Trong hơn 300 năm hình thành và phát triển của Sài Gòn từ
Phiên Trấn, Gia Định Trấn, Gia Định Thành, Phiên An, Gia Định Tỉnh… cho đến Sài
Gòn, Tp HCM, dân Sài Gòn đã là một tập hợp nhiều dân tộc sinh sống như Việt,
Hoa, Kh’mer.
Tiếng nói của người Sài Gòn không chỉ thuần là tiếng Việt,
mà còn là sự học hỏi, vay mượn nhiều từ ngữ của dân tộc bạn, đâm ra mang nhiều
'hình ảnh' và 'màu sắc' hơn. Những từ như 'lì xì, thèo lèo, xí mụi, cũ xì…' là
mượn của người Hoa, những từ như 'xà quầng, mình ên'… là của người Kh’mer. Nói
riết đâm quen, dần dần những từ ngữ đó, những tiếng nói đó được người dân Sài
Gòn sử dụng một cách tự nhiên như của mình, điều đó chẳng có gì lạ… Thêm vào đó,
nó được sửa đổi nhiều cho phù hợp với giọng Sài Gòn, thành ra có những nét đặc
trưng riêng
Nhưng
người Sài Gòn cũng có những tiếng gọi là 'tiếng địa phương'. Những tiếng này thể
hiện rõ nhất khi người Sài Gòn nói chuyện cùng người miền khác. Nghe một người
Sài Gòn nói chuyện cùng một người khác vùng, dễ dàng nhận ra những khác biệt
trong lời ăn tiếng nói giữa hai người, hai miền. Có một số từ người Sài Gòn nói,
người miền khác nghe rồi… cười vì chưa đoán ra được ý. Cũng như khi nghe người
Huế dùng một số từ lạ lạ như 'o, mô, ni, chừ, răng…' trong khi nói chuyện vậy
thôi. Khác là mấy tiếng người Sài Gòn nói, vẫn có chút gì đó nó… vui vui tai, là
lạ, ngồ ngộ và… bình dân làm sao.
Một người miền khác, có thể là Bắc hoặc
Trung, diễn tả một khoảng thời gian ngắn vài ngày thì nói 'Từ bữa đó đến bữa
nay', còn người Sài Gòn thì nói 'Hổm nay', 'dạo này' người khác nghe sẽ không
hiểu, vì nói chi mà ngắn gọn ghê. (Lại phát hiện thêm một điều là người Sài
Gòn hay dùng từ 'ghê' phía sau câu nói để diễn tả một sắc thái tình cảm riêng.
Tiếng 'ghê' đó chẳng hàm ý gì nhiều, nó mang ý nghĩa là 'nhiều', là 'lắm'. Nói
"Nhỏ đó xinh ghê!" nghĩa là khen cô bé đó xinh lắm vậy.)
Lại so sánh
từ 'hổm nay' với 'hổm rày' hay nghe ở các vùng quê Nam Bộ, cũng một ý nghĩa như
nhau, nhưng lại không hoàn toàn giống nhau. Nghe người Sài Gòn dùng một số từ
'hổm rày, miết…' là người Sài Gòn bắt chước người miền sông nước vậy. Nhưng nghe
vẫn không trái tai, không cảm thấy gượng, vì trong người Sài Gòn vẫn còn cái
chất Nam Bộ chung mà.
Người Sài Gòn cũng có cách gọi các cô gái rất dễ
thương, bạn bè thì nói là nhỏ Thuỷ, nhỏ Lan (Như Hà Nội gọi là cái Thuỷ, cái
Lan)... Gọi các em gái là nhóc còn với các cô thiếu nữ là bé (bé nè xinh
quá ta, bé này dễ thương àh nha nhưng mà thương hông có dễ) ...
Nói
một ai đó chậm chạp, người Sài Gòn kêu "Thằng đó làm gì mà cứ cà rề cà rề… nhìn
phát bực!" Nghe cứ như là đùa, chẳng làm câu nói nặng nề lắm. Một người lớn hơn
gọi "Ê, nhóc lại nói nghe!" hay gọi người bán hàng rong "Ê, cho chén chè nhiều
nhiều tiền ít coi!"… 'Ê' là tiếng Sài Gòn đó, coi gọi trổng không vậy mà chẳng
có ý gì đâu, có thể nói đó là thói quen trong cách nói của người Sài
Gòn.
Mà người Sài Gòn cũng lạ, mua hàng gì đó, thường 'quên' mất từ
'bán', chỉ nói là "cho chén chè, cho tô phở"… 'cho' ở đây là mua đó nghen. Nghe
người Sài Gòn nói chuyện với nhau, thường bắt gặp thế này "Lấy cái tay ra coi!",
"Ngon làm thử coi!", "Cho miếng coi!", "Nói nghe coi!"… 'Làm thử' thì còn 'coi'
được, chứ 'nói' thì làm sao mà 'coi' cho được nè?
Vậy mà người Sài Gòn
lại nói, từ 'coi' cũng chỉ như là một từ đệm, dân Sài Gòn nói dzậy mà. Ngồi mà
nghe người Sài Gòn nói chuyện cùng nhau thì quái lắm, lạ lắm, không ít người sẽ
hỏi "mấy từ đó nghĩa là gì dzậy ta?" – Mà 'dzậy ta' cũng là một thứ 'tiếng địa
phương' của người Sài Gòn à. Người Sài Gòn có thói quen hay nói "Sao kỳ dzậy
ta?", "Sao rồi ta?", "Được hông ta?"… Nghe như là hỏi chính mình vậy đó, mà…
hổng phải dzậy đâu nghen, kiểu như là nửa hỏi người, nửa đùa đùa vậy mà. Tiếng
Sài Gòn là dzậy đó, nếu bạn giả giọng Sài Gòn nói chuyện, dù có giống cách mấy
mà bỏ quên mấy tiếng đệm, mấy tiếng Sài Gòn riêng riêng này thì đúng là… "bạn
hông biết gì hết chơn hết chọi!"
Mà Nói về chuyện người Sài Gòn dùng từ
'lóng' (slang words) kiểu mới… Thật ra, đa số những từ lóng này đều do…bọn trẻ
chúng nó chế ra.
Có một dạo, dân Hà Nội mình hay nói 'hâm' rồi 'ẩm IC'…
có nghĩa là 'man man, tửng tửng, khùng khùng' đây. Lúc đó tôi nói với mấy người
bạn Sài Gòn thì họ cười và bảo "Trong Sài Gòn thì không có nói dzậy, mấy người
đó người ta gọi là… khìn á!". Như ngồi uống nước với tên bạn, hắn nói điên nói
khùng một hồi, tức quá hét "Mi khìn hả ku?"… Lật hết mấy quyển từ điển tiếng
Việt cũng chẳng kiếm đâu ra nghĩa của chữ 'khìn' này, mà cũng chẳng biết nó bắt
nguồn từ đâu luôn. Trời, nói thì nói vậy mà, biết để làm gì chứ… Ai là người
dùng nó đầu tiên thì quan trọng gì? Nói nghe vui miệng là được.
Mấy người
ăn ở không, ngồi lê đôi mách, cái mỏ lép chép nhiều chuyện suốt ngày = ông tám,
bà tám. Chẳng hiểu từ đâu ra cái định nghĩa kỳ quặc này nữa. Mà cứ hễ mình đang
nói huyên thuyên bất tuyệt mà thấy người ta dòm mình với ánh mắt kỳ lạ rồi nói
"Đồ ông/bà tám!" là biết rồi đó… 100% là bị 'chửi': nhiều 'chiện' rồi đây. Ông
tám, bà tám… nói riết rồi thì còn vỏn vẹn một chữ 'tám'. Hỏi "Đang làm gì đó?" –
Trả lời "Tám dí nhỏ bạn!"…'Tám' giờ thành… động từ luôn trong cách nói của người
Sài Gòn.
Tiếng lóng của dân Sài Gòn phổ biến nhất là trong đám học trò
còn ôm cặp ngồi ghế nhà trường với 'cúp cua, dù , quay, gạo bài, cưa, ghệ, bồ,
mèo, khứa, khoẻn…', nhiều, nhiều lắm… Rồi từ một số bộ phim Hongkong, show hài,
gần đây là một số Gameshow trên truyền hình. Thấy vui miệng khi nói một từ nào
đó, hoặc dùng nó để ví von so sánh với một điều gì cảm thấy cười được là dùng,
là hiển nhiên trở thành 'slang word'…
Ngẫu nhiên rồi hiển nhiên, chuyện
bình thường của người Sài Gòn thôi, bình thường như 'từ nhà ra chợ', 'chuyện
thường ngày ở huyện' vậy mà. Nói về tiếng lóng tôi thấy ấn tượng như từ 'cùi
bắp' ý nói những thứ rẻ mạt vứt đi, 'bo xì' là không chơi nữa hay một câu chửi
mà tôi thấy đặc biệt buồn cười nhưng chỉ có cách nói dài giọng của người Sài Gòn
mới nói được "bà mẹeeee ziệc nam anh hùng".
Nhưng gì tôi viết ở trên một
phần là do tôi tự nhận thấy và cũng có những phần tôi tham khảo từ một số tài
liệu. Nhận xét chủ quan của tôi về Sài Gòn là người Sài Gòn rất thẳng tính và
không khách sáo như người Hà Nội. Họ chơi rất thoải mái nhưng ít khi thấy hỏi về
gia đình bạn như thế nào, bạn kiếm được bao nhiêu tiền...
Họ cũng không
hay đánh giá bạn qua cái xe của bạn đi, điện thoại bạn đang dùng hay bộ quần áo
bạn mặc mà họ đánh giá qua cách bạn thể hiện thế nào, bạn sống với mọi người ra
sao! Vào đây tôi cũng học được một thói quen là share tiền, đi ăn, đi uống (Nhắc nhỏ các bạn nếu vào Sài Gòn lần đầu thì ở trong này quan niệm là ai mời
thì người đó trả tiền còn cả hội đi với nhau thì chia đều).
Điều tôi
thích khi làm ở Sài Gòn là họ làm hết sức nhưng chơi cũng hết mình và đây là một
nơi có rất nhiều cơ hội để làm giàu.
Mỗi vùng đất đều có những điều thú
vị ...
Người Sài Gòn
nói riêng và miền Nam nói chung, có thói quen dùng từ 'dạ' khi nói chuyện, khác
với người miền Bắc lại dùng từ 'vâng'. Để ý sẽ thấy ít có người Sài Gòn nào nói
từ 'vâng'. Khi có ai gọi, một người Sài Gòn nói 'Vâng!' là trong dáng dấp của
câu nói đó có giọng đùa, cười cợt. Khi nói chuyện với người lớn hơn mình, người
dưới thường đệm từ 'dạ' vào mỗi câu nói. "Mày ăn cơm chưa con? - Dạ, chưa!";
"Mới dìa/dzề hả nhóc? - Dạ, con mới!"… Cái tiếng 'dạ' đó, không biết sao trong
cảm giác nghe của một người Sài Gòn với một người Sài Gòn thấy nó 'thương' lạ...
dễ chịu mà gần gũi, nhẹ nhàng mà tình cảm lắm lắm. Cảm giác nó thật riêng so với
những nơi khác. Nghe một tiếng 'dạ' là biết ngay tên này là dân miền Nam cái đã
rồi hẳn hay...
Mà giọng Sài Gòn đã thế, cách người Sài Gòn xưng hô, gọi
nhau cũng có phần mang 'màu sắc' riêng.
Người Sài Gòn có cái kiểu gọi 'Mày'
xưng 'Tao' rất ngọt. Một vài lần gặp nhau, nói chuyện ý hợp tâm đầu một cái là
người Sài Gon mày tao liền. Nếu đúng là dân Sài Gòn, hiểu người Sài Gòn, yêu
người Sài Gòn sẽ thấy cách xưng hô ấy chẳng những không có gì là thô mà còn rất
ư là thân thiện và gần gũi.
Mày-tao là kiểu xưng hô hay thấy trong mối
quan hệ bạn bè của người Sài Gòn. Cách xưng hô này thấy dàn trải từ đủ các mối
quan hệ bạn bè; từ bạn học giữa mấy đứa nhóc chút xíu, cho đến mấy bác mấy anh
lớn lớn tuổi. Hổng biết cái máu dân Sài Gòn nó chảy mạnh quá hay sao mà thấy mấy
cách gọi này nó...tự nhiên và dễ nói hơn là mấy từ như 'cậu cậu - tớ tớ' hoặc
'bác bác – cháu cháu' của miền Bắc. Nói chuyện bạn bè với nhau, thân thiết mà
gọi mấy tiếng 'mày mày tao tao' thì nghe thật sướng, thật thoải mái tự nhiên, và
khoai khoái làm sao ấy. Gọi thế thì mới thiệt là dân Sài Gòn.
Đấy là
ngang hàng, ngang vai vế mà gọi nhau, chứ còn như đám nho nhỏ mà gặp người lớn
tuổi hơn, đáng bậc cha, chú thì khác. Khi ấy 'tụi nhỏ' sẽ gọi là chú, thím, cô,
dì, hay bác và xưng 'con' ngọt xớt. Có vẻ như người Sài Gòn 'ưa' tiếng 'chú,
thím, dì, cô' hơn; cũng như đa phần dân miền Nam khác vậy mà. Mà có lẽ cách gọi
này cũng còn tuỳ vào việc ước lượng tuổi của người đối diện. Gặp một người phụ
nữ mà mình nhắm chừng tuổi nhỏ hơn mẹ mình ở nhà thì "Dì ơi dì...cho con hỏi
chút...!" - còn lớn hơn thì dĩ nhiên là "Bác ơi bác..." rồi. Những tiếng 'mợ,
thím, cậu',... cũng tuỳ vào vai vế và người đối diện mà gọi. Có người chẳng bà
con thân thuộc gì, nhưng là bạn của ba mình, lại nhỏ tuổi hơn, thế là gọi là chú
và vợ của chú đó cứ thế gọi luôn là thím. Gọi thì gọi thế, còn xưng thì xưng
'con' chứ không phải 'cháu cháu' như một số vùng khác. Cái tiếng 'con' cất lên
nó tạo cho người nghe cảm giác khoảng cách giữa mình với đứa nhỏ đang nói kia tự
dưng… gần xịt lại. Nghe sao mà quen thuộc, và gần gũi đến lạ lùng. Tự dưng là
thấy có cảm tình liền.
Nói tiếp chuyện xưng hô, người Sài Gòn có kiểu gọi
thế này:
Ông đó = ổng
Bà đó = bả
Anh đó = ảnh
Chị đó = chỉ
Dì đó
= dỉ
Cậu đó = cẩu
Cô đó = cổ
...
Không hiểu sao mà dấu hỏi tự nhiên
cái trở nên giữ vai trò quan trọng... ngộ nghĩnh dzậy nữa. Nhưng mà kêu lên nghe
hay hay đúng hông? Gọi vậy mới đúng là chất Nam Bộ - Sài Gòn á
nghen.
Người Sài Gòn cũng có thói quen gọi các người trong họ theo... số.
Như anh Hai, chị Ba, thím Tư, cô Chín, dượng Bảy, mợ Năm... Mà nếu anh chị em họ
hàng đông đông, sợ gọi cùng là chị Hai, anh Ba mà hổng biết nói về ai thì dzậy
nè, thêm tên người đó vào. Thành ra có cách gọi: chị Hai Lý, chị Hai Uyên, anh
Ba Long, anh Ba Hùng...
Thêm nữa, nếu mà anh chị em cùng nhà thì tiếng
'anh-chị-em' đôi khi được... giản lược mất luôn, trở thành "Hai ơi Hai, em nói
nghe nè..." và "Gì dzạ Út?"... Tôi thích cách gọi này, đâm ra ở nhà gọi Dì Út
tôi chỉ là một tiếng Út gọn lỏn. Có chuyện nhờ là cứ "Út ơi...con nhờ chút!"
hoặc với mấy chị tôi thì "Hai ơi Hai... em nói nghe nè!".
Cách gọi này
của người Sài Gòn nhiều khi làm người miền khác nghe hơi... rối. Có lần, kể cho
người bạn ở Hà Nội nghe về mấy người anh chị trong gia đình. Ngồi kể lể "anh
Hai, chị Hai, dì Hai, Út, cậu Hai, mợ Hai, chú Ba..." một hồi cái bị kêu là hổng
hiểu, xưng hô gì rối rắm quá chừng, làm phải ngồi giải thích lại suốt một
hồi...lâu.
Cách xưng hô của người Sài Gòn là vậy. Nghe là thấy đặc trưng
của cả một mảnh đất miền Nam sông nước. Cứ thế, nó không sang trọng, điệu đà như
giọng người dân đất Bắc, cũng chẳng trầm lắng, thanh thanh như tiếng Huế Thần
Kinh, cái giọng Sài Gòn đi vào tai, vào lòng, vào cách cảm, và nỗi nhớ nhung của
người Sài Gòn lẫn dân miền khác bằng sự ngọt ngào của sông nước Nam Bộ, bằng cái
chân chất thật thà của truyền thống xa xưa, và bằng cả cái 'chất Sài Gòn' chảy
mạnh trong từng mạch máu người dân Sài Gòn. Đi đâu, xa xa Sài Gòn, bỗng dưng
nghe một tiếng 'Dạ!' cùng những tiếng 'hen, nghen' lại thấy đất Sài Gòn như đang
hiện ra trước mắt với những nhớ thương…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét