Bài Ca 300 Ngôn Ngữ
:ĐÊM THÁNH VÔ CÙNG
Cô Tư Sài Gòn
Đó là bài ca đã được dịch ra khoảng 300 thứ tiếng, theo các tài liệu bách khoa.
Ca khúc “Đêm Thánh Vô Cùng” thường nghe trong bản tiếng Anh là “Silent Night,” nhưng bản gốc là tiếng Đức “Stille Nacht.”
Đó là một trong những ca khúc Giáng sinh nổi tiếng, với phần lời gốc do linh mục Josef Mohr viết bằng tiếng Đức và phần giai điệu do nghệ sĩ organ Franz Xaver Gruber sáng tác, cả hai đều là người Áo. Phiên bản đang được sử dụng rộng rãi ngày nay có đôi chút khác biệt với nguyên bản của Gruber. Ca khúc này đã được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại hồi tháng 3 năm 2011.
Ca khúc được sáng tác hoàn tất vào ngày 25 tháng 12 năm 1818 và được trình diễn lần đầu tại Nhà thờ Thánh Nicola-Kirche ở Obendorf thuộc nước Áo. Linh mục Mohr viết lời cho bài hát từ năm 1816, nhưng mãi đến đêm trước Lễ Giáng Sinh năm 1818 mới tìm gặp nghệ sĩ Gruber để nhờ soạn phần giai điệu cũng như phần phối âm cho đàn ghita. Có lẽ linh mục Mohr muốn có một ca khúc giáng sinh mới dành cho Thánh lễ nửa đêm Giáng Sinh, nhưng đàn phong cầm của nhà thờ đã bị hỏng. Lúc đầu, Gruber không đồng ý với đề nghị của Mohr vì e rằng giáo dân đến dự lễ sẽ không thích loại âm nhạc được trình bày với đàn guitar, bởi lẽ lúc đó quy chế về nhạc cụ trình diễn Thánh ca phải là phong cầm. Nhưng vì không còn sự lựa chọn nào khác, Gruber phải chấp nhận và bắt tay vào việc. Chỉ trong vài giờ đồng hồ, phần nhạc của ca khúc được hoàn tất. Lúc đầu, người dự lễ tỏ ra kinh ngạc khi nghe ca khúc được trình bày với đàn guitar, nhưng chẳng bao lâu mọi người bị mê hoặc bởi giai điệu ngọt ngào của bài hát...
Mặc dù bản gốc của ca khúc đã bị thất lạc, một bản viết tay của Mohr đã được tìm thấy vào năm 1995, các nhà nghiên cứu xác định nó thuộc vào khoảng năm 1820. Điều này cho thấy linh mục Mohr đã viết lời bài hát vào năm 1816 khi ông được phân công đến một nhà thờ hành hương ở Mariapfarr (Áo), và phần nhạc được sáng tác bởi Gruber vào năm 1818. Đây là bản cổ nhất, cũng là bản viết tay duy nhất của Mohr. Giai điệu được sáng tác bởi Gruber chịu ảnh hưởng của âm nhạc truyền thống tại các vùng nông thôn, phảng phất những nét đặc biệt của dân ca Áo.
Tự điển Bách Khoa kể rằng vào năm 1859, John Freeman Young (Giám mục Giáo phận Florida, Hoa Kỳ) cho ra đời bản dịch tiếng Anh của ca khúc, và nó trở thành bản được nhiều người biết đến nhất hiện nay. Nói chung, các phiên bản hiện tại có một chút khác biệt so với bản nguyên gốc của Gruber. Ngày nay, lời và giai điệu ca khúc đã được đưa vào phạm vi công cộng của điều luật tác quyền.
Người ta tin rằng ca khúc giáng sinh này đã được dịch ra hơn 300 thứ ngôn ngữ trên khắp thế giới, và là một trong những bài hát được yêu thích nhất mọi thời đại.
Riêng vê bản tiếng Việt, có ít nhất 3 phiên bản, trong đó những người dịch đầu tiên là nhạc sĩ Hùng Lân và nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông.
Nhưng phiên bản thường dùng ở nhà thờ hiện nay là do Ca trưởng Hải Linh đặt lời Việt cho bài hát với tựa đề “Đêm Thánh Vô Cùng.”
ĐÊM THÁNH VÔ CÙNG
Đêm thánh vô cùng
Giây phút tưng bừng
Đất với trời
Se chữ đồng
Đêm nay Chúa con thần thánh tôn thờ
Canh khuya giáng sinh trong chốn hang lừa
Ơn châu báu vô bờ bến
Biết tìm kiến của chi đền...
*
Ôi Chúa Thiên đàng
Cảm mến cơ hàn
Nhấp chén phiền
Vương phong trần
Ôi Thiên Chúa thương người đến quên mình
Canh khuya giáng sinh trong chốn cơ hàn
Ơn châu báu vô bờ bến
Biết tìm kiến của chi đền.
Với lời ca khúc này, xin trân trọng chúc quý bạn gần xa một mùa lễ bình an
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét