Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2015

TÀI IỆU THAM KHẢO VỀ PHỦ THÀNH QUI NHƠN

Đôi điều về phủ thành Quy Nhơn

Tháng Bảy 18, 2015 bởi xunauvn
 
              Phan Trường Nghị
 
dien_thoquang_trung_du-lich-binh-dinh-tour-binh-dinh-du-llich-ben-nghe
Năm 1471, hạ xong thành Đồ Bàn, bắt Chiêm vương Trà Toàn đem theo quân thứ ban sư về kinh, chỉ vài tháng sau vua Lê Thánh Tông lập ra đạo thừa tuyên thứ 13 là Thừa Tuyên Quảng Nam. Rồi vị tướng nhiều công trạng trong cuộc chiến tiến binh vào kinh đô Đồ Bàn năm ấy là Trung quân Đô thống Phạm Nhữ Tăng, ông được giao quyền Đô Ty Quảng Nam kiêm Trấn Phủ Hoài Nhơn. Phủ Hoài Nhơn là châu Vijaya của người Chiêm trước kia, là một trong 3 phủ mới được thành lập : Thăng Hoa, Tư Nghĩa và Hoài Nhơn, chúng đã được ghi tên vào bản đồ Đại Việt sau cuộc nam chinh của vua Lê. Từ một số thông tin của tộc phả họ Phạm dòng dõi Thượng tướng quân Phạm Ngũ Lão nầy cho thấy Đô thống phủ, lỵ sở của Thừa Tuyên Quảng Nam lúc ấy đặt tại thành Đồ Bàn. Quan Đô thống đã thọ bệnh qua đời và chôn cất tại đây vào tháng 2 năm 1478, sau được cải táng về làng Hương Quế nay thuộc Quế Phú huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Như vậy vị quan đầu tiên trấn nhậm Quảng Nam kiêm lý phủ Hoài Nhơn, ông ở chức chỉ được 6 năm tại Hoài Nhơn, vùng cực nam của Đại Việt thời bấy giờ – là vùng đất cả tỉnh Bình Định bây giờ.
Quảng Nam thời ấy được thống hạt bỡi 3 Ty là Đô Ty, Thừa Ty, và Hiến ty. Nhiều người cho rằng lỵ sở của Tam ty Quảng Nam có ở Châu Sa (Quảng Ngãi), rồi Chiên Đàn (Tam Kỳ), nhưng chưa cho biết rõ lỵ sở dời ra đó vào lúc nào, vì sao phải chuyển dời. Dù sao thì điều phải rõ hơn hết là lỵ sở của một đơn vị hành chánh to lớn, của một đạo thừa tuyên mới thành lập phải được đặt nơi có thành trì, nơi có dân cư đông đúc, trù phú. Thành trì ngày xưa chính là nơi tứ dân an toàn trú ngụ, yên ổn mưu sinh. Thành trì cũng là nơi mà vua quan điều động quân lương, kén tuyển quân binh một cách nhanh chóng và dễ dàng để phòng ngự hoặc chuẩn bị cho một cuộc viễn chinh. Dinh trấn của Quảng Nam đến đầu thế kỷ 17 đặt ở Thanh Chiêm – vùng đất màu mỡ Điện Bàn đã nói lên được điều nầy khi các nước Tây dương đến đây đã xem Quảng Nam trù phú như là một đất nước riêng ở Đàng Trong.
Thành Đồ Bàn, kinh đô cũ của vương quốc Chiêm Thành, dù sau đó có không phải là lỵ sở của Tam ty đi nữa thì cũng là phủ thành của Phủ Hoài Nhơn trong một thời gian dài vào thời nhà Lê. Đến khi Chúa Nguyễn Hoàng vừa bước được vào nam, năm 1602 đã đổi Quảng Nam là Dinh (Doanh) chứ không gọi là Đạo Thừa Tuyên nữa. Theo Đại Nam Nhất Thống Chí thì Chúa đã đổi gọi Phủ Hoài Nhơn của Quảng Nam thành Phủ Quy Nhơn cũng vào năm nầy [1]. Biểu hiện của một sự thay đổi quyền lực, lẽ thường bao giờ cũng có sự thay đổi trước tiên về điển chế thông qua thay đổi địa danh trị nhậm. Nhưng điều quan trọng là với địa danh mới, bá tánh có an nhiên thoải mái sử dụng ngay hay không mà thôi. Ngay như trong thời buổi hiện tại, tên gọi Sài Gòn vẫn cứ được trăm họ hồn nhiên sử dụng qua cửa miệng chẳng chút gượng gạo song song với tên gọi trên giấy tờ hành chánh. Chỉ 50 năm sau ngày Chúa Nguyễn Hoàng thay đổi tên gọi đất Bình Định xưa, vào năm 1651 Chúa Nguyễn Phúc Tần đã cho đổi tên Phủ Quy Nhơn thành Quy Ninh. Rồi đến năm 1742 Chúa Nguyễn Phúc Khoát lại cho lấy lại tên cũ là Phủ Quy Nhơn. Trích dẫn lại từ Địa Chí Bình Định thì theo Thực Lục Tiền Biên – Viện Sử Học xuất bản năm 1962 cho biết 2 năm sau, năm 1744 Chúa Phúc Khoát cho dời phủ lỵ ra phía Bắc thành Đồ Bàn, nơi mà ngày nay thuộc Phường Nhơn Thành của Thị xã An Nhơn.[2]
Thay đổi tên gọi một địa danh cho vùng đất khi phải sáp nhập hay chia tách thì khác, nhưng ở đây với địa giới phủ Hoài Nhơn hay Quy Nhơn hay Quy Ninh thời Chúa Nguyễn, xem thấy chẳng có chút gì gọi là thay đổi. Năm 1611 thời Chúa Tiên Nguyễn Hoàng, cương vực phía nam đã mở rộng tới núi Thạch Bi, cũng cho thuộc vào Dinh Quảng Nam, nhưng là lập thêm một phủ mới ở phía nam Cù Mông gọi là Phủ Phú Yên. Đến năm 1629 Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên cho lập dinh trấn mới ở đây gọi là Dinh Trấn Biên để chuẩn bị tiến xa xuống phía nam. Đã không có chút thay đổi gì về địa giới, vậy điều gì đã khiến cho các Chúa phải thay đổi tên gọi vùng đất Bình Định thời đó. Các sử thần ngày xưa đã không ghi lại chuyện đó vì sao, các sử gia ngày nay chắc cũng chẳng ai hơi đâu tìm hiểu làm cho giới sưu khảo nghiệp dư có người phải tốn công tốn sức đi tìm thông qua việc tìm hiểu ngữ nghĩa của địa danh. Nói thì nói vậy chớ chẳng dễ dàng gì, ngày nay việc tìm hiểu địa danh qua ngữ nghĩa chẳng khác nào rơi vào mớ bòng bong. Lớp trẻ thời bây giờ có mấy ai đọc và hiểu rành rẽ tự dạng chữ Hán Nôm. Trong mấy ai đó có bao nhiêu người tiếp cận được kho tư liệu ngày xưa để tìm những minh chứng từ chỗ địa danh. Rồi địa danh đổi thay xoành xoạch qua mấy lớp bể dâu mấy tầng triều đại, mấy ai đó dễ gì đủ điều kiện để đi tìm cho tới nơi tới chốn. Chẳng hạn với địa danh Bả Canh, vị trí của Bả Canh nằm trong vòng thành Đồ Bàn và cũng là kế cận Nhơn Thành bây giờ (Nhơn Thành là nơi mà Thực Lục Tiền Biên trên kia đã cho là Phủ Thành Quy Nhơn dời ra đây năm 1744), Bả Canh được hiểu theo nghĩa là cầm cày, hay là cày ruộng quan, hay bằng một ngữ nghĩa nào khác nữa (!?).
Đọc lại Địa Bạ Bình Định lập năm Gia Long 1815 thì Trường Cửu Bả Canh Chánh Hộ ấp của Thuộc Thời Đôn, Huyện Tuy Viễn, Trấn Bình Định lúc ấy có 24 mẫu quan điền, công điền 48 mẫu, tư điền có 90 mẫu. (Quan điền là loại ruộng công do quan chức quản lý, để cho lính hoặc dân, cũng có thể là dân ở nơi khác đến cày cấy nộp với mức thuế cao thu làm quốc khố. Công điền cũng là loại ruộng công nhưng do xã thôn quản lý, chia cho dân của xã thôn canh tác theo một định kỳ nào đó). Đến năm 1832, Minh Mệnh đổi gọi Trấn Bình Định là Tỉnh, vua cho tiến hành chính sách quân điền ở đây. Sau khi bình quân, chia lại ruộng đất, Ấp Trường Cửu Bả Canh Chánh Hộ đã rút gọn tên họ thành Thôn Bả Canh của Tổng Thời Đôn, huyện Tuy Viễn, Tỉnh Bình Định (hiện bây giờ là Bả Canh của Phường Đập Đá, Thị xã An Nhơn). Lúc nầy mới té ra quan điền ở đây tăng gần gấp đôi (42 mẫu), gộp với công điền lên tới 119 mẫu trong khi tư điền chỉ còn 45 mẫu. Bả Canh thời đó đã là chánh hộ ấp chớ không phải là khách hộ ấp, có nghĩa là tên của nó đã có trong sổ bộ thu thuế tự đời nảo đời nao. Bả Canh nằm trong vòng thành Đồ Bàn, ruộng đất ở đây đa phần là quan điền, chính quyền cho thu tô cao để chiết lập quân lương cho thành trì. Chữ Bả theo tự dạng chữ Nôm có khác một chút theo tự dạng chữ Hán. Xem vậy không thể chỉ tra tự điển Hán Việt thấy Bả nghĩa là cầm nắm, Canh nghĩa là cày bừa mà cứ gọi đại ra Bả Canh là cầm cày. Cày bừa và Cái cày bản thân ngữ nghĩa đã khác hẳn nhau, ấy vậy mà Hán ngữ còn thêm chuyện đồng âm dị tự đem đến bao nhiêu điều tréo cẳng ngỗng. Ngày nay có nhiều người đã diễn dịch tên gọi Quy Nhơn có nghĩa là con người quy tụ về đây, trong khi đó tự dạng chữ Nhơn trong Quy Nhơn có nghĩa là lòng nhơn là nhơn nghĩa chớ không phải là người. Ngữ nghĩa lại còn lắm điều kỵ húy phải cải lại kiểu viết, cải lại kiểu đọc từng làm đau đầu các sĩ tử ngày xưa khi đi thi nữa là. Xưa vợ của Thái tử Đảm (vua Minh Mệnh sau nầy) tên là Hồ Thị Hoa, vua cha Gia Long ban sắc chỉ kiêng kỵ tên Hoa. Việc thương yêu con dâu quá đáng của vua đã dẫn đến chuyện Phường Hoa Phúc của xã Thời Lượng, Tổng Hạ, huyện Phù Ly (chính là vùng đất Phường Nhơn Thành, Gò Găng của An Nhơn bây giờ, lúc đó thuộc Tổng Hạ huyện Phù Ly tức là Phù Cát ngày nay); hoặc là Thôn Phong An của Phù Cát bây giờ nguyên trước xưa là ấp Hoa An cũng của xã Thời Lượng, tất cả thần dân đều phải đọc trại ra thành Ba Phúc phường, Ba An ấp. Ngay như Phúc cũng là đọc trại từ âm Phước của Hán ngữ, vì kiêng húy chữ Phước là bối tự – chữ lót của họ vua. Đi điền dã để sưu khảo, khi hỏi mấy cụ ngày xưa mà không lưu ý âm đọc thì chỉ có nước sa vào mớ rối bòng bong ngữ nghĩa.
Thông qua việc tìm hiểu địa danh để minh chứng vì sao Chúa Tiên đổi gọi tên Phủ Hoài Nhơn được đặt ra từ thời Lê Thánh Tông thành Phủ Quy Nhơn, vì sao Chúa Nguyễn Phúc Tần đổi gọi tên Phủ Quy Nhơn của chúa Tiên thành Phủ Quy Ninh quả là không dễ. Còn thông qua các bộ sử của Đại Việt cũng chưa thấy đâu dấu tích tên của Phủ thành gọi cho Thành Đồ Bàn là lỵ sở của Phủ thời ấy. Cuốn hồi ký của giáo sĩ Cristophoro Borri (1583 – 1632) ghi chép lại thời gian ông đến với Đàng Trong, nay đã được in thành sách ở Việt Nam dưới tên Xứ Đàng Trong Năm 1621, cuốn sách có nhiều tư liệu quý giá cho biết bối cảnh Quảng Nam và Quy Nhơn thời bấy giờ, nhưng cũng chẳng cho thấy rõ Dinh quan trấn thủ thời ấy như thế nào (Quan trấn thủ ở đây chính là Khám Lý Trần Đức Hòa, người đã tiến cử Đào Duy Từ cho Chúa Sãi).
Khi Chúa Nguyễn Phúc Khoát lấy lại tên gọi Phủ Quy Nhơn của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng, tên Quy Nhơn mới được biết nhiều, nhắc nhiều, hẳn nhiên qua đó cũng có tên của Phủ Thành Quy Nhơn.
Với Chuyện Chàng Lía – Văn Doan Diễn Ca, lướt qua chỗ sau khi xưng hiệu Sơn vương, Lía đem lâu la rời sơn trại đi đánh quan binh  :
… Bình Hòa kéo xuống, đông đà quá đông.
Quan thành nghe báo một khi,
Tức thì ra lịnh điểm binh trừ loàn.
Hai bên giáp chiến một khi,
Trống giong cờ phất, hơn hai ngàn người…
Lía đánh quan binh, quan giữ thành đưa lính ra kháng cự mà không biết ở đây là thành nào, quan quân thua trận phải Chạy về Bình Định đặng mà xin binh….
Còn với Tây Sơn Lương Tướng Ngoại Truyện của Cụ nghè người Nhơn Hậu – An Nhơn, Bình Định là Nguyễn Trọng Trì (1854 – 1922), trong chuyện Đô Đốc Nguyễn Văn Tuyết nói rõ hơn lên là có hành cung ở Quy Nhơn khi Chúa Nguyễn Phúc Khoát xa giá đến đây :
Xa giá của Chúa Nguyễn đến Quy Nhơn. Một mình Nguyễn [tức là Nguyễn Văn Tuyết] ban đêm vào hành cung, thấy canh giữ rất nghiêm ngặt, không thể đến gần (chúa) được, bèn rẽ vào vườn sau. Nghe ngựa hí, tiếng rất hùng tráng khác ngựa thường, biết đây là giống ngựa hãn huyết (mồ hôi có màu máu), lòng hồi hộp, bèn lấy trộm ra. Một đêm chạy năm sáu trăm dặm đến An Khê trời chưa sáng tỏ. Ngựa tên Xích Kỳ, là cống vật của Cao Man. Chúa rất yêu thích, nên xa giá xuống phương nam cũng đem ngựa theo. Đến Quy Nhơn một đêm bỗng mất ngựa, bèn xuống chỉ tìm khắp nơi.
Lúc bấy giờ Nguyễn Khắc Tuyên làm Tuần Phủ Quy Nhơn, nghe tin sợ quá, cho người cỡi ngựa rảo tìm bắt kẻ trộm. Nhưng rốt cuộc không tìm được. Tuyên suýt phải tội. Trương Phúc Loan hết sức cứu mới được miễn…
Tây Sơn Lương Tướng Ngoại Truyện không cho thấy rõ hành cung nơi Chúa ở khi Chúa đến phủ Quy Nhơn là nơi nào, ở ngay trong Phủ Thành hay hành cung dựng tại một địa điểm ở đâu đó ngoài thành. Dù sao Tây Sơn Lương Tướng Ngoại Truyện cũng cho biết Tuần phủ Quy Nhơn lúc ấy là Nguyễn Khắc Tuyên, cũng giống như Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện Quyển 30 của Quốc sử quán nhà Nguyễn xác nhận :
Nhạc là người nhiều mưu cơ trí trá, một hôm tự ngồi vào trong cũi, sai bè lũ xe đến nói là bắt được Nhạc giải nộp, Nguyễn Khắc Tuyên không ngờ là dối, sai mở cửa thành để nhận, đêm hôm ấy bọn lũ của Nhạc lẻn vào đốt doanh giết tướng, chiếm cứ lấy thành…
Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục Quyển 44 của Quốc Sử Quán nhà Nguyễn cũng ghi nhận việc Nguyễn Nhạc khi dấy nghĩa, năm 1773 đã đánh chiếm Thành Quy Nhơn bằng chiến tích ly kỳ như trong Liệt Truyện :
Văn Nhạc là người nhiều cơ mưu trí tuệ. Một hôm, tự ngồi vào trong cũi, rồi sai đồ đảng luân chuyển báo đi rằng : Bắt được Văn Nhạc đem giải nộp trấn doanh. Viên tướng giữ trấn không ngờ là sự trí trá, bèn mở cửa doanh thu nhận. Đêm hôm ấy, đồ đảng của Nhạc lén đến ngoài thành, Nhạc liền phá cũi mà ra, mở toang cửa thành, đốt doanh trại, giết tướng giữ trấn, bèn chiếm cứ thành Quy Nhơn…
Nhưng ở đây, theo lời chua trong Cương Mục thì thành Quy Nhơn lúc ấy lại chính là Thành Đồ Bàn ngày xưa [3]. Như vậy có hay không có việc đã chuyển dời lỵ sở Phủ Thành Quy Nhơn từ Phường Hoa Phúc (Nhơn Thành bây giờ) trở lại Đồ Bàn ngay trong thời Chúa Nguyễn Phúc Khoát cai trị Đàng Trong, hay vào thời Chúa Nguyễn Phúc Thuần sau đó. Hay là Cương Mục đã chép sai !
Lần theo sách Đại Nam Thực Lục Tiền Biên – nxb Giáo Dục năm 2001, đây là bộ sử biên niên của Quốc Sử Quán nhà Nguyễn đã được Viện Sử Học phiên dịch và hiệu đính, cho in lại. Trong Quyển 10, niên đại 1742 có chép :
Nhâm Tuất, năm thứ 4 [1742], đổi phủ Quy Ninh làm phủ Quy Nhơn, phủ Diên Ninh làm phủ Diên Khánh…
Tìm đến năm 1744 để xác định lại năm Chúa Phúc Khoát cho dời phủ lỵ Quy Nhơn ra phía Bắc thành Đồ Bàn thì chỉ thấy trong năm nầy nói những việc Chúa đúc ấn Quốc vương, truy tôn huy hiệu các đời, định lại triều phục… Liên quan đến Quy Nhơn thì chỉ có chép câu :
Các Dinh đặt Trấn thủ, Cai bạ, Ký lục để cai trị. Duy 2 phủ Quảng Ngãi và Quy Nhơn lệ thuộc vào Dinh quảng Nam thì đặt riêng chức Tuần phủ và Khám Lý để cai trị…
Không biết Thực Lục Tiền Biên của Viện Sử Học in năm 1962 có khác gì với Bộ Thực Lục tái bản năm 2001 hay không. Hiện nay với bộ Đại Nam Nhất Thống Chí – nxb Thuận Hóa năm 2006, trong Tập 3, Quyển 9 nói về Tỉnh Bình Định cũng không thấy dấu vết gì việc dời Phủ Thành Quy Nhơn ra ngoài phía Bắc Thành Đồ Bàn vào năm 1744, như Địa Chí Bình Định đã trích dẫn là có chép trong Tiền Biên của Viện sử Học bản in năm 1962. Như vậy có điều gì đã gây ra sự rối rắm ở trong các bộ sử của Quốc Sử Quán (!?)
Thư tịch cổ ngày xưa còn có Đồ Bàn Thành Ký, là phần cuối trong cuốn Nguyễn Thị Tây Sơn Ký [4] của cụ Hoàng giáp Nguyễn Văn Hiển người Cát Hanh – Phù Cát, Bình Định (1827 – 1865), bài ký có nhắc đến phủ thành Quy Nhơn nằm ở phía ngoài Thành Đồ Bàn. Theo bản dịch của cụ Tô Nam Nguyễn Đình Diệm (chuyên viên Hán học của phủ Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn Hóa), in trong Tập San sử Địa số 19 & 20 – Sài Gòn 1970 có đoạn :
Sau lưng Thành Chàm có núi Thập Tháp, trước mặt núi có ngôi chùa danh tiếng, là nơi tu hành của vị sư bên Tàu tên gọi Hoán Bích Hòa thượng, (chùa này xây dựng từ niên hiệu Chính Hòa năm thứ 4 tức đời Lê Hy Tông, DL 1684), trên biển có đề Thập Tháp Di Đà Tự chúa Nguyễn Hiển Tông Hiếu Minh hoàng đế ban cho (1691 – 1725). Cách hơn một dặm về phía tây, làm cây thông reo, tốt tươi xanh mướt, đó là Văn Miếu thờ đức thánh Khổng. Phía đông miếu còn nền móng lũy xưa đó là bức thành của phủ Quy Nhơn ngày trước (thành này thuộc huyện Phù Cát), cách hơn dặm về phía bắc thành Đồ Bàn là nơi trước kia Nguyễn Nhạc tụ họp quân Mán kéo xuống đánh thành Quy Nhơn, rồi tu sửa thành Đồ Bàn để làm quốc đô, còn nền móng thành Quy Nhơn phế bỏ…
Tựu chung các sách sử nói về phế tích Phủ Thành Quy Nhơn chắc chỉ có bài ký của cụ Hoàng giáp là nhắc rõ hơn cả. Cụ Nguyễn Văn Hiển và em là Nguyễn Văn Sách cùng đỗ Cử nhân khoa Bính Ngọ năm Thiệu Trị 1846, năm sau thi Hội ông đỗ Tiến sĩ Đệ nhị giáp, làm quan tới chức Tuyên phủ sứ đạo Phú Yên. Gốc quê ông ở xã Mỹ Chánh huyện Hải Lăng (Quảng Trị), nhưng sinh ở làng Vĩnh Ân, Phù Cát nên thường gọi là Ông Hoàng giáp Vĩnh Ân. Theo Nguyễn Phu và Nguyễn Thiều trong cuốn Các Nhà Khoa Bảng Bình Định Dưới Triều Nguyễn (nxb Thuận Hóa 2004) thì sau khi đỗ ông được bổ Hàn lâm Tu soạn, sau thăng Hàn lâm Thị Độc, nhưng vì mẹ già yếu nên xin về quê phụng dưỡng. Sau đó lại được triều đình bổ Đốc học, hàm Hàn lâm Thị Giảng, rồi thăng Án sát Quảng Ngãi. Ông mất năm 39 tuổi khi còn tại chức Tuyên phủ sứ ở Phú Yên. Nghe truyền rằng ông có trí nhớ giỏi không khác gì Lê Quý Đôn. Trong Đồ Bàn Thành Ký ông có nói ông soạn bài nầy thể theo lời yêu cầu của quan Hộ đốc họ Bùi khi về trị nhậm ở Bình Định. Như vậy bài ký nầy có thể được làm trong khoảng thời gian ông về Vĩnh Ân – Phù Cát phụng dưỡng mẹ già.
Không phải ai cũng có thiên năng bẩm sinh như Hoàng giáp Vĩnh Ân Nguyễn Văn Hiển hoặc Quế Đường Lê Quý Đôn để đủ điều kiện đọc, hiểu, biết hết những tri thức của nhân loại, những di cảo của người xưa. Sách vở chỉ là một trong những mối dây. Những khẩu truyền trong dân gian, những di chỉ, những dấu vết sinh sống, xây dựng… của người xưa là những mối dây khác nữa. Tìm lại quá khứ không thể thậm tin vào sách, cũng không thể hời hợt đào xuống bới lên. Chắc có lẽ cũng không quá hời hợt, cũng không quá thậm tin nên hiện nay ở Bình Định đã có bia Di tích lịch sử Phủ Thành Quy Nhơn, đặt tại Phường Nhơn Thành, Thị xã An Nhơn. Gọi nơi đây là lỵ phủ Quy Nhơn dưới chính quyền nhà Nguyễn Đàng Trong thời Trịnh Nguyễn phân tranh, năm 1773 nghĩa quân Tây Sơn đánh chiếm và dùng làm căn cứ quân sự.
Tấm bia trên kia đã mặc nhiên công nhận : với Di tích Phủ Thành Quy Nhơn, những ghi chép lưu truyền trong dân gian đã có giá trị thực hơn những gì sử thần đã chép.
Nói cho cùng, Phủ Thành Quy Nhơn hồi ấy tọa lạc tại vùng Nhơn Thành bây giờ, xem ra nó tồn tại chỉ khoảng 30 năm, trong thời gian đó nó không nói hơn được điều gì về mặt lịch sử ngoài chiến tích nghĩa quân Tây Sơn hạ thành khá ly kỳ, huyền thoại. Lịch sử Thành trì của Quy Nhơn hầu như đã dồn nén hết vào Thành Đồ Bàn cũ. Khi Nhà Tây Sơn sửa chữa Thành Đồ Bàn làm Thành Hoàng Đế cho triều đại mới, sau đó ở đây đã chính là nơi xuất binh vào Nam quét sạch 300 chiến thuyền Xiêm La do Phúc Ánh lưu vong rước tới, là nơi xuất binh vượt ra Bắc xóa tan phủ Chúa, để rồi sau đó đánh tan 20 vạn hùng binh Mãn Thanh do Duy Kỳ khất lân lĩnh về. Nhưng cũng chính nơi đây trào tuôn những giọt nước mắt khóc cho cảnh anh em, chú cháu bất hòa đem binh vây hãm, nồi da xáo thịt bắn giết nhau. Cũng chính nơi đây sau đó chẳng bao lâu, đại binh Phú Xuân hơn một năm trời công phá đã tiến vào thành mà tha hết quân binh giữ thành, chẳng giết một ai, thể theo lời thỉnh cầu của 2 chủ tướng họ đã xin trước khi tự thiêu, uống thuốc độc tuẫn tiết.
Thành trì là nơi để tứ dân an toàn trú ngụ yên ổn mưu sinh. Nhưng bi hùng của Thành trì là mang mang đâu đó câu nhất tướng công thành vạn cốt khô
 
——————————–
[1] Đại Nam Nhất Thống Chí – Quốc Sử Quán Triều Nguyễn – Viện Sử Học, nxb Thuận Hóa 2006 – Tập 3, trang 7
[2] Địa Chí Bình Định – Website Sở Khoa Học và Công Nghệ Bình Định : Bình Định Thiên Nhiên, Dân Cư và Hành Chính – Phần III Địa Chí Hành Chính – Chương XI Tổ chức Hành Chính và Bộ Máy Quản Lý Nhà Nước – Mục II Dưới Thời Các Chúa Nguyễn
[3] Trang 936 – Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục – nxb Giáo Dục 1998
[4] Sách do Trường Viễn Đông Bác Cổ in microfilm, được tàng trử tại Viện Khảo Cổ Sài Gòn trước năm 1975.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét