Thứ Sáu, 21 tháng 11, 2014

CUNG TIẾN

Cung Tiến

Tên thật: Cung Thúc Tiến
Bút hiệu khác: Thạch Chương
(27/11/1938 - ........) Hà Nội

Nhạc sĩ
Chuyên gia Kinh tế 
Viết nhận định, phê bình văn học, dịch thuật











Cung Tiến sinh tại Hà Nội, tên khai sinh là Cung Thúc Tiến.
(con Cụ bà Đinh Ánh Tuyết và Cụ ông Cung Thúc vấn, nhà thơ, bút hiệu Hoàng Tường, một nhà cách mạng, nguyên đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng) 
Cung Tiến là một nhạc sĩ nổi tiếng khi còn rất trẻ và được xem là một thiên tài thuộc dòng nhạc Tiền Chiến với những ca khúc được phổ biến rộng rãi như Thu Vàng, Hoài Cảm sáng tác từ năm 13, 14 tuổi.
Cung Tiến đã học xướng âm và ký âm với nhạc sĩ Thẩm Oánh thời kỳ trung học, sau đó du học Úc ngành Kinh Tế, cùng lúc theo học hòa âm, đối điểm, phối âm và dương cầm tại Âm nhạc viện Sydney. 
Ông còn học các lớp nhạc sử, nhạc học, nhạc lý hiện đại tại Đại học  Cambridge khi còn làm nghiên cứu kinh tế phát triển với học bổng Cao học tại Anh quốc.
Dù sáng tác ít, vì tự cho mình là người nghiệp dư trong âm nhạc, hơn nữa chỉ là thú tiêu khiển, Cung Tiến cũng đã để lại những tác phẩm giá trị, bất hủ, vang vọng mãi cho nền Tân nhạc Việt Nam.
Ngoài việc sáng tác ca khúc, ông còn viết nhiều khảo luận và nhận định về nhạc dân gian Việt Nam cũng như nhạc Tây phương hiện đại, và đã dịch sang tiếng việt cuốn Hồi Ký Viết Dưới Hầm của Dostoievsky và cuốn Một Ngày Trong Đời Yvan Đênixôvitch của Solzhenitsyn.
Hiện Cung Tiến sống hưu trí cùng gia đình tại Minnesota và là hội viên của Diễn đàn Nhạc sĩ Hoa Kỳ (American Composers Forum)

























Tiểu sử

Cung Tiến - Giọt nước hân hoan



























Tác phẩm đã phổ biến













Hoài Cảm
Tiếng hát Lệ Thu



Chiều buồn len lén tâm-tư 
Mơ hồ nghe lá thu mưa 
Dạt dào tựa những âm xưa 
Thiết tha ngân lên lời xưa 

Quạnh hiu về thấm không gian 
âm thầm như lấn vào hồn 
Buổi chiều chợt nhớ cố nhân 
Sương buồn lắng qua hoàng hôn 

Lòng cuồng điên vì nhớ 
ôi đâu người, đâu ân tình cũ? 
Chờ hoài nhau trong mơ 
Nhưng có bao giờ, thấy nhau lần nữa 

Một mùa thu xa vắng 
Như mơ hồ về trong đêm tối 
Cố nhân xa rồi, có ai về lối xưa? 

Chờ nhau hoài cố nhân ơi! 
Sương buồn che kín nguồn đời 
Hẹn nhau một kiếp xa xôi, 
nhớ nhau muôn đời mà thôi! 

Thời gian tựa cánh chim bay, 
qua dần những tháng cùng ngày 
Còn đâu mùa cũ êm vui? 
Nhớ thương biết bao giờ nguôi?

























Hương Xưa
Tiếng hát Lệ Thu




Người ơi, môt chiều nắng tơ vàng hiền hòa hồn có mơ xa? 
Ngươi ơi, đường xa lắm con đường về làng dìu mấy thuyền đò 
Còn đó tiếng tre êm ru 
Còn đó bóng đa hẹn hò 
Còn đó những đêm sao mờ hồn ta mênh mông nghe sáo vi vu 

Người ơi, còn nhớ mãi trưa nào thời nào vàng bướm bên ao 
Người ơi, còn nghe mãi tiếng ru êm êm buồn trong ca dao 
Còn đó tiếng khung quay tơ, 
Còn đó con diều vật vờ 
Còn đó, nói bao nhiêu lời thương yêu đến kiếp nào cho vừa 

Ôi, những đêm dài hồn vẫn mơ hoài một kiếp xa xôi 
Buồn sớm đưa chân cuộc đời 
Lời Đường Thi nghe vẫn rền trong sương mưa 
Dù có bao giờ lắng men đợi chờ 
Tình Nhị Hồ vẫn yêu âm xưa 
Cung Nguyệt Cầm vẫn thương Cô-tô 
Nên hồn tôi vẫn nghe trong mơ tiếng đàn đợi chờ mơ hồ 
Vẫn thương muôn đời nàng Quỳnh Như thuở đó 

Ôi, những đêm dài hồn vẫn mơ hoài một giấc ai mơ 
Dù đã quên lời hẹn hò 
Thời Hoàng Kim xa quá chìm trong phôi pha 
Chờ đến bao giờ tái sinh cho người 

Đời lập từ những đêm hoang sơ 
Thanh bình như bóng trưa đơn sơ 
Nay đời tan biến trong hư vô, 
chết đầy từng mồ oán thù. 
máu xương tơi bời nhiều mùa thu .... 

Người ơi, chiều nào có nắng vàng hiền hòa sưởi ấm nơi nơi? 
Người ơi, chiều nào có thu về cho tôi nhặt lá thu rơi? 
Tình có ghi lên đôi môi 
Sầu có phai nhòa cuộc đời 
Người vẫn thương yêu loài người và yên vui cuộc sống vui. 
Đời êm như tiếng hát của lứa đôi, 
Đời êm như tiếng hát của lứa đôi ....


























Nguyệt Cầm 
Ý thơ Xuân Diệu
Tiếng hát Khánh Ly



Trăng nhập vào dây cung nguyệt lạnh 
Trăng thương trăng nhớ hỡi trăng ngần 
Đàn buồn đàn chậm ôi đàn lặng 
Mỗi giọt rơi tàn như lệ ngân. 
(Xuân Diệu) 


Đêm mùa trăng úa làm vỡ hồn ta... 
Ngập ngừng xa...suối thu dồn lá úa trôi qua 
Sầu thu, sầu lên vút mịt mù, mà e nhớ hương mùa thu 
Trăng Tầm Dương lung linh bóng sáng, từng thoáng lệ ngân, mà hồn phân vân cuồng điên nhớ 
Long lanh tiếng Nguyệt Cầm, tiếng đàn trầm 
Ai nhớ nương tử một đêm nao trăng thanh trong lời hát... chết theo nước xanh...Chết theo nước xanh... 
Ôi đàn trăng cũ làm vỡ hồn anh... 

Long lanh long lanh ... trăng chiếu một mình, 
khơi vơi khơi vơi ... nhạc lắng tỏ ngời 
Nguyệt cầm ôi từng lệ ngân, ... 
chết từng mùa Xuân... 

Đêm ngời men nhớ...Nhạc tê ngời thuở xưa 
Trăng sầu riêng chiếc... Trăng sầu riêng chiếc, sầu cho tới bao giờ ? 
Hồn ghê bốn bề sao ngợp hồn xanh biếc trời cao 
Kià thuyền trăng, trăng nhớ Tầm Dương, nhớ nhạc vàng, đêm ấy thuyền neo bến ấy 

Nguyệt Cầm nghe nấc từng câu... 
Có hàng mây trắng về đâu? 
Mắt chìm sâu, đêm lắng đời sâu 
Nguyệt Cầm khơi mãi tình sầu . 
Khơi mãi nguồn đêm ...Mùa trăng úa làm vỡ hồn ta... 
Ngập ngừng xa suối thu dồn lá úa trôi qua . 
Sầu Thu sầu lên vút mịt mù, mà e nhớ hương mùa Thu . 
Trăng Tầm Dương lung linh bóng sáng từng thoáng lệ ngân, mà hồn phân vân cuồng điên nhớ . 
Long lanh tiếng Nguyệt cầm tiếng đàn trầm . 
Ai nhớ Nương Tử một đêm nao trăng thanh trong lời hát, chết theo nước xanh chết theo nước xanh . 
Ôi đàn trăng cũ làm vỡ hồn anh.

























Thu Vàng
Tiếng hát Hồng Nhung




Chiều hôm qua lang thang trên đường 
Hoàng hôn xuống, chiều thắm muôn hương 
chiều hôm qua mình tôi bâng khuâng 
Có mùa Thu về, tơ vàng vương vương 

Một mình đi lang thang trên đường 
Buồn hiu hắt và nhớ bâng khuâng 
Lòng xa xôi và sầu mênh mông. 
Có nghe lá vàng não nề rơi không 

Mùa Thu vàng tới là mùa lá vàng rơi 
Và lá vàng rơi, khi tình Thu vừa khơi 
Nhặt lá vàng rơi, xem màu lá còn tươi 
Nghe chừng đâu đây màu tê tái 

Chiều hôm qua lang thang trên đường 
Nhớ nhớ, buồn buồn với chán chường 
Chiều hôm nay trời nhiều mây vương 
Có mùa Thu Vàng bao nhiêu là hương.

























Hương Xưa
Lời tiếng Anh: Giáng Tiên
Tiếng hát: Nguyên Thảo & Đức Tuấn
Chương trình Duyên dáng Việt Nam 18
Singapore 2007


























Mắt Biếc
Tiếng hát Anh Ngọc



Mắt hoen màu nhớ ân tình xa xưa 
Tóc nghiêng bờ nắng, vai buồn chơ vơ 
Mắt xưa sầu vắng, mắt xưa lệ thắm 
Ôi mắt xưa còn đắm hồn tuổi thơ! 

Mắt hoa vừa sáng ngời mùa Xuân đó 
Tóc hoa vừa rối bời mùa Thu đó 
Lối quen mòn chân êm bước đôi tình nhân âu yếm như mùa Xuân trắng ngần 

"Nhớ không mùa đó! 
Nhớ không trời đó!" 
"Dẫu cho tàn nắng hương không nhòa!" 

Nằm nghe cây đổ lá từng cánh 
Ngậm ngùi, ôi tiếng chim cười đầu cành! 
Hồn anh nghiêng lả xuống làn môi ôi rực rỡ! 
Ân tình ngất ngây không ngỡ ngàng. 
Đâu ngờ phút giây huy hoàng phút giây khổ đau!. 
Chợt nghe chim thảng thốt ngoài hiên, tưởng chừng nhói vào tim . 

Sớm mai vừa thức ôi nhiều nhớ thương 
Nắng ôm choàng gối đôi bờ vai êm 
Tiếng ai còn âm âm, tóc ai còn thơm thơm, mắt ai còn xanh thắm trong tâm hồn . 
Biết đâu nào tháng ngày về sau? 
Biết đâu nào chúng mình còn nhau? 
Nhớ trong tình yêu, yêu trong tình nhớ, tha thiết hơn tình mây ban chiều 
Nắng ơi đừng vắng! 
Gió ơi đừng lắng! 
Ái ân đừng . . . 
Ái ân đừng xa vắng trần gian!


























Lệ Đá Xanh
Thơ Thanh Tâm Tuyền
Nhạc Cung Tiến
Tiếng hát Khánh Ly




Tôi biết những người khóc lẻ loi, hồn không nguôi, sầu không nguôi, đời quên yên bình cho người. 

Đời không yên vui là đó: lệ khóc không rơi ngoài hồn, lệ khóc không rơi ngoài hồn, hồn cô đơn... 

Nghẹn ngào không nói là những đêm nao, người ngắm trăng sao bềnh bồng. là những đêm mắt lệ, là những đêm mắt dâng lệ đá xanh. 
Lệ đá xanh, ôi những đêm buồn một mình, ôi những đêm lẻ loi, sầu nâng chênh vênh tâm hồn. 

Đôi khi anh muốn tin, đôi khi anh muốn tin ngoài đời chỉ còn trời sao đáng kể, mà bên vì sao lấp lánh đôi mắt em, và đôi mắt em lấp lánh không thôi đến ngày cuối... 

Đôi khi anh muốn tin, đôi khi anh muốn tin, ngoài đời thơm thơm, cỏ hoa ươm hương dịu hiền. mà bên trái cây ngọt ngào đôi môi em, ngọt ngào đôi môi em, ngọt ngào đôi môi em ... 
Nguồn sữa mật khởi đầu. 

Đôi khi anh muốn tin ngoài đời cỏ hoa tinh khiết, mà bên cỏ hoa quyến rũ cánh tay em, vòng ân ái, vòng âu yếm. 

Đôi khi anh muốn tin, đôi khi anh muốn tin... 
Ôi những người, ôi những người khóc lẻ loi một mình. 
Đau đớn lệ, đau đớn lệ là những viên đá xanh. 
Tim rũ rượi...


























Hoàng Hạc Lâu
https://www.youtube.com/watch?v=pypSIIcu7_w

Thơ Thôi Hiệu
Vũ Hoàng Chương chuyển sang thơ việt
Cung Tiến phổ nhạc
tiếng hát Quỳnh Giao



Xưa hạc vàng bay vút bóng người 
Đây Lầu Hoàng Hạc chút thơm rơi 
Vàng tung cánh hạc đi đi mãi  
Trắng một mầu mây vạn vạn đời  
Cây bến Hán Dương còn nắng chiếu 
Cỏ bờ Anh Vũ chẳng ai chơi 
Gần xa chiều xuống nào quê quán
Đừng giục cơn sầu nữa sóng ơi






















Kẻ ở (Mai chị về)

Thơ Nguyễn Đình Tiên
Nhạc Cung Tiến
Tiếng hát Lệ Thu



Mai chị về em gửi gì không? 
Mai chị về nhớ má em hồng. 
Đường đi không gió lòng sao lạnh 
Bụi vướng ngang đầu mong nhớ mong. 

Quê chị về xa mù dặm xa. 
Rừng thu chiều xao xác cánh gà. 
Hoa rơi khắp lối sương muôn ngả 
Ngựa lạc rừng hoang qua lướt qua. 

Ngựa chị dừng bên thác trong veo. 
Lòng chị buồn khi nắng qua đèo. 
Nơi đây lá giạt vương chân ngựa 
Hươu chạy quay đầu theo ngó theo. 

Rừng đêm nhòa bóng nhớ hoang mang 
Ngựa chị dừng bên thác sao vàng 
Sao rơi đáy nước vương chân ngựa 
Buồn dưng đôi mi, buồn dưng đôi mi 

hàng lại hàng
























Mùa Hoa Nở

https://www.youtube.com/watch?v=Rbfi3xtMG2k

Nhạc Cung Tiến
Tiếng hát Mai Hương





Chiều mưa thương nhớ đến bao giờ 
Ðường về nẻo Bắc xa mờ ..mơ hồ 
Ðàn chim gieo thương nhớ 
Từng tiếng nức nở
từng tiếng oán thù …cố đô 
Ngày mai nhớ nhớ nhé 
Ðón anh về người về 
Giữ lời thề lời thề 
Hoa ngàn rơi trắng đường đi 
lối cũ còn ghi 
Ngày mai anh về nhé 
Ðừng than khóc mà chi 

Rừng cây thương nhớ đã bao mùa 
Mùa vàng rừng thu đổ lá 
Ngập ngừng suối biếc tàn thu 
Chập chùng xuôi lá về đâu 
Một mùa thắm biên khu 

Reo hò quân ta reo hò 
Ngày mai đi giải phóng cố đô dẹp tan oán thù 
Ngày mai đời lên hương hoa mùa 
Hà Nội ơi chờ đón đoàn ta dựng cờ 
Reo hò quân ta reo hò 
Vượt qua bao rừng thẳm sông dài về đây hát cười 
Bao người nối lời reo cười 
Mừng anh đã về đây 

Ngày mai chiến thắng vui tưng bừng 
Người người ca hát vang lừng 
Chập chùng mười cửa ô em gái 
Chờ đón vẫy chào đoàn quân tiến về 
Tô lại tình thương hoa lá lá thắm 
Hoa đua nở ngàn lòng 
Ngát hương tình mặn nồng 
Tình ta ! Hỡi người chiến sĩ ! Một mùa hoa thơm 
Em mong vinh quang ta tô thắm đời






































Vết Chim Bay


Thơ Phạm Thiên Thư
Nhạc Cung Tiến
Tiếng hát (1)Camille Huyền  và (2)Bích Liên





Ngày xưa tôi đón em
Nơi gác chuông chùa nọ
Con chim nào qua đó
Còn để dấu chân in
Tôi một mình gọi nhỏ:
"Chim ơi biết đâu tìm."

Mười năm tôi qua đó
Còn vẫn dấu chân chim
Tôi một mình gọi nhỏ:
"Em ơi biết đâu tìm."

Ngày xưa tôi đón em
Trên gác chuông chùa nọ
Bây giờ tôi qua đó
Còn thấy chữ trong chuông.

Tôi khoác áo nâu sồng
Em chân trời biền biệt
Tên ai còn tha thiết 
Trong tiếng chuông chiều đưa.

Ngày xưa em qua đây 
Cho tình tôi chớm nở
Như chân chim muôn thuở
In mãi bực thềm rêu.

Cõi người có bao nhiêu
Mà tình sầu vô lượng 
Còn chi trong giả tướng 
Hay một vết chim bay...






































Thuở Làm Thơ Yêu Em
Thơ Trần Dạ Từ
Nhạc Cung Tiến
Tiếng hát Camille Huyền





Thuở làm thơ yêu em ... 
Trời mưa chưa ướt áo 
Hoa cúc vàng bên thềm 
Nắng hanh lưng bờ dậu 
Chiều sương dầy bốn phía 
Lòng anh mấy ngã ba 
Tiếng đời đi rất nhẹ 
Nhịp sầu lên thiết tha ... 

Thuở làm thơ yêu em, 
Cả dòng sông dài thương nhớ 
Nửa vai cầu tay nghiêng 
Tương tư trời thành phố
Anh đi rồi lại đến 
Bài thơ không hết lời ... 
Bao nhiêu lần hò hẹn ... 
Sớm chiều sao xa xôi ... 

Mười bảy năm chợt thức ... 
Bây giờ là bao giờ 
Bàn tay trên mái tóc 
Nghìn sau còn bâng quơ.













Những tác phẩm khác








Đêm Hoa Đăng




Bản viết tay của Nhạc sĩ Cung Tiến gởi MDTG





















Đường Hoa 

Thơ Quang Dũng
Nhạc Cung Tiến

















Vang Vang Trời Vào Xuân

Viết cho giọng hát và Piano. 1980

phổ nhạc từ 12 bài thơ trong tù của Thanh Tâm Tuyền
(được trình bầy lần đầu tiên tại Thủ Đô Washington năm 1985)
















Chimh Phụ Ngâm. 1987

Nhạc tấu khúc soạn cho 21 nhạc khí tây phương
được trình diễn lần đầu tại San Jose năm 1988








Ta Về. 1992
Thơ Tô Thùy Yên

Soạn cho giọng hát, nói, ngâm và một đội nhạc cụ thính phòng









Lơ Thơ Tơ Liễu Buông Mành. 2003

Nhạc đương đại dựa trên một điệu dân ca Chèo cổ














































Các ca khúc của Nhạc sĩ Cung Tiến













Thụy Khuê 
phỏng vấn Nhạc sĩ Cung Tiến
Paris 1994










Bạch Lam (báo Viễn Đông) phỏng vấn Nhạc sĩ Cung Tiến






Nhạc sĩ Cung Tiến, người viết nhạc cho tương lai




Viễn ĐôngThưa ông, đâu là ranh giới giữa ca khúc phổ thông và ca khúc nghệ thuật?
Nhạc sĩ Cung Tiến: Như tôi đã viết trên nhiều tài liệu, ca khúc phổ thông (popular music) thường thường người ta viết giai điệu chứ không có hòa âm. Như hồi nhỏ, tôi viết một giai điệu có lời, nhưng mà không có hòa âm; người trình diễn đệm đàn theo lối nào cũng được, tùy tiện. Ca khúc nghệ thuật là ca khúc dùng bản văn một bài thơ có phẩm chất cao để viết nên phần giai điệu, xong rồi phải có phần hòa âm để làm bối cảnh cho ca khúc đó. Ca khúc cũng như một bức tranh, đằng trước là hình ảnh, là tiền cảnh, còn đằng sau là bối cảnh, như mây, nước, hoặc cảnh nọ, cảnh kia; cái đó chính là hòa âm hay là phối khí trong âm nhạc. Sau một thời gian sáng tác ca khúc phổ thông, tôi được trau giồi về âm nhạc, và bắt đầu phổ nhạc vào những bài thơ mà tôi thích.


Viễn ĐôngTrong hai tập nhạc mà ông vừa cho xuất bản, tất cả là do ông viết hòa âm, trừ một vài bài có ghi chú?
Ns. Cung Tiến: Vâng, tất nhiên, tất cả là do tôi viết hòa âm. Chỉ có một vài bài, như “Đôi Bờ”, chẳng hạn, có một người nhạc sĩ người Thụy Sĩ, chơi lục huyền cầm cổ điển, từng đệm guitar cho một cô ca sĩ tên là Camille Huyền rất là giỏi, người Huế, sau đó viết luôn phần đệm guitar cổ điển, rồi gửi phần hòa âm đó cho tôi. Còn phần lớn, 99 phần trăm là tôi viết hòa âm hết, và viết cho giàn nhạc nữa.


Viễn ĐôngXin ông cho biết định nghĩa của ông về một nhạc sĩ? Và có nên chăng có danh từ “nhạc sĩ chuyên nghiệp”?
Ns. Cung Tiến: Theo tôi hiểu, “nhạc sĩ chuyên nghiệp” là người sống bằng nghề nhạc. Như ông Phạm Duy, chẳng hạn, ông là một nhạc sĩ chuyên nghiệp vì ông sống bằng nghề đó, và nhiều người khác nữa. Còn tôi là một người tài tử, “tài tử” theo định nghĩa lấy từ chữ Latin “amatore”, tức là “người yêu”, người yêu nhạc hay người yêu nghệ thuật. Tôi là loại người đó. Tôi không phải sống về nghề âm nhạc. Trong đời tôi có rất nhiều sở thích, nhưng mà âm nhạc là sở thích lớn nhất và vẫn ở với tôi cho đến nay. Suốt đời tôi.


Viễn ĐôngThưa ông, khi đặt bút viết nhạc, cái đầu hay trái tim dẫn dắt dòng nhạc của ông?
Ns. Cung Tiến: Riêng đối với tôi, những ca khúc nghệ thuật, nhất là những bài thơ mà tôi phổ nhạc của thi sĩ Thanh Tâm Tuyền, Xuân Diệu, Phạm Thiên Thư, Trần Dạ Từ, v.v., đó là những bài thơ tôi đọc và tôi thích. Tự nhiên, mình mường tượng ra phong cảnh âm thanh (soundscape). Một thí dụ rõ ràng nhất trong tập nhạc là bản “Khói Hồ Bay” (trong Tuyển Tập Ca Khúc “Hoàng Hạc Lâu”), thơ của ông Nguyễn Tường Giang, người bạn tôi rất thân. Bài thơ đó có tựa ban đầu là “Thu ở Vermont”. Tôi đọc bài thơ, tôi khoái ngay. Vừa mường tượng ra cái cảnh đi mùa thu ở Vermont, đi trên đường gập ghềnh, nhìn thấy lá rơi, rồi tất cả, cả một chân trời màu vàng hết. Thế rồi, sực nhớ đến một người tình hồi xưa... Trong đầu tôi tưởng tượng ra tất cả những cảnh đó. Tôi dùng bài thơ đó để tôi lồng vào một giai điệu. Thế nhưng, cái đó chỉ là một phần nhỏ. Phần lớn là phần piano dùng làm bối cảnh, để tả lại hình ảnh chập chùng đồi núi, mà nhà thơ đã đi lên Vermont, trong mùa thu, để ngắm lá thu, nhớ đến tình nhân.


Viễn ĐôngTrong bài “Khói Hồ Bay”, ông đưa từ nhịp 3/4 qua 2/4, rồi có 6/8 nữa, xong lại trở về 3/4 hoặc là 9/8.
Ns. Cung Tiến: Vâng, nhịp tiết còn tùy khung cảnh, tùy lời thơ. Còn nếu từ đầu đến cuối chỉ một nhịp như vậy, như bài “Thu Vàng” của tôi ngày xưa, chẳng hạn, thì nó có tính cách phổ thông, dễ nghe, nhưng không có nghệ thuật mấy. Nhịp tiết trong bài “Khói Hồ Bay” thay đổi tùy theo tình cảm của người làm thơ, cũng như cảnh vật bên ngoài. Nếu đọc lời thơ đó và nhìn phần piano, thì quý vị sẽ thấy nó trùng hợp như thế nào. Thí dụ như đoạn cuối cùng, khi nhắc đến khói hồ bay, cần đến kỹ thuật viết nhạc như thế nào để làm cho người nghe có cảm tưởng là khói hồ đang bay thật. Đó là một kỹ thuật thôi, nhưng mà cũng phải phù hợp với lời thơ.


Viễn ĐôngÔng có cảm thấy những ảnh hưởng của trường phái Cổ Điển (Classical) và Lãng Mạn (Romantic) ở Tây phương trong những ca khúc hay phần hòa âm của mình?
Ns. Cung Tiến: Vâng, tất nhiên. Nhất là hồi nhỏ, độ mười mấy tuổi, tôi nghe nhạc cổ điển của Haydn, Mozart, Beethoven, Schubert chẳng hạn. Như bài “Hương Xưa”, tôi viết bản đó sau khi tôi lần đầu tiên được nghe giàn nhạc giao hưởng đầu tiên của Việt Nam trình diễn “sống” trong một dịp kỷ niệm 200 năm sinh của nhạc sĩ Mozart. Tôi mê đến bỏ học, để đến nghe giàn nhạc tập dợt. Rồi Beethoven, tôi cũng có ảnh hưởng chứ. Tôi nghe một giai điệu của Beethoven, rồi nó cứ ở mãi trong đầu tôi. Và tôi cũng lấy đó ra làm một ý tưởng, để viết nên giai điệu. Về sau này, khi trau giồi thêm về âm nhạc, tôi cũng có ảnh hưởng khá nhiều trường phái Lãng Mạn, Ấn Tượng (Impressionist) của Tây phương như là Gabriel Fauré, Debussy, Ravel, và những người viết ca khúc nghệ thuật của Pháp mà tôi rất thích.


Viễn ĐôngTheo ông, tại sao trường phái Lãng Mạn lại kéo dài tuổi thọ được đến ngày nay?
Ns. Cung Tiến: Nhạc Lãng Mạn nói riêng, hay nhạc cổ điển (classical music) nói chung, không bao giờ cũ cả. Nhạc xưa nhưng nghe không bao giờ cũ cả, lúc nào cũng khám phá ra những cái mới.


Viễn ĐôngThưa ông, nhưng nếu các nhạc sĩ cứ theo đường lối sáng tác của trường phái Lãng Mạn, hay nhạc cổ điển, thì có thể gọi là “sáng tạo” không? Thí dụ như bài “Khói Hồ Bay” viết theo kiểu “program music” (âm nhạc miêu tả, có chương trình, một hình thức có từ thời Lãng Mạn thế kỷ 19 trong âm nhạc Tây phương).
Ns. Cung Tiến: Vẫn là sáng tạo chứ. Ở chỗ rằng là, trong không khí đó, mình vẫn sáng tạo theo lối của mình. Vì âm nhạc là cả một vũ trụ âm nhạc, mặc dù người ta đặt tên là trường phái Lãng Mạn hay là trường phái Ấn Tượng hay Biểu Tượng (Expressionist), đó chỉ là việc đặt tên. Debussy là một nhạc sĩ mà người ta gọi là thuộc trường phái Ấn Tượng, nhưng những người thầy của ông thuộc trường phái Lãng Mạn. Thế rồi ông muốn đi khỏi những khuôn khổ đó; ông viết nhạc để tạo ra ấn tượng âm thanh, về màu sắc âm thanh, chứ không về một chủ đề nào cả.


Viễn ĐôngNhững nhạc sĩ đi ra ngoại quốc thường có cái nhìn có thể nói là khoan dung hơn, hoặc là khám phá trở lại, đối với âm nhạc dân tộc Việt Nam. Có phải đó là một trong những lý do khiến ông tìm cách khám phá lại cái vốn âm thanh cổ truyền?
Ns. Cung Tiến: Đối với nhạc sĩ Việt Nam bị di tản đi ra ngoại quốc, rồi những người nào muốn tiếp tục viết âm nhạc, thì phải tìm ra một cái gì mới lạ cho lỗ tai của những thính giả ở ngoại quốc. Khởi thủy, nền văn hóa nào cũng có dân ca. Không biết ai sáng tác, hoàn toàn vô danh. Dân ca có những làn điệu rất là đẹp, rất quyến rũ. Lối trình bày xưa bao giờ cũng là qua giọng hát. Đó là một trong những phong cách để mình viết nhạc cho mình để khác với người khác. Thí dụ, tôi vẫn có thể viết theo lối Biểu Tượng (Expressionist), nhưng nó không phải của mình nữa, nó không mới lạ nữa. Nhiều người viết lối đó lắm rồi, từ Schoenberg cho tới Webern, chẳng hạn, và còn khám phá ra nhiều điều trước mình rất nhiều. Nếu đi vào hướng đó thì có thể không bằng người ta, vì người ta khám phá hết rồi. Vì thế, tôi thấy là một số nhạc sĩ Việt Nam muốn quay lại, dùng cái danh từ nôm na là “trở về nguồn”, cũng do đó mà ra. Họ muốn tìm một cái gì mới, đối với xã hội họ đang sống. Nhạc ngũ âm, chẳng hạn. Nhạc ngũ cung, chẳng hạn. Ngũ cung mà nhiều loại lắm, không riêng gì ngũ cung Việt Nam, như ngũ cung Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Nhật... Tất cả những cái đó là màu sắc âm thanh của Đông Á. Mình dùng những cái đó như chất liệu để viết nhạc của mình. Cũng là một phương pháp để khai thác những gì mình có sẵn của dân tộc mình, chứ không phải dùng những chất liệu của Tây phương mà mình đã học ở trường nữa. Vì thế, khi sang đây, tôi đã viết một số nhạc sử dụng chất liệu dân tộc Việt Nam, như điệu sa mạc, quan họ, chèo cổ... để tôi viết nên mấy tập, thí dụ như tập Chinh Phụ Ngâm. Mới đây tôi viết Lơ Thơ Tơ Liễu Buông Mành, lấy từ chèo cổ, tôi viết cho giọng ca, đàn harp (thụ cầm), với lại giàn dây, dùng nhạc cụ Tây phương.


Viễn ĐôngTức là ông phải có hòa âm cho bản nhạc này? Mà hòa âm Tây phương thường đi theo cột dọc, khác với Á Đông đi theo hàng ngang. Như vậy, làm sao ông giải quyết vấn đề hòa âm này cho một giàn nhạc cụ dây?
Ns. Cung Tiến: Phải có hòa âm, mà hòa âm theo lối Á Đông. Cô phải nghe mới biết nó khác Tây phương ra làm sao. Hòa âm hàng dọc của Á Đông là do tình cờ mà gặp nhau thôi, chứ không phải cột dọc, đúng như cô nói. Trong bản Lơ Thơ Tơ Liễu Buông Mành, có những lúc các nhạc cụ tình cờ gặp nhau để tạo ra hợp âm, có khi tôi cũng dùng một hợp âm mới, ngũ cung, tứ cung, chẳng hạn, có khi mấy dòng giai điệu đi với nhau theo kỹ thuật đối điểm (counterpoint).


Viễn ĐôngThưa ông, trong buổi trình diễn sắp tới, khán thính giả có được nghe những bản nhạc mới sau này của ông không ạ?
Ns. Cung Tiến: Vâng, sẽ có trích đoạn trong tổ khúc Chinh Phụ Ngâm và Lơ Thơ Tơ Liễu Buông Mành nữa. Giàn nhạc bên đó kiếm được người chơi rất là tốt, nhất là người đánh đàn harp. Cô sẽ ngạc nhiên khi thấy có nhiều người chơi đàn rất giỏi, như là Bằng Lăng, chẳng hạn. Ở Nam Cali, chúng ta có nhiều nhân tài rất trẻ, và họ hiểu nhạc.


Viễn Đông: Thưa ông, các nhạc cụ truyền thống Việt Nam khi hòa đàn thì tuân thủ theo một số quy luật chung, nhưng cũng tương đối thoải mái, để nhiều không gian cho việc ứng tấu (improvisation), không có sự khắt khe về tiết nhịp (dưới quyền điều khiển của một nhạc trưởng) như âm nhạc Tây phương. Vậy thì làm sao ông tái tạo lại không gian ứng tấu đó cho một giàn nhạc Tây phương?
Ns. Cung Tiến: Tất nhiên, như tôi đã nói nhiều lần, tôi dùng dân ca Việt Nam như một chất liệu, chứ không phải tôi tạo lại hoàn toàn thứ âm nhạc đó. Giai điệu Lơ Thơ Tơ Liễu Buông Mành có thể hát một mình cũng được, không kèn không trống, nhưng nếu có phần hòa âm đệm theo thì lại thành ra một lối thể hiện khác. Như tổ khúc Chinh Phụ Ngâm, tôi có viết cho một số nhạc cụ Việt Nam như đàn bầu, đàn tranh, đàn cò, nhưng không kiếm ra người chơi được. Nên tôi phải dùng violon, để chơi phần giáo đầu, để “ngâm” mấy câu thơ. Đáng lẽ tôi viết cho giọng người ngâm điệu sa mạc mấy câu thơ đó, nhưng hồi đó, tôi không có ai hát cả; có người hát được điệu sa mạc, nhưng không nhìn được nốt nhạc Tây phương. Thành thử tôi phải viết cho violon độc tấu với giàn nhạc phụ họa. Đó chỉ là vấn đề kỹ thuật thôi. Nhưng mà nói là như vậy không phải là dân ca nữa thì cũng không đúng. Nếu cô nghe nhạc của Nga trong thế kỷ 19, của Rimsky-Korsakov, chẳng hạn, hoàn toàn lấy dân ca, hay là Dvorak ở xứ Tiệp, cũng lấy dân ca làm chất liệu nhưng dùng giàn nhạc Tây phương để thể hiện. Thành ra không có gì mới lạ đâu. Không có gì khó khăn, vì người ta đã giải quyết 200 năm nay rồi.


Viễn ĐôngThưa ông, thế nhưng vẫn còn một khúc mắc. Có lẽ dân ca các nước phương Tây gần gũi với giàn nhạc Tây phương hơn là dân ca Á Đông? Và khoảng cách đó làm sao người viết nhạc dùng chất liệu dân ca Á Đông có thể thu ngắn lại được? Một câu hỏi nữa là có nên thu ngắn hay không?
Ns. Cung Tiến: Tất nhiên là muốn chơi nhạc phẩm dùng chất liệu dân ca đúng theo lối chơi, thì phải chơi đúng theo những gì tôi viết ra. Thí dụ, tôi mường tượng đàn bầu chơi thế này, đàn tranh chơi thế này, và tôi viết ra, thì người chơi đàn harp phải biết dùng kỹ thuật nào để chơi ra những âm thanh như tôi đã viết, để nghe tiếng giống như đàn tranh, tức là nó bắt chước được chứ.
Còn làm thế nào để rút ngắn lại hay kéo dài ra khoảng cách (giữa Đông và Tây)? Nghệ thuật thì phải biến hóa, chứ không thể cứng đơ một chỗ.
Đối với một người viết nhạc hay một người vẽ tranh, chẳng lẽ lúc nào cũng vẽ tranh con gà hay con lợn thì mới là tranh dân tộc hay sao? Âm nhạc cũng vậy, người nghệ sĩ phải hoàn toàn có tự do sử dụng chất liệu âm thanh ở Tây phương, ở các nền văn hóa khác, ở dân tộc mình... tất cả là những chất liệu sẵn có trong trời đất, trong văn hóa của loài người. Người nghệ sĩ có tự do hoàn toàn trong việc dùng những chất liệu đó để tạo nên tác phẩm của mình. Chứ không phải lúc nào cũng phải hát quan họ mới gọi là dân tộc.
Hiện giờ trên thế giới, chắc cô cũng biết, có một số nhạc sĩ Việt Nam nổi tiếng trên thế giới: ông Tôn Thất Tiết, ông Nguyễn Thiện Đạo ở bên Pháp, ông P.Q. Phan ở bên Mỹ. Đó là những người dùng rất tự do mọi chất liệu, kể cả chất liệu Việt Nam, nhưng kỹ thuật là kỹ thuật của Tây phương, có thể có một số kỹ thuật Đông phương như là những nốt uốn, 1/4, 1/6 tông. Cây đàn Tây phương có thể bắt chước được.
Tất nhiên, những nhà phê bình họ có ý kiến của họ. Họ có tự do để phê bình. Họ thích hay không thích. Thế nhưng mà, nhạc của người ta viết ra vẫn đi trước. Có một câu nói (về các ngành nghệ thuật sáng tạo), “Ai không sáng tác được thì làm thầy. Ai không dạy học được thì đi phê bình”. Đó là một câu tôi học từ hồi nhỏ. Lời ong tiếng ve, chả ai cần để ý tới.


Viễn ĐôngThưa ông, nhưng cũng có những lý luận phê bình trở thành chất xúc tác cho các nhà sáng tác chứ ạ? Vì trong một nền kinh tế âm nhạc thì cũng cần có người sáng tác, người tiêu thụ, và những nhà phê bình?
Ns. Cung Tiến: Rất đúng, trong âm nhạc cũng như các ngành nghệ thuật khác đều có vòng tròn kinh tế. Người sáng tác phải có người trình diễn, người tiêu thụ, người sản xuất, dưới nhiều nghĩa. Nhưng yếu tố quan trọng nhất vẫn là người sáng tác.


Viễn ĐôngThưa ông, chắc chắn ông nói điều đó không phải vì ông là một nhà sáng tác?
Ns. Cung Tiến: Tại sao vậy?! Có người chỉ muốn viết nhạc để bán thôi, bài nào cũng giống bài nào, thì lại là chuyện khác.


Viễn ĐôngNhưng nếu mở tập nhạc của ông thì có thể thấy được là không phải chỉ để bán tại vì...
Ns. Cung Tiến: Chả ai mua!


Viễn Đông... E rằng ít có người mua! Thật sự mà nói, có lẽ cũng ít có người hát được. Ông có cảm thấy mình cô đơn khi sáng tác những nhạc phẩm như vậy không?
Ns. Cung Tiến: Không, tôi chẳng thấy cô đơn. Việc tôi làm thì vẫn phải làm. Tôi làm cho tương lai thôi. Bằng chứng là ngày xưa có những tác phẩm của tôi, chẳng ai buồn nhìn tới, rồi từ khi nghe một, hai lần, họ truyền nhau, bảo là cái này có gì mới lạ. Thế rồi, sau này lớp trẻ ở Việt Nam, bên Pháp, ở bên Mỹ, ở bên Anh, họ đi học nhạc và mới biết giá trị của những người sáng tác Việt Nam, và họ hát được. Đến hôm thứ Bảy tuần tới, cô đến dự buổi hòa nhạc của chúng tôi, cô sẽ thấy những giọng ca rất trẻ, rất vững, có học đàng hoàng, có trình độ thưởng thức những gì mới lạ, những gì khác những loại nhạc thương mại. Và đó là điều rất mừng.


Viễn ĐôngXin cám ơn nhạc sĩ Cung Tiến.












Sách đã xuất bản













Ca Khúc Cung Tiến












Tuyển tập ca khúc I



























Tuyển tập ca khúc II























Dịch thuật
Với bút danh Thạch Chương










Hồi Ký Viết Dưới Hầm
Dostoievsky
Nxb An Tiêm





Một Ngày Trong Đời Ivan Đênixôvitch
Aleksandr Solzhenitsyn



Nxb Nguồn Sáng






















Ngọc Lan (báo Người Việt) phỏng vấn Nhạc sĩ Cung Tiến






Âm giai ngũ cung là một kho tàng



Người Việt (NV)Nhắc đến nhạc sĩ Cung Tiến, không thể không nhắc đến “Hoài Cảm.” Thật khó để hình dung ra ở tuổi 14, 15 lại có một nỗi khắc khoải như vậy, về nỗi nhớ, về cố nhân. Nhạc sĩ có thể chia sẻ một chút gì về tác phẩm này?
Nhạc sĩ Cung Tiến: “Hoài Cảm” không phải là tác phẩm quan trọng lắm, bởi vì ở cái tuổi 14, 15 thì đâu có nghĩ sẽ viết một tác phẩm quan trọng đâu.
Hoài Cảm là bài hát mà tôi viết ra trong tưởng tượng. Tưởng tượng ra là mình nhớ một người nào mình yêu mến thôi, chứ không có ý nghĩ sâu xa gì đằng sau cả. Ðó chỉ hoàn toàn là trí tưởng tượng trong âm nhạc cũng như trong lời ca. Lời ca bị ảnh hưởng từ những bài thơ mình học ở trường, như thơ của Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, những nhà thơ lãng mạn của Việt Nam hồi đó.
Âm nhạc hay bất cứ sáng tác nghệ thuật nào, cũng là sự tưởng tượng cả. Tưởng tượng về cái này, tưởng tượng về cái kia, gây lên một mối sầu, mối buồn hay mối vui hay mối khoan thai, hoàn toàn là tưởng tượng của người sáng tác.


NVMặc dù nhạc sĩ nói là do trí tưởng tượng, nhưng sự tưởng tượng cũng phải xuất phát từ một nguyên nhân sâu xa nào đó, chẳng hạn như có ý kiến cho rằng ở thời điểm đó, cái đẹp, cái hay thường gắn với nỗi buồn?
Nhạc sĩ Cung Tiến: Hồi đó nghĩ gì mình đâu có biết, mấy chục năm rồi, đi học thì nghĩ lơ tơ mơ vậy. Tất nhiên bài đó không có một đối tượng nào cả - no object, hoàn toàn là trong tưởng tượng. Trong tưởng tượng, nhớ một người nọ, nhớ một người kia, nhớ một người yêu, nhớ một người bạn, hay là nhớ bất cứ ai. Nhớ là hồi đó tôi mới ở ngoài Bắc vào, năm 1952. Tôi đi sớm, tức là từ Hà Nội vào Sài Gòn sớm lắm. Lúc đi, nhớ tất cả những gì mà ở Hà Nội ghi vào ký ức mình, thì là có bản nhạc đó.


NVNhạc sĩ có từng mơ mình sẽ trở thành một nhạc sĩ trước khi trở thành một chuyên gia kinh tế không?
Nhạc sĩ Cung Tiến: Không. Chả bao giờ mơ làm nhạc sĩ. Có một chuyện này, hôm tôi mới vào Sài Gòn, trên đài phát thanh quốc gia có tổ chức tuyển lựa ca sĩ các thứ. Tôi cũng lên hát dự thi, nhưng tôi không nhớ hát bài gì. Khi về nhà, thấy ông bố của tôi vứt hết quần áo, sách vở của tôi ra trước cửa. Bởi vậy, mình đâu có mơ đâu, mặc dù mình có mơ cũng bị ám ảnh vì trong gia đình không muốn mình làm như vậy.


NVKhi Cung Tiến nổi tiếng với những nhạc phẩm như “Hoài Cảm,” “Thu Vàng,” “Hương Xưa,” nhạc sĩ thích người ta biết đến trong vai trò nào? Một nhạc sĩ hay một nhà kinh tế?
Nhạc sĩ Cung Tiến: Tôi nhiều sở thích lắm, như văn chương, tiểu thuyết, thơ, thích hội họa, toán học và kinh tế học. Kinh tế học là ngành hồi đó tôi được học bổng đi ra ngoại quốc học. Tôi có rất nhiều sở thích nhưng âm nhạc vẫn là sở thích đầu tiên và cuối cùng trong đời của tôi.


NVNgoại trừ một vài ca khúc như “Hoài Cảm,” “Thu Vàng,” “Hương Xưa,” còn lại hầu hết các tác phẩm của Cung Tiến đều phổ từ thơ của Thanh Tâm Tuyền, Phạm Thiên Thư, Trần Dạ Từ, hay ý thơ của Xuân Diệu... Nhạc sĩ có thể chia sẻ gì về điều đó không?
Nhạc sĩ Cung Tiến: Hồi nhỏ học trung học thì tôi chỉ biết âm nhạc tôi viết là “popular song,” tức là những ca khúc phổ biến, phổ thông. Trong âm nhạc có nhiều khía cạnh, nhiều thứ, nhiều những trật tự mình phải theo, như hòa âm, đối điểm, tổ khúc, phối âm... mà hồi đó ở Việt Nam tôi chưa được học. Lúc học xong trung học, năm 1956, được học bổng sang Úc học về kinh tế. Trong thời giờ rảnh, tôi đi học thêm âm nhạc ở Nhạc Viện Sydney, từ đó tôi mới khám phá ra những khía cạnh khác của âm nhạc, không phải chỉ một melody, một làn điệu mà còn nhiều yếu tố khác tạo nên âm nhạc.
Từ đó trở đi, tôi rất ý thức việc phổ thơ, phổ nhạc vào thơ vì thơ đứng một mình đọc cũng được, nhưng nếu có nhạc đi kèm vào, phụ họa vào thì nó có một chiều kích (dimension) khác, một kích thước khác, gọi là ca khúc nghệ thuật, “art song,” tức là lấy một văn bản có giá trị như thơ viết thành nhạc và cho vào bối cảnh hòa âm hoặc là bằng piano, hoặc bằng một cái đàn ghita hoặc một ban nhạc.


NVNếu một người bắt đầu học kinh tế, nhạc sĩ có khuyên họ sẵn đó nên học nhạc luôn không?
Nhạc sĩ Cung Tiến: Không. Với tôi, kinh tế là một sở thích bắt buộc vì tôi nhận được học bổng đi học cái đó. Nhưng học kinh tế rồi mới thấy nó cũng là một nghệ thuật, nghệ thuật đoán trước người tiêu thụ muốn gì và đoán để người sản xuất làm ra cái đó, phải có sự quân bình giữa cung và cầu. Giản dị như vậy thôi. Ðó là vấn đề nghệ thuật chứ khoa học thì lại khác, hoặc là vật lý học hoặc gì khác thì nó chính xác hơn. Cái này không chính xác cho nên có những rủi ro, vì thế nó là một nghệ thuật.
Thế nhưng, áp dụng nghệ thuật kinh tế vào âm nhạc thì không thể được.


NVXin nhạc sĩ giải thích sự giống nhau và khác nhau giữa những ca khúc sau này của nhạc sĩ so với những bài hát xưa, như “Hoài Cảm,” “Thu Vàng,” “Hương Xưa...”
Nhạc sĩ Cung Tiến: Ngày xưa tôi không biết xài chất liệu âm thanh của Á Ðông, như âm giai ngũ cung chẳng hạn. Nhưng về sau, khi được học nhiều về nhạc, tôi mới ý thức thêm là mình có cái kho tàng về giai điệu, làn điệu Việt Nam chưa khai thác được là âm giai ngũ cung.
Vì thế, một trong những tác phẩm của tôi khác ngày xưa là bản “Hoàng Hạc Lâu,” thơ của thi sĩ Thôi Hiệu đời Ðường, được Vũ Hoàng Chương dịch sang tiếng Việt. Ðó là bản đầu tiên tôi có ý thức dùng chất liệu quý báu của âm nhạc dân tộc ta khi phổ nhạc.


NVTrong những sáng tác không nhiều của mình, bài hát nào để lại cho nhạc sĩ nhiều kỷ niệm, nhiều cảm xúc nhất, cho đến bây giờ?
Nhạc sĩ Cung Tiến: Khó nói lắm. Như thể mình có 10 đứa con mà phải nói xem mình thương đứa nào nhất vậy.
Có những bài ca như những đứa con lạc đi đâu mất. Ví dụ như bản Mùa Hoa Nở, tôi viết năm 1956. Khi rời Việt Nam, tôi không mang theo bất cứ một thứ gì. Tất cả tài liệu, sách vở để lại Sài Gòn hết.
Tình cờ một hôm, ca sĩ Mai Hương gửi cho tôi một bản “Mùa Hoa Nở.” Tôi ngạc nhiên: “Ủa, đứa con này bị thất lạc đi đâu mà mặt mũi lem luốt quá!” Về nhà tôi mới thương nó, mới sửa lại thành ra hợp xướng khúc.
Nói tóm lại, không bản nào tôi hoàn toàn coi là thương hơn bản khác, bởi mỗi một thời kỳ tôi sáng tác có một kỷ niệm riêng của thời kỳ đó. Thời nhỏ đi khỏi Hà Nội là nhớ Hà Nội. Rồi từ hồi di cư vào Nam, nhớ những đoàn người từ ngoài Bắc xuống miền Nam bỏ chế độ Cộng Sản đi vào, gây cho tôi một cảm tưởng, một xúc động khác. Rồi đến khi là sinh viên, lại một xúc động khác.
Thế nhưng, có thể nói tác phẩm tôi trân quý nhất đến bây giờ là tập “Vang Vang Trời Vào Xuân.” Ca khúc đó của một người bạn thân là nhà thơ Thanh Tâm Tuyền và những bài thơ đó được sáng tác trong trại tù cải tạo mà ông ta nhớ, bằng cách nào ông đưa ra ngoài để in... Những điều đó làm tôi hết sức cảm động. Tôi viết thành 12 bản rồi sau rút lại còn 10 bản. Ðó là những gì suốt đời tôi trân quý nhất về tình người, tình bằng hữu và tình cảnh đất nước chúng ta hồi đó.


NVXin nhạc sĩ chia sẻ với độc giả chúng tôi về cuộc sống hiện tại của ông.
Nhạc sĩ Cung Tiến: Tôi về hưu hơn hai năm nay rồi. Hiện tôi ở Minnesota cùng vợ. Con trai tôi sống ở tiểu bang khác. Tôi có hai con chó, hàng ngày nuôi chúng, đi chơi với chúng, viết nhạc và đọc sách.



















(trái) Mary Duncan, pianist; nhạc sĩ Cung Tiến và Nicole Warner, mezzo-soprano
10/08/2011 Minnesota, Hoa Kỳ

Hình chụp sau khi Nicole Warner trình bày trọn vẹn bằng tiếng Việt liên ca khúc Vang vang trời vào xuân, nhạc Cung Tiến phổ thơ Thanh Tâm Tuyền.





















Trở về





Danh Sách Tác Giả
http://phannguyenartist.blogspot.com/2013/06/chan-dung-van-nghe-si.html

Chân Dung Văn Nghệ Sĩ

Emprunt Empreinte
(đôi lời cùng các tác giả và độc giả)


















 MDTG là một webblog "mở" để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.

  MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét