Đã có hiếu với cha mẹ, thì phải có hiếu với ông bà tổ tiên – nghĩa là phải nhớ đến nguồn cội của mình. Lúc ông bà cha mẹ còn sống, con cháu phải kính mến, phụng dưỡng các ngài với tấm lòng thành, vui vẻ, vâng lời chiều ý các ngài, ăn ở cư xử sao các ngài hài lòng. Khi các ngài qua đời, phải lo an táng tử tế, chu toàn trách nhiệm. Đồng thời, con cháu phải thờ kính giỗ chạp hằng năm để tỏ lòng biết ơn. Và khi tin tưởng theo sự tín ngưỡng hằng có từ tâm thức, thì phải thể hiện qua hành động, việc làm : thờ phượng, cúng kính bằng lễ vật thiết thực trong cuộc sống. – “Tu đâu cho bằng tu nhà - Thờ cha kính mẹ ấy là chân tu”. Chính đó là một khuôn mẫu thuần thành trong xã hội Việt Nam. Như cụ Nguyễn Đình Chiểu đã nhắc nhở :”Thà đui mà giữ Đạo nhà – Còn hơn có mắt, ông cha không thờ.” Mỗi khi trong gia đình có việc hiếu, hỷ hệ trọng như dựng vợ gả chồng cho con cháu, hoặc con cháu đổ đạt, thăng quan tiến chức...thì gia trưởng phải sắm lễ cáo gia tiên dâng lên bàn thờ, và tiến dẫn, trình diện con cháu cáo trình lên tiên nhân để lạy tạ xin được chứng giám, để được chúc phúc, chúc lành, phù hộ trong niềm hãnh diện là được thọ hưởng nhờ công đức cao dày của tiên nhân để lại.
Khi tam giáo (Phật, Khổng, Lão)chưa du nhập vào Việt Nam, thì người Việt đã biết thờ kính tỗ tiên, trọng kính cha mẹ, thương yêu anh chị em. Hầu hết những gia đình khi có người thân qua đời đều lập bàn thờ, lập bài vị, hay hình ảnh để thờ kính. Những ngày giỗ kỵ thì thắp nhang, đốt trầm hương, dâng hoa quả, bánh trái, rượu thịt trên bàn thờ cung thỉnh người đã khuất về chung hưởng. Ai nghèo nhất cũng có chén cơm, quả trứng, hoa quả, bình hoa, ly nước lạnh... để tưởng nhớ. Tuy người đã khuất không hưởng được, nhưng lễ nghi ấy lại rất cần phải có để tỏ rò lòng hiếu thảo, để giáo hóa con cái sau này chúng nhớ đến ông bà cha mẹ như vậy. Người Việt rất hiền hòa, tình cảm, lại chung sống cùng cộng đồng với nhau, suốt ngày quanh quẩn bên lũy tre làng, cho nên dù sống, dù chết con người vẫn gần gũi bên nhau, ấm áp tình người. Việc thờ kính tổ tiên là mạch nước ngầm luôn tuôn trào trong mát vẫn mãi nuôi sống và nối kết tâm hồn Việt Nam giàu tình trọng nghĩa.
Trong lễ giáo thờ kính tổ tiên thì hiếu nghĩa là đầu tiên. Tôn kính tổ tiên là một cách tỏ rõ hiếu nghĩa đối với các vị Tiên nhân. Chữ Hiếu là cốt tủy của nền văn hóa Á châu ảnh hưởng sâu đậm bởi Nho giáo, trong đó có Việt Nam. Hiếu là gốc của Đức. Con người có trăm nết, nhưng hàng đầu vẫn là Hiếu. Chưa từng có người nào hiếu thảo lại bất trung, và cũng như chưa có ai hiếu thảo lại bất nhân. Việc hiếu lễ từ ngàn xưa đã in sâu vào tâm linh mỗi người, đặc biệt khi nền văn hóa Khổng Mạnh đã du nhập vào Việt Nam, đạo Thờ Kính Tổ Tiên càng được cũng cố, phát triễn, chỉnh đổi, sàng lọc thêm những tinh hoa tốt đẹp cho văn hóa Việt Nam và càng bám rễ sâu vào lòng con dân đất Việt. Chữ “Đạo” và chữ “Hiếu” đã giao thoa tạo thêm nét độc đáo cho người dân hài hòa trọng tình, giàu nghĩa.
Khổng Tử đã dạy 8 điều thiết yếu cho đạo làm người, trong đó điều thứ nhất là chữ HIẾU. Tám điều đó là : HIẾU : Thờ kính cha mẹ. ĐỂ : Hòa thuận với anh chị em. TRUNG : hết lòng với vua với nước. THỨ : ăn ở với người cho hợp lẽ phải. TU : tự sửa mình. TỀ : quản trị gia đình. TRỊ : lấy đạo trị nước. BÌNH : trị an thiên hạ. Chữ hiếu chính là đạo của lòng biết ơn. Biết ơn trời đất. Biết ơn tổ tiên ông bà cha mẹ. Ơn cha nghĩa mẹ sinh thành. Ơn võng cực biển trời. - Ơn “chín chữ cù lao” gồm có: 1. SINH (sinh đẻ) - 2. CÚC (nâng đở) – 3. DỤC (dạy dỗ) – 4. PHÚ (vuốt ve, trìu mến) – 5. XÚC (cho bú sữa) – 6. TRƯỜNG (nuôi dưỡng khôn lớn) – 7. CỐ (trông nom) – 8. PHỤC (ôm ấp) – 9. PHÚC (bảo vệ).
Cha mẹ sinh ra ta, nâng đở ta từ cung lòng, vỗ về âu yếm, nuôi dưỡng bú mớm, bồi bổ cho lớn khôn, dạy ta điều hay lẽ phải, dõi theo mỗi bước đường đời của ta, tùy tính tình mỗi đứa con mà khuyên dạy, che chở bảo vệ con.Thật là ơn đức cha mẹ như trời biển. “Nước biển mênh mông không đong đầy tình Me – Mây trời lồng lộng không phũ kín công Cha”. Hiếu là nền tảng văn hóa gia đình Việt Nam. Người Việt Nam yêu chuộng những gì là tình, là nghĩa, coi tình nghĩa hơn lý sự. Một trăm cái lý không bằng một cái tình, chấp nhận bà con anh em xa không bằng láng giềng gần, thích “dĩ hòa vi quý”, khoan dung độ lượng “chín bỏ làm mười”, quý trọng con người hơn của cải vật chất, người là vàng, của là ngãi, người làm ra của cải chứ của cải không làm ra người, mong muốn anh em bốn biển một nhà “tứ hải giai huynh đệ” và đề cao lòng nhân ái “thương người như thể thương thân”.
Tóm lại, Đạo thờ kính tổ tiên xây dựng nền tảng đức tin, là tâm linh vững chắc nhất của gia đình Việt Nam. Dù còn sống hay đã khuất, Tổ tiên chúng ta luôn là những vị chẳng những đã trực tiếp cho chúng ta diễm phúc làm người, mà còn luôn yêu thương đùm bọc, che chở, phù hộ, chia xẻ cuộc sống với từng người trong chúng ta. Thờ kính tổ tiên còn nhắc nhở chúng ta những người đang sống luôn phải ý thức về những ơn ích mà mình được thừa hưởng, đồng thời thúc đẩy chúng ta phát huy sự nghiệp ân đức của dòng họ, của gia tộc. Do đó, Tết là ngày đoàn tụ gia đình chẳng những giữa những người đang sống mà còn đoàn tụ với tổ tiên, với sự hiện diện trong cách sống linh thiêng và hướng về con cháu và dân tộc tương lai mai sau. Việc thờ kính tổ tiên ông bà cha mẹ tự bản chất đã trở thành “Đạo” bởi bắt nguồn ở những gì rất sâu xa trong lòng con người, vì từ khi mới mở mắt chào đời chúng ta đã được ấp ủ trong tiếng à ơi của Mẹ, chập chững bước ngắn bước dài, bập bẹ gọi tiếng Ba. Bầu trời tuổi thơ bát ngát xanh tươi, đó là tình Mẹ nghĩa Cha. Lời nào kể hết công Cha, bút nào viết hết tấm lòng của Mẹ:” Đi khắp thế gian không ai tốt bằng Mẹ - Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng Cha.” Và Kinh Thi có câu:”- Phụ hề sinh ngã - Mẫu hề cúc ngã – Ai ai phụ mẫu – Sanh ngã cù lao - Dục bảo thâm ân - Hiệu thiên võng cực “- Tạm dich:”- Cha thời sinh ta - Mẹ thời nuôi ta – Thương thương cha mẹ - Khó nhọc sinh ta - Muốn báo ân sâu - Trời cao không cùng”.
Công Cha nghĩa Mẹ như núi Thái Sơn, như biển rộng sông dài:
Công Cha, đức Mẹ cao dày
Cưu mang trứng nước những ngày còn thơ
Nuôi con khó nhọc đến giờ
Trưởng thành con phải biết thờ song thân
Nuôi con buôn bán tảo tần
Chỉ mong con lớn nên thân với đời
Những khi trái nắng trở trời
Con đau, lòng Mẹ đứng ngồi không yên
Trọn đời vất vả triền miên
Chạy lo bát gạo đồng tiền nuôi con
Đạo thờ kính tổ tiên còn tăng thêm ý nghĩa và tầm quan trọng khi được kết hợp với TẾT NGUYÊN ĐÁN, với ngày đầu Xuân. Bởi thế, phong tục thờ kính tổ tiên vừa để kính nhớ tổ tiên, vừa đoàn tụ gia đình, vừa mừng năm mới, mừng thêm tuổi thọ...và rồi để khởi đầu cho cuộc sống mới trong năm mới của Dân tộc Việt Nam.
TẾT VÀ NGƯỜI CÔNG GIÁO
Như đã trình bày những phần trên, Hội Tết truyền thống và phong tục thờ kính tổ tiên là nền tảng vững chắc của bản sắc Văn Hóa truyền thống trong đời sống người Việt Nam có từ thời lập quốc cho đến ngày hôm nay và coi như nét đặc thù tâm linh về tín ngưỡng của người Việt, dù đã trải qua những biến động từ ngoài tác động vẫn giữ vững và trường tồn. Văn Hóa là những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong đời sống con người, đời sống xã hội, trong lịch sử dân tộc.
Thiên Chúa Giáo hoặc gọi là Công Giáo đã khởi đầu du nhập vào Việt Nam từ năm 1533 dưới đời vua Lê Trang Tông có người tây dương tên là I-Nê-Khu (Inekhu) đến truyền đạo Gia-Tô ở làng Ninh Cường và làng Quần Anh thuộc huyện Nam Chân và làng Trà Lũ thuộc huyện Giao Thủy (tỉnh Nam Định – Giáo Phận Bùi Chu hiện nay) Từ thời điểm này, Tin Mừng đã khởi sự được gieo trồng và phát triễn trên mảnh đất đời sống người dân Việt. Theo dòng thời gian cọ sát, Giáo hội đã không tránh khỏi những cơn cám dỗ tách yếu tố Văn Hóa truyền thống ra khỏi Tin Mừng, hoặc là loan báo Tin Mừng mang tính cách rập khuôn theo nền văn hóa Tây phương nhất quán. Bài học quá khứ cho chúng ta nhận ra rõ ràng hơn rằng, Văn Hoá là địa hạt sống còn qua đó con người gặp gỡ để tiếp thu được Tin Mừng. Văn Hoá không phải là Tin Mừng, nhưng không thể đem Tin Mừng đến với con người mà không thông qua nền Văn Hóa của Dân tộc đó. Đức Thánh Cha Phaolô VI nói: “Việc tách biệt Tin Mừng ra khỏi Văn Hóa là thảm trạng của thời đại chúng ta, gây ảnh hưởng sâu xa trên cả việc rao giảng Tin Mừng lẫn phát huy nền Văn Hóa của dân tộc ấy”. Việc rao giảng Tin Mừng bao hàm hai yếu tố cho và nhận, từ đó mới có thể khởi sự một cuộc đối thoại, cùng nhau nổ lực tìm về chân thiện mỹ, tìm ra chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Một cuộc trở về với bản sắc Dân tộc có thể gợi mở một hướng đi cho công cuộc truyền giáo.
Phong tục Việt Nam gắn liền với tín ngưỡng dân gian Việt Nam song song và hỗ trợ cho nhau, đặc biệt là việc cúng tế tổ tiên, thờ kính cha mẹ…từ lâu đã là nét tín ngưỡng độc đáo của người Việt. Vì thế, khi nhận thức được điều này, dưới ánh sáng Cộng Đồng Vatican II, Giáo Hội đang thực hiện một cuộc hội nhập, trở về với các truyền thống Văn Hóa, Tín Ngưỡng. Giáo Hội nhắc nhở, mời gọi chúng ta hãy sống Phúc Âm giữa lòng Dân Tộc và phục vụ hạnh phúc đồng bào. Như thế Tin Mừng phải được sinh hoa kết trái, phải sống động ngay giữa lòng Dân Tộc. Trong tinh thần cổi mở và đối thoại, Hội Thánh đã nhìn nhận và tôn trọng những giá trị tích cực tiềm tàng trong các nền Văn Hóa Dân Tộc cũng như các tôn giáo khác, đã được các Nghị Phụ Cộng Đồng Vatican II tóm tắt như sau:
Giáo Hội Công Giáo không hề phũ nhận những gì là chân thật và thánh thiện nơi các nền văn hóa và tôn giáo. Với lòng kính trọng chân thành, Giáo Hội xét thấy những phương thức hành động và lối sống, những huấn giới và giáo thuyết kia tuy có nhiều điểm khác với chủ trương mà Giáo Hội duy trì, nhưng cũng thường đem lại ánh sáng của Chân lý. Chân lý chiếu soi cho hết mọi người. Tuy nhiên Giáo hội rao giảng và có bổn phận phải kiên trì rao giảng Chúa Kitô. Đấng là Đường, là Sự Thật, và sự Sống (Ga 14,6) nơi Người, con người tìm thấy đời sống tôn giáo sung mãn và nhờ Người, Thiên Chúa giao hòa mọi sự với mình. Vì thế, Giáo Hội khuyến khích con cái mình nhìn nhận, duy trì, và cổ động cho những thiện ích thiêng liêng cũng như luân lý và những giá trị xã hội, nền văn hóa của các tín đồ thuộc các tôn giáo khác, bằng con đường đối thoại và hợp tác cách trân trọng và bác ái với tín đồ các tôn giáo ấy mà vẫn là chứng tá của Đức Tin và đời sống Kitô giáo.
Một trong những mối quan tâm hàng đầu của Giáo Hội ngày nay là vấn đề hội nhập Văn Hóa. Làm sao để Tin Mừng của Đức Chúa Kitô không bị dập tắt đi bởi những di sản văn hóa và các tôn giáo khác, nhưng trái lại Tin Mừng phải là nguồn nước hòa hợp ngấm sâu vào các di sản Văn Hóa, phải là ánh sáng các dân tộc, ánh sáng trần gian. Tin Mừng và Văn Hóa tuy khác biệt nhưng không hề mâu thuẩn và cũng không hề tách rời nhau. Cá không thể thiếu nước, cũng vậy, không thể tách rời Tin Mừng ra khỏi Văn Hóa được. Tin Mừng và Văn Hóa phải giao thoa và hòa điệu với nhau. Một chứng minh cho thấy là Giáo Hội Ấn Độ đã không ngần ngại đưa cả nền văn hóa và các tôn giáo: Bà La Môn giáo, Ấn giáo, Ky-Na giáo hội nhập vào Tin Mừng. Với tinh thần cổi mở như thế nhưng Giáo Hội cũng không khỏi dè dặt sự mất căn tính Kitô giáo của mình, một khi Giáo Hội quá dấn sâu vào một nền Văn Hóa đặc thù nào đó.
Ở Việt Nam chúng ta cũng thế, những dấu chân lịch sử ghi lại tâm thức của lương dân khi họ đón nhận Tin Mừng. Có thể nói họ có thể bị sốc vì Kitô giáo, vì họ nghĩ rằng rao giảng Tin Mừng đồng hóa với hành động thực dân. Tin Mừng với Văn Hóa Tây Phương là một. Muốn rao giảng và tiếp nhận Tin Mừng thì phải xóa bỏ nền Văn Hóa địa phương của họ không được cúng kính, thờ lạy người chết, không được thắp nhang cúng bái, không đốt vàng mã, không được ăn uống đồ cúng...Nhưng, ngày nay những quan niệm như thế đã không còn tồn tại nữa trong đời sống người Kytô hửu. Giáo Hội Công Giáo chân nhận những cái đẹp, cái hay của tất cả các nền Văn Hóa và Tôn Giáo và nhìn nhận chúng có một giá trị nhất định. Tuy nhiên không thể không có sự chọn lọc, không phải là bất cứ di sản Văn Hóa nào cũng đưa được vào Kitô giáo. Quả thực chính là một bài học không đơn giản cho Giáo Hội hôm nay làm sao một mặt giữ được căn tính của mình, mặt khác luôn cổi mở, đối thoại đón nhận những tinh hoa từ các nền Văn Hóa và các Tín Ngưỡng khác.
Đạo Thờ Kính Tổ Tiên thiết tưởng là cốt lõi tinh túy của tâm hồn người Việt Nam. Chúa có dạy chúng ta điều gì khác lạ đâu. Điều Răn thứ 4 trong 10 Điều Răn, Chúa đã dạy chúng ta “Thảo Kính Cha Mẹ”. Thảo Kính Cha Mẹ được đặt trong 10 giới răn của Chúa là 10 điều Chúa dạy dỗ, hướng dẫn con người đi theo con đường tốt lành mà Thiên Chúa đã vạch ra cho mọi người bước đi để được ơn cứu độ. Từ núi Sinai, qua bàn tay Môsê bia đá 10 điều răn được Chúa Giêsu trao cho Môsê để đến tay mọi người. Mười giới răn Chúa truyền là kim chỉ nam giúp con người nên thánh. Giáo Hội Công Giáo đã dành ngày mùng 2 Tết Nguyên Đán để kính nhớ, cầu nguyện Tổ Tiên, Ông Bà, Cha Mẹ. Giáo Hội đã luôn động viên, khuyến khích tín hửu Kitô giáo hãy luôn có tấm lòng tưởng nhớ tới và cầu nguyện cho những Bậc Sinh Thành đã sinh ra và dưỡng dục chúng ta. Nhất là trọn tháng 11 - tháng các Linh Hồn, cũng như trong các Thánh Lễ Misa hằng ngày luôn có lời cầu nguyện Tổ Tiên Ông Bà Cha Mẹ qua vị Chủ Tế thánh lễ dâng lên Thiên Chúa, hiệp thông với Lời Cầu Nguyện Giáo Dân trong thánh lễ.
Giáo Hội Chúa ở muôn thời đại luôn dạy dỗ con cái Chúa phải kính thờ Chúa và thảo kính các đấng sinh thành của chúng ta. Sách Cách Ngôn viết:”- Con ơi giữ lấy lời Cha - Chớ quên lời Mẹ, nhớ mà ghi tâm – Đèn soi trong chốn tối tăm - Ấy là chính những lời răn, lệnh truyền”. Sách Khải Huyền cũng đã ghi nhận:” Phúc thay kẻ nhắm mắt lìa đời, đã lìa đời trong ân nghĩa Chúa. Trãi qua bao nhọc nhằn vất vả, giờ đây họ xứng đáng nghỉ ngơi vì công đức xưa kia vẫn còn theo họ mãi”.Thánh Phaolô trong thư gởi Giáo đoàn Êphêsô 6.1-4, 18-23 đã nhắn nhủ:”Hãy thờ kính cha mẹ để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất”. Đức cố Hồng Y FX Nguyễn Văn Thuận đã đề cao vai trò gia đình, lòng hiếu thảo của con cái. Ngài nói:” Chủng viện thứ nhất, đệ tứ viện thứ nhất, trường sư phạm thứ nhất là gia đình công giáo. Không vị giám đốc tài ba, chuyên môn đến đâu có thể thay thế cha mẹ được.Nếu những cơ sở bậc nhất ấy bị hỏng, tương lai Hội Thánh và xã hội nhân loại cũng rung rinh sụp đổ. Đức Thánh Cha Gioan XXIII biên thư cho cha mẹ khi Ngài được ngũ tuần:” Thưa Thầy Mẹ, hôm nay con được 50 tuổi. Chúa thương ban cho con nhiều chức trong Hội Thánh, đi nhiều nơi, học nhiều sách, nhưng không trường nào dạy dỗ con, làm ích cho con hơn hồi con còn được ngồi trên chân thầy mẹ.”( ĐHV 505).
Tóm lại, Tổ Tiên, Ông Bà, Cha Mẹ là những Đấng Bậc đã sinh ra chúng ta. Các Ngài đã tuân hành lệnh Chúa mà tạo dựng gia đình, noi gương gia đình Thánh Gia Na-Da-Rét. Các Ngài đã hết mực trung thành, yêu thương, nuôi dưỡng con cái, cháu chắt theo Thánh ý Chúa để góp phần bảo vệ vũ trụ và làm sáng danh Chúa trong đời sống Đức tin.
Nhân dịp đầu năm mới, chúng ta sốt sắng dự tiệc Mình và Máu Thánh Chúa Kitô và chính nguồn sinh lực thần linh này giúp chúng ta hôm nay sống sao cho tròn chữ hiếu đối với Tổ Tiên, Ông Bà, Cha Mẹ để mai sau được cùng các Ngài vui hưởng phúc trường sinh trong Chúa Ba Ngôi.
LỜI KẾT
Về Nguồn - Cụm từ Hội Tết Về Nguồn là những từ ngữ rất gần, rất quen thuộc và rất thân thương đối với từng mỗi người trong Giáo Xứ chúng ta và kể cả đông đảo Đồng Hương ân nhân của chúng ta tại địa phương đã từng chia xẻ nguồn vui Hội Tết đến trong suốt 20 năm qua. Lộ trình 20 năm Hội Tết Về Nguốn cũng đã liên kết nghĩa tình sâu sắc giữa người với người và cũng đã lắm chông gai trong tự nguyện đầu tư tài lực, trí tuệ để giữ vững con thuyền VỀ NGUỒN vượt thoát sóng to gió lớn đem vinh quang về dâng lên Nhà Chúa. Cũng nhận ra rằng lộ trình cũng có khó nhọc nhưng cũng lắm đam mê, hấp dẫn, đầy thử thách đối với chúng ta. Thử thách tinh thần dấn thân tự nguyện, thử thách ý chí kiên trì bền vững, và thử thách lòng quãng đại đóng góp mà mỗi người dấn thân đòi hỏi một chức năng tự mình làm chủ cho chính mỗi phần việc của mình đối với việc chung trong tinh thần liên đới yêu thương giữa anh chị em có cùng một Cha chung. Tất cả đều là công ích dâng hiến vô vị lợi, không đòi hỏi vật chất quyền lợi, không đòi hỏi sự đền bù, ghi công. Đó là một nét son trân qúy để chúng ta thực hiện ước mơ có được một cơ sở thờ phượng tự lập thật hoàn hảo.
Nô nức đến Hội Tết Về Nguồn để có được những giây phút giao động tình cảm thân thương đậm đà giữa những con người đồng chủng tộc, đồng màu da tiếng nói, để được sống lại trong bầu không khí mùa Xuân Dân Tộc rất riêng tư và rất đặc thù của truyền thống Việt tộc trên phần đất quê hương thứ hai nơi xứ người. Khung trời Xuân ấm áp Về Nguồn mời đón những người con Việt xa xứ đến cùng thưởng thức lại hương vị những món ăn rất đặc thù ba miến quê Mẹ Việt Nam, để vẫn còn giữ được niềm tin tự hào là người Việt Nam chân chất. Về Nguồn rền vang tiếng pháo tống cựu nghinh tân giữa đất trời đầy nắng Xuân rực rỡ để cùng chiêm ngắm “ Sơn thủy thanh cao Xuân bất tận - Thần tiên lạc thú cảnh trường sinh”. Đi Hội Tết Về Nguồn để niềm vui rộn rã tràn đầy theo nhịp trống múa Lân, múa Rồng sáng mùng một Tết để được chúc phúc chúc tài “:Tân niên hạnh phúc bình an đến – Xuân nhật vinh hoa phú qúy lai”.
Ngày Xuân, trời đất giao hòa, người người cùng đến Hội Tết Về Nguồn họp mặt chúc nhau cho được ba điều ước : Phúc, Lộc, Thọ.
Phúc của con người là công thành danh toại. Lộc không chỉ là con thảo cháu ngoan, mà còn là ơn trời mưa móc đổ tràn muôn hồng ân cho gia đình dòng tộc. Thọ là tuổi già được bách niên giai lão. Ngày Xuân là thời điểm thay cũ đổi mới sao cho cuộc sống được an lành, hạnh phúc, xóa đi những gì không tốt đẹp trong năm cũ: "Tối ba mươi nợ réo tít mù, co cẳng đạp thằng bần ra cửa – Sáng mùng một rượu say túy lúy, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà.” (Nguyễn Công Trứ).
Để kết thúc bài viết, người viết nhân tiện xin chúc mừng kỷ niệm 20 năm Hội Tết Về Nguồn của Giáo Xứ Philipphê Phan Văn Minh chúng ta:
Hội Tết Về Nguồn, Tết cố hương.
Hai mươi năm nghĩa nặng miên trường.
Phát huy văn hóa tâm linh Việt
Gìn giữ gia phong hiếu nghĩa đường.
Tết đến Xuân về thêm tuổi thọ
Nêu cao pháo đỏ thắm tình thương.
Cùng nhau nô nức đi vui Tết
Xuân mãn càn khôn, phúc mãn đường !
Orlando – Tết Nhâm Thìn - 2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét