Thứ Bảy, 7 tháng 3, 2015

LÀM NGƯỜI QUÝ BÁU


TẠNG THƯ SỐNG-CHẾT
THE TIBETAN BOOK OF LIVING AND DYING
Sogyal Rinpoche
Ni sư Thích Nữ Trí Hải dịch
 
 
[Được sinh làm người vô vàn quý báu]
 
Nhìn vào thế giới xung quanh ta, và vào tâm ta, ta có thể thấy quả thực có sáu cõi luân hồi. Chúng hiện hữu khi chúng ta vô tình để cho những cảm xúc tiêu cực nơi ta chiếu ra và kết tinh thành những hoàn cảnh sống (cõi, hay y báo), và để cho những cảm xúc ấy định đoạt mẫu mực, hình dạng, hương vị và toàn thể đời ta trong những cõi ấy. Sáu cõi cũng hiện hữu trong tâm ta dưới dạng những hạt giống và khuynh hướng tiêu cực luôn sẵn sàng để nẩy nầm và tăng trưởng, tùy theo ảnh hưởng bên ngoài và lối sống của ta.
 
Ta hãy nhìn xem một vài cõi như thế đã được phản chiếu và cô đọng lại trong thế giới quanh ta như thế nào. Đặc tính chính của cõi trời chẳng hạn, là vắng bóng khổ đau, một cõi có sắc đẹp bất biến và mê mẩn theo dục lạc. Hãy tưởng tượng những vị thiên thần cao ráo, tóc hung đang tản bộ trên bờ biển, trong những khu vườn ngập nắng, đang lắng nghe bất cứ bản nhạc nào họ ưa thích, đang say sưa với đủ mọi thứ kích thích, hăng say học yoga thiền định, luyện thân thể, và tìm đủ cách để cải thiện chính mình, nhưng không bao giờ động não, không bao giời xúc chạm một sự rắc rối nào, một hoàn cảnh đau khổ nào, không bao giờ ý thức đến tính bản nhiên của họ, bị "gây mê" đến độ họ không bao giờ ý thức được tình huống đích thực của mình.
Nếu một vài vùng ở California hay úc châu hiện lên trong tâm ta như cõi thiên giới, thì bạn cũng có thể thấy cõi tu la có lẽ diễn ra hàng ngày trong sự cạnh tranh mưu mẹo ở vùng Wall Street hay trong những hành lang của Washington và Tòa Bạch ốc. Còn cõi ngạ quỷ ở đâu? Nó hiện hữu ở bất cứ nơi nào mà con người, dù đã giàu có vô tận, cũng không bao giờ thỏa mãn, muốn chiếm lấy công ty này, công ty nọ, hoặc tỏ lòng tham không đáy của họ tại các vụ án tòa. Hãy bật truyền hình lên bất cứ đài nào, bạn sẽ đi vào ngay cái thế giới của tu la và quỷ đói.
Tính chất cuộc đời trong cõi chư thiên có vẻ như thư thản hơn thế giới chúng ta, nhưng các bậc thầy lại bảo đời người là vô vàn quý báu hơn. Tại sao? Vì chính cái sự kiện rằng chúng ta có tỉnh giác và thông minh, những nguyên liệu cho giác ngộ. Và vì sự đau khổ lan khắp cõi người ta chính là cái bàn đạp để cho ta làm cuộc chuyển hóa tâm linh. Sự đau đớn, buồn phiền mất mát, và đủ thứ bất mãn vô tận ở trong cuộc đời, thực sự chỉ có một mục đích đáng kể duy nhất là: Đánh thức chúng ta tỉnh dậy, giúp ta có thể - gần như bắt buộc ta - phải bứt ra khỏi chu kỳ sinh tử và nhờ thế bung ra được ánh quang vinh đang bị vây hãm trong ta.
Mọi truyền thống tôn giáo đều nhấn mạnh rằng đời người là cơ hội duy nhất, và có một tiềm năng ghê gớm mà thường ta không ngờ tới. Nếu ta để lỡ cơ hội mà cuộc đời này cống hiến cho ta tự chuyển hóa, thì có thể một thời gian vô cùng tận nữa ta mới có được cơ hội khác. Hãy tưởng tượng có một con rùa mù bơi trong đại dương bát ngát. Trên mặt biển có một cái vòng bằng gỗ nhấp nhô theo sóng. Cứ một trăm năm con rùa mới ngoi lên mặt biển một lần. Theo ví dụ trong Phật giáo, được sinh làm người còn khó hơn là con rùa nổi lên và chui được cái đầu của nó vào chiếc vòng gỗ ấy. Và trong số những người được sinh làm người, thì những kẻ may mắn được gặp nền giáo lý này cũng rất hiếm; và những người thực sự để tâm đến giáo lý và thể hiện giáo lý trong đời sống lại càng hiếm hoi, quả vậy, "như sao mọc ban ngày."

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét