Tại sao lại coi cái "giật mình" của sĩ phu Cao Bá Quát là một "di sản"?
Vậy thì "DI SẢN" là gì? Người ta thường hiểu "di sản là những đồ
vật, của cải, tiền bạc được chuyển hoặc truyền từ đời này sang đời khác
trong một giòng họ, trong một dân tộc hoặc một quốc gia... Từ thế kỷ thứ
20 bắt đầu có cái mệnh danh là "Di Sản Văn Hóa Nhân Loại" chỉ thị những
công trình kiến trúc cổ xưa thuộc về lịch sử do trí óc bàn tay con
người tạo tác nên, nay đã trở thành di tích.
Ủy Ban Văn Hóa &Giáo Dục của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã khảo
sát, nghiên cứu và phong cho nhiều di tích lịch sử của các quốc gia là
"Di Sản Văn Hóa Nhân Loại" được UNESCO góp phần phục chế và bảo vệ.
Di Sản Việt có một phạm vi rộng rãi hơn bao gồm di sản tinh thần và
vật chất. Có thể nói di sản Việt nặng về tinh thần hơn là vật chất. Bởi
vì, dân gian Việt Nam ghi nhận rằng:
"Trăm năm bia đá thì mòn
Nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ...
Trong lúc người phương Tây quan niệm rằng "Verba volant, Ssripta manant" (lời nói bay đi, dấu khắc còn vĩnh viển).
Có lẽ do quan niệm "Trăm năm bia đá thì mòn" nên người Việt truyền
thống trong các triều đại quân chủ không thiết tha đến việc xây dựng
những đền, đài lăng tẫm đồ sộ, nguy nga...tốn nhiều công sức, mồ hôi và
xương máu của nhân dân. Tại Việt Nam có rất ít tượng đồng, bia đá dùng
để suy tôn cá nhân ngay cả cá nhân đó là một anh hùng đã cứu nguy cho
dân tộc.
Do đó, chúng tôi quan niệm rằng trong kho tàng di sản Việt, những
lời nói của vĩ nhân, những thái độ và cách hành xử của tiền nhân cũng là
những "của cải tinh thần" đáng trân quý và đang đem ra để học hỏi, rút
kinh nghiệm cho hiện tại.
Trở lại với chủ đề CÁI "GIẬT MÌNH" CỦA CAO BÁ QUÁT"
Trong văn học sử Việt Nam thế kỷ thứ 19, Cao Bá Quát được xem như
là một văn tài lỗi lạc, một nhà trí thức uyên thâm. Về tài văn thơ, Cao
Bá Quát đã được Hoàng đế Tự Đức ngự phê:
"Văn như Siêu, Quát, vô tiền Hán
Thi đáo Tùng, Tuy, thất thịnh Đường!"
Nghĩa là về Văn, viết như các ông Nguyễn Văn Siêu và Cao Bá Quát,
thì các văn nhân thời tiền Hán bên Tàu không còn chỗ đứng; về Thơ thì
đến các ông Tùng Thiện Vương và Tuy Lý Vương, thời thịnh vượng của thơ
nhà Đường cũng tiêu ma.
Được Vua tâng bốc lên tận trời xanh... nên Cao Bá Quát đã vô cùng
kiêu căng về tài văn chương chữ nghĩa của mình và sẵn sàng ngạo báng
những ai làm văn thơ dở. Cao Bá Quát đã từng chê thơ của Mạc Vân Thi Xã
của hai bậc vương tôn Tuy Lý và Tùng Thiện là hôi mùi nước mắm Nghệ An.
Khi nghe đọc xong một bài thơ của Thi Xã này, Cao Bá Quát đã đưa tay bịt
mũi, phán rằng:
"Ngán thay cái mũi vô duyên
Câu thơ thi xã, con thuyền Nghệ An!"
Ông đã tuyên bố rằng: "Cả thiên hạ có bốn bồ chữ, một mình tôi
chiếm hai bồ, anh tôi Bá Đạt và bạn tôi Nguyễn Văn Siêu giữ một bồ, còn
một bồ thì phân phát cho các kẻ học." Thi Khảo Hạch ở tỉnh, Cao Bá Quát
đỗ "đầu xứ". Năm Minh Mạng thứ 12 (1831) ông đỗ Á Nguyên (tức thứ nhì)
tại trường thi Hà Nội. Nhưng hỏng kỳ thi Hội vì tính tình kiêu ngạo
không chịu tuân theo nội quy của trường thi.
Thi hỏng, không có chỗ làm việc, Cao Bá Quát sống cuộc đời của một
"Tài Tử Đa Cùng" lấy văn thơ trêu cợt đời, mỉa mai những oái ăm của xã
hội...
Trong bài phú "Tài Tử Đa Cùng" Cao Bá Quát đã hé lộ một giấc mộng
lớn. Đó là, nếu gặp thời cơ thì ông sẽ "đeo vòng thư kiếm, quyết xoay
bạch ốc lại lâu đài" và "gánh vác giang sơ, quyết ném thanh khâm sang
cẩm tú." Đây là ước mơ làm một cuộc cách mạng để đổi đời cho nhân dân
nghèo khổ.
Nguyên văn câu phú như sau:
"Bài phú Dương Hùng(1) dù nghiệm tá, thì xin tống Bần quỷ ra đến
miền Đông hải, để ta đeo vòng thư kiếm quyết xoay bạch ốc lại lâu đài.
Câu văn Hàn Dũ (2)phỏng thiêng chăng, thì xin tống Cùng thần ra đến đất
Con lôn, để ta gánh vác giang sơ, quyết ném thanh khâm sang cẩm tú."
(1) Dương Hùng là tác giả bài phú "Trục Bần" (Đuổi Nghèo); (2) Hàn
Dũ là tác giả của bài phú "Tống Cùng" nghĩa là Tiễn sự nghèo khó đi.
Bạch ốc: nhà không có gì cả của người nghèo -"Bạch ốc vô văn"
Thanh khâm: áo xanh (áo của người làm tôi tớ, làm để kiếm ăn); Cẩm tú: gấm, vóc (ý nói nhà giàu).
Mộng lớn, chí cao, chữ nghĩa văn chương bao trùm thiên hạ, nhưng
không được giữ những chức vụ đúng với tài năng khiến ông trở thành người
bất mãn... Nhân được cử vào Hội đồng Sơ Khảo kỳ thi Hương ở tỉnh Thừa
Thiên, thấy có những bài văn hay nhưng bị "phạm húy" (tức là phạm những
quy định của cuộc thi như trùng tên của vua), Cao Bá Quát đã tìm cách
cứu vớt các thí sinh này, không may sự việc bị lộ ra, ông bị phạt tội,
phải đổi đi vào Đà Nẵng. Nhưng Sứ Bộ Đào Tri Phú đã tâu xin cho Cao Bá
Quát tháp tùng đi Tân -gia-ba (Singapore). Ông được tha và theo Đào Tri
Phú lên tàu đi sứ...
Khi con tàu Sứ Bộ vừa ra khỏi hải phận Việt Nam hướng về Tân Gia Ba, Cao Bá Quát đã xúc động ngâm rằng:
"Tân Gia từ vượt con tàu
Mới hay vũ trụ một bầu bao la...
Giật mình... khi ở xó nhà
Văn chương chữ nghĩa khéo là trò chơi!
Không đi khắp bốn phương trời
Vùi đầu án sách, uổng đời làm trai!"
Cái "Giật mình" của Cao Bá Quát là một thức tỉnh đột ngột trước thực tế. Đây là một thái độ giác ngộ triệt để về thực tại.
Thật vậy, con người chỉ “giật mình” khi bất ngờ gặp một sự kiện
hoặc một hòan cảnh khác với thường tình, đều đặn. Giật mình có thể xem
như cái nhịp chổi trong một khúc nhạc đơn điệu.
Ở phương Tây, người ta có cái gọi là Triết Lý về Sự Ngạc Nhiên (La
philosophie de la Surprise). Giật mình là hệ quả của sự ngạc nhiên, của
bất ngờ… Từ ngạc nhiên mới tò mò tìm hiểu, tra vấn rồi đi đến chỗ đặt
lại vần đề về tất cả những gì đã hiện hữu, đang hiện hữu.
“Đặt lại vấn đề” là hành động và thái độ cần thiết cho sự tiến bộ của bản thân, của gia đình, xã hội và nhân lọai.
Nhìn lại người Việt Nam xưa và nay, người ta ghi nhận rằng trong
lúc hầu hết người việt thiên về “chủ thuyết Tự Nhiên” hoặc “Thiên Mệnh”
thì người Âu Tây luôn luôn đặt vấn đề “Tại Sao?” “Do Đâu?” rồi ra sức
tìm cho đựợc cái nguyên nhân của các hiện tựợng các sự kiện xảy ra trong
vũ trụ, trong mỗi bản thân con người…
Một thí dụ cụ thể, ông Newton (trước khi trở thành nhà vật lý học
nổi tiếng với thuyết Trọng Lực) khi nhìn thấy trái táo rơi xuống đất,
ngọn lá cũng rơi xuống đất, cọng lông, viên sỏi vân vân cũng đều rơi
xuống mặt đất…ông đã đặt câu hỏi tại sao mọi vật đều rơi xuống?
Và Newton (sinh năm1665) đã đưa ra một giả thuyết sơ khởi “Mọi vật
đều rơi xuống đất vì đất có sức hút” Từ giả thuyết ông đã thí nghiệm và
đi đến thuyết về “Vạn Vật Hấp Dẫn” cách nay 349 năm.
Di Sản Việt của chúng ta không có nhiều những tư tưởng về khoa học
thực nghiệm đó là do quan niệm “tự nhiên nó xảy ra” “tự dưng nó đến” nên
bỏ qua “luật nhân-quả” trong vũ trụ. Cái gì cũng có nguyên nhân, không
có cái gì “tự nhiên mà có” cả.
Vì vậy, chúng ta rất cần tìm hiểu và triển khai nội dung và ý nghĩa
của những cái Giật Mình của tiền nhân để từ cái di sản tâm linh đó dấn
thân vào hiện tại của lịch sử đất nuớc, đặt lại các vấn đề để canh tân
đất nuớc…
GS Nguyễn Châu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét