Triển lãm lần cuối cùng...
Giao Chỉ, San
Jose
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hạnh
Chuẩn bị cho 40 năm
Mùa
xuân năm 2014 tôi có dịp nói chuyện với bác Nguyễn Ngọc Hạnh, năm nay nghỉ khoẻ,
qua 2015 ta sẽ làm một chương trình 40 đâu ra đấy. Nhiếp ảnh gia quân đội hăng
hái góp lời. Ừ nhé, mình sẽ đưa tất cả tác phẩm ra trình diện một lượt. Thực
vậy, cho đến 2025 tức là năm mươi năm thì cánh già đã chẳng còn ai, đám trẻ thì
không hy vọng còn nhớ đến những đề tài chiến tranh, quân đội, tù tập trung và
vượt biên.
Chúng tôi định sẽ làm ngay vào tháng tư 2015 tại San Jose. Phải tìm chỗ
cho những tác phẩm "con cái" của bác Hạnh họp mặt lần cuối. Nên triển lãm một
tháng tại thư viện King hoặc một tuần tại City Hall của San Jose. Hay ít nhất
cũng triển lãm ngay tại Việt Museum vào đúng ngày thứ năm 30 tháng tư 2015.
Hình ảnh của tác giả Nguyễn Ngọc Hạnh thì viện bảo tàng cũng đã có sẵn
một số. Vấn đề chính ở đây là nhân dịp còn hiện diện đến năm lưu vong thứ 40 thì
nhiếp ảnh gia số một của QLVNCH cũng rất cần có mặt một lần có thể là cuối cùng.
Và bây giờ đúng là lúc cần chuẩn bị. Tôi đọc tin trên mạng lưới Internet được
biết anh chị em hội nhiếp ảnh trên thủ đô DC dự trù mời bác Hạnh trở lại vào
tháng 5. Lại thêm tổ chức SOS của Dr. Thắng mời ông Hạnh làm cố vấn hay giám
khảo gì đó cho kỳ thi ghi dấu biến cố 40 năm vào tháng 6-2015. Vì vậy kỳ hội Tết
vừa qua tại Fairgrounds ghé khu triển lãm nhiếp ảnh của Trúc Viên hỏi chuyện anh
em mới biết bác Hạnh đang nằm ở Nursing Home đường số 12, góc đường Santa Clara
tại San Jose.
Vợ
chồng chúng tôi bèn chạy đến thăm. Thực sự hình ảnh của khu này trông rất nản
lòng chiến sĩ. Không khí buồn tẻ đã đành mà hình thức cũng rất tối tăm ảm đạm.
Có phòng kê 3 giường bệnh. Tuy nhiên, phòng của bác Hạnh giường trống. Hỏi nhân
viên thì được biết bệnh nhân vừa chở vào nhà thương cấp cứu. Dò hỏi mãi mới được
biết bạn vàng vào nhà thương đường Jackson. Số phòng 1028. Tìm đúng số phòng,
bác Hạnh nằm cô đơn trên giường có màn che. Bộ răng giả đã tháo ra, thần sắc sau
thời gian dài không ăn uống nên chẳng còn như xưa.
Trong ánh đèn mờ, tôi còn không chắc có phải là ông trung tá nhảy dù hay
không. Khi hỏi nhân viên biết đúng là bác Hạnh tôi bèn gọi thật lớn tiếng. Bác
vẫn không tỉnh, có thể là vừa trích thuốc an thần nên chìm sâu trong giấc ngủ.
Chúng tôi ra về dự trù sẽ liên lạc với thân hữu để biết thêm chi tiết. Cũng
chuẩn bị để báo cho anh em Tổng Tham Muu biết là đoàn viên của trại Trần Hưng
Đạo đang ở giai đoạn sau cùng.
Nguyễn Ngọc Hạnh trong sách vở
Sau
đây là tiểu sử của bác Hạnh ghi lại trên các tài liệu chính thức. Cứ mở Internet
là thấy ngay. Sinh năm 1927 tại Hà Đông, gia nhập Không quân Việt Nam năm 1950.
Ông Hạnh tốt nghiệp trường Nhiếp Ảnh Pháp ở Toulouse năm 1956 và trở thành một
nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp.
Năm
1957, ông sáng lập Hội Nhiếp ảnh KBC ở Sài Gòn với đông đảo học
trò.
Năm
1961, ông trở thành sĩ quan nhiếp ảnh chiến trường của Quân lực Việt Nam Cộng
Hoà, binh chủng Nhảy Dù. Ông được chọn làm Hội viên danh dự Hội nhiếp ảnh quốc
tế năm 1971. Trong thời gian làm phóng viên chiến trường, ông được lãnh nhiều
giải thưởng cao quý về nhiếp ảnh tại các quốc gia khác nhau.
Sau
khi miền Nam thất thủ năm 1975, ông Nguyễn Ngọc Hạnh bị đi tù Cộng sản như bao
nhiêu đồng đội khác . Đến năm 1983, hội The Royal Photographic Society of Great
Britain can thiệp cho ông được trả tự do với 63 chữ ký của nhiều quốc gia khác
nhau. Ông vượt biên nhiều lần và đến Hoa Kỳ năm 1989.
Ông
Hạnh thành lập Hội Nhiếp Ảnh Việt Nam tại San Jose năm 1990. Sau đó hội trở
thành Hội Nhiếp Ảnh Việt Nam Bắc California vào năm 2000. Sau gần 20 năm định cư
tại Hoa Kỳ, ông Hạnh đã đào tạo hàng trăm nhiếp ảnh viên chuyên nghiệp.
Nhiều
học trò của ông được nhận làm Hội viên danh dự Hội Nhiếp Ảnh Hoàng Gia Anh và
các Hội Nhiếp Ảnh Chuyên Nghiệp Hoa Kỳ.
Ông
được nhận là hội viên của nhiều Hội Nhiếp Ảnh trên nhiều quốc gia khác nhau.
Trong cuộc đời nhiếp ảnh, ông Hạnh đã nhận được 92 huy chương Vàng, 110 huy
chương Bạc và rất nhiều giải thưởng khác nhau cho sự nghiệp nhiếp ảnh của ông.
Bác Hạnh như anh em được biết.
Nói
đến Nguyễn ngọc Hạnh ít người biết bác là con người hết sức cô đơn. Là người
mang cấp bậc trung tá trong quân đội nhưng chiến đấu bằng máy ảnh chứ không phải
bằng cây súng. Vì là nhiếp ảnh gia quân đội nên nhiều người tưởng rằng ông là
người chụp hình tay ngang. Thực sự ông học chụp hình từ bên Pháp. Gia nhập không
qua một thời gian ngắn rồi đi Pháp học nhiếp ảnh. Về nước ông phục vụ bên nhảy
dù sau về ngành quân nhu làm chỉ huy trưởng đơn vị tiếp tế thả dù. Đơn vị
cuối cùng của ông là phòng 5 thuộc bộ Tổng Tham mưu. Những hình ảnh chiến tranh
của ông nổi tiếng nên đại tướng Viên cho bác Hạnh xuất ngoại qua Hong Kong chỉ
để trông nom việc in bộ sách Việt Nam in Flames.
Hình bìa cuốn Việt Nam khói
lửa.
Thời
kỳ 70 tôi có dịp di du học Hoa Kỳ đã chạy qua phòng 5 xin 2 cuốn để mang tặng
cho Ngũ Giác Đài và Ford Lee. Năm 1976 tôi liên lạc với xin lại và đã xẻ thịt
cuốn sách Việt Nam Khói lửa để triển lãm trong các dịp lễ hội và quốc hận tại
miền Bắc CA. Sách của ông là một bản hùng ca bằng hình ảnh về chiến tranh Việt
Nam và QLVNCH. Trong khi đó thì tác giả còn đang vật vã trong trại tù tập trung
của cộng sản. Trước 75, nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hạnh chủ trương phải tìm mọi
cách tham gia các hội ảnh quốc tế. Dự các kỳ thi tuyển, lấy tất cả các tước hiệu
và bằng cấp. Ông khuyến khích học trò tham dự. Riêng phần ông, là nhiếp ảnh gia
đoạt được nhiều thành tích quốc tế. Có nhiều lý do. Hình ảnh về chiến tranh thì
không ai có hoàn cảnh như VN. Tác giả lại có nhiều sáng kiến về bố cục. Sau
cùng. ông hết sức chịu khó ra sức thi đua. Chính những thành tích quốc tế đã đưa
tên tuổi ông cho các tổ chức và hội đoàn đồng lòng ký kết và vận động đưa ông ra
khỏi ngục tù.
Tôi
hỏi rằng anh có phải là Bắc Kỳ di cư không. Bác Hạnh trả lời, mình vào Nam lúc
còn nhỏ vốn là trẻ mồ côi trong nhà dòng. Trước 1950 đã đi rồi. Gia cảnh ông ra
sao, chàng không muốn nhắc đến. Ông nói gia đình ông chính là nhiếp ảnh. Phải
chăng chính cô nàng nghệ thuật nhiếp ảnh đã làm gia đình riêng sóng gió. Có thể.
Dù đã 40 năm qua, nhưng cái khung trời nhiếp ảnh của ông cũng luôn luôn giới hạn
trong quân đội và quê hương. Tác phẩm nổi tiếng của ông vẫn là màu áo trận, nón
sắt, nón lá với lũy tre xanh. Và không bao giờ thiếu xót màu lá cờ vàng, nước
mắt quả phụ và tấm thẻ bài.
Tác giả và tác phẩm.
Ngồi
nói chuyện, tửu hậu trà dư, nói tới nói lui, loanh quanh ông lại đưa anh em trở
lại đề tài nhiếp ảnh.
Trên
các trang internet tràn ngập hình ảnh của Nguyễn Ngọc Hanh nhưng không bao giờ
thiếu ba tác phẩm sau đây. Hình ảnh hai người đàn bà và những người lính.
Cờ Bay Trên Cổ Thành Quảng Trị
Năm 68 Mậu Thân, ông chụp được bức Dựng Cờ
tại Cổ Thành Quảng Trị. Tác phẩm hết sức sống động và chúng tôi dùng làm mẫu để
vẽ tranh sơn dầu vĩ đại 16x10 feet đặt tại Việt Museum. Đầu thập niên 70 ông
hoàn tất tác phẩm số hai là bức Thương Tiếc, chụp hình người đàn bà là cô vợ trẻ
khóc chồng tay cầm tấm thẻ bài. Tác phẩm từ chiến trường Việt Nam. Không
cần giải nghĩa, thế giới ai cũng nhận ra. Hình này được nhiều giải nhất vì thiên
hạ cũng muốn khóc cho Việt Nam.
Thương Tiếc
Năm 1992 cờ đỏ hạ xuống tại
điện Cẩm linh. Tôi đi dự đại hội nhân quyền tại Mạc Tư Khoa đã đem theo bức
Thương tiếc và lá cờ vàng triển lãm trong phòng tiếp tân tại hội trường. Bức
hình giới thiệu muộn màng trong thế giới cộng sản đã giải phóng mà vẫn làm mọi
người xúc động. Qua nước M ỹ, hoàn cảnh nước mất nhà tan, nhưng lá cờ vàng vẫn
ấp ủ trong lòng. Ông sáng tác bức hình bất hủ: Vá cờ.
Vá Cờ
Tác phẩm của Nguyễn Ngọc Hạnh quan trọng là phần bố cục. Ông
chuyên dàn dựng để đạt được ý nghĩa của chủ đề. Và ông đã thành công. Thời gian
trôi qua. Nhưng các tác phẩm của bác đã trở thành lịch sử. Không ai có cơ hội
tương tự và không ai có sự đam mê như Nguyễn Ngọc Hạnh. Sau chiến tranh, người
lính VNCH đã gẫy súng, nhưng vũ khí trang bị bằng máy ảnh như bác Hạnh vẫn còn
chiến đấu. Cuộc chiến điêu linh với cả chiến trường tồi tệ trải qua gần nửa thế
kỷ mà ông vẫn còn ấp ủ. Hồn lính còn vương trên tóc bạc, anh nhớ sa
trường, em có hay...
Hoàng hôn ở San Jose.
Thời
gian gần đây bác Hạnh di chuyển bằng chiếc xe 4 bánh. Khi đi thì đẩy xe cho vững
bước chân. Mệt thì ngồi như ghế. Xử dụng xe bus, ông đi tuốt mọi nơi. Không hề
mặc cảm. Chân đi không vững những ý chí sắt đá. Tiền không có nhưng mua sắm đồ
nhiếp ảnh thì toàn hảo hạng. Căn nhà nhỏ bé toàn hình ảnh. Tối ông tác giả ngủ
bên chiếc ghế nhỏ để dành buồng ngủ cho tác phẩm đầy giường. Mùa lễ hội năm 2014
bác Nguyễn Ngọc Hạnh bị tai biến nhẹ. Chở vào nhà thương kịp thời rồi ông bình
phục.
Phép lạ xảy ra lần thứ nhất. Rồi đến tháng vừa qua ông lang
thang trên đường phố vào lúc hoàng hôn chợt bị té. May mắn có người đi đường kêu
911 chở vào nhà thương. Ông lại bị tai biến nhẹ. Nhà thương cấp cứu rồi lần nầy
gửi thẳng qua Nursing Home.
Phép lạ lần thứ hai. Ông vẫn tiếp tục chiến đấu. Tuần vừa
qua chúng tôi vào thăm ông đi từ nursing home qua nhà thương. Xem phần sắc diện
thấy ông mệt nhiều rồi.
Giải nắng hoàng hôn chưa vội tắt, mà lời vĩnh biệt đã lên môi....
Buổi tối tôi ra về hỏi thăm chuyện hậu sự của thầy Nguyễn. Cô học trò
Kim Phụng cho biết tin tức mặc dù gia đình đơn chiếc, học trò tản mát nhưng cũng
đã có chuẩn bị. Tôi nghĩ rằng các bạn nên lưu tâm. Sinh hữu hạn, từ bất kỳ. Tiền
nhân đã nói như thế.
Bác Hạnh là người có thân hữu, bằng hữu và chiến hữu bốn phương,
chúng ta nên thông báo để bà con biết. Cần chuẩn bị ngày giờ, nói anh chị em gặp
lại nhau. Nếu còn ngày rộng tháng dài, một buổi triển lãm tác phẩm và tác giả
lần cuối là điều nên làm. Nếu gặp lúc vội vàng, người đi sớm, có thể chuẩn bị
trước để trình diện tác phẩm khoác vòng hoa tưởng niệm sẽ đúng ý sắp xếp của bác
Hạnh năm nay vừa ở tuổi 88.
Ấy là nói vậy thôi, tối thứ tư, cháu Kim Phụng vừa báo tin thầy
Hạnh chợt tỉnh dậy và nhà thương lại cho về nursing home. Cô Phụng đưa máy cho
tôi nói chuyện với bác Hạnh. Ông nói rằng, nếu anh Lộc và anh chị em tổ chức ở
đâu đó thì mình sẽ cố tới dự. Đi xa thì không được, nhưng quanh San Jose thì
mình cố.
Nói được như vậy. Ông bà ơi! phép lạ xẩy ra lần thứ
ba.
Ước muốn sau cùng.
Tôi
lại vừa vào thăm bác Hạnh chiều thứ năm. Răng giả đã gắn lên. Ông thong thả
ngồi ăn bánh ngọt. Bác nói: Mình sẽ cố đấy. Ước mong cuối cùng đấy. Vụ triển lãm
ấy mà... Ông nhắc đến một vài người, lúc nhớ lúc quên.
Tôi
nói rằng để hỏi thăm luật sư Tâm bây giờ là nghị viên. Ta xin mượn cái nhà vòm
tại City Hall vào buổi trưa cuối tuần. Bày tất cả hình của ông ra một lượt. Mời
bà con xa gần lại coi. Tác giả và tác phẩm. Tác phẩm ngày còn trẻ. Tác giả ngày
về già. Hình ngày xưa đen trắng bây giờ photoshop thành hình màu rực rỡ. Chuyên
viên nào photoshop cho bác Hạnh đi đứng bình thường. Bác Hạnh nói. Mình có xe
vịn chắc vẫn đứng lên được. Tôi nói, thôi ông ơi! xuất hiện kỳ này trên xe lăn
là ngon lành rồi. Nếu ông té xuống thì sẽ không có phép lạ lần thứ
tư...
Nghe nói bác đã có 99 cái huy chương. Lần này kiếm thêm cái huy chương
thứ 100 của San Jose cho đủ một bách. Buổi họp mặt hoàng hôn của các tay cầm máy
ảnh dành cho một kỳ triển lãm cuối cùng nếu cần sẽ có cả nghị viên Tâm Nguyễn
đứng lên hát bài Đường Việt Nam vô cùng vô tận.
Nghe anh em vẽ ra giấc mộng về chiều, bác Nguyễn Ngọc Hạnh chợt thấy đầu
óc sáng trưng, giơ tay bắt nói rằng: " bạn bảo anh em cứ thế mà làm nhé.
Mình thích đấy".
Giao chỉ, San Jose.
~~~~~~~~~~~~~~~~~~~
Giao Chỉ Văn Tuyển 1
Bút ký của cô Phạm Kha tìm xác phi công Bùi Đại Giang và 5 chuyện kể của
Giao Chỉ S.J. về những người vợ chiến binh Việt Nam Cộng Hoà từ 40 năm qua. Một
thời để yêu,một thời để chết.
Tất cả đều là chuyện thật về những cánh hoa thời chinh chiến trong đời
sống quanh ta. Các di vật và hình ảnh còn lưu giữ tại Việt Museum, San Jose.
Tác phẩm do Việt Museum phát hành. Hãy mua, đọc và lưu niệm. Hãy mua làm
quà tặng. Câu chuyện về những phụ nữ Việt Nam bình thường trải qua nỗi đoạn
trường nhưng vẫn còn tồn tại.
Giá bán $10 us. Chi phiếu ghi cho IRCC. Muốn tặng ai, xin ghi danh người
gửi và người nhận, Việt Musem sẽ nhận chuyển và bao cước phí trên khắp thế giới.
IRCC
3017 Oakbridge Dr.
San Jose - CA 95121
USA
Đã
phát hành Giao Chỉ Văn tuyển số 1. Độc giả thân hữu muốn đọc
Giao Chỉ, xin cho địa chỉ nhận thư gửi qua email giaochi12@gmail.com
~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~