Thứ Tư, 11 tháng 3, 2015

GIẢ - CHÂN

Giả Chân ( Sưu Tầm )

Ở hàng châu có người bán các thứ quả, khéo để dành cam lâu mà không ủng, vỏ vẫn đỏ hồng, trông đẹp như vàng, như ngọc, đem ra chợ bán, giá đắc mà người ta tranh nhau mua. Ta cũng mua một quả. Đem về bóc ra hơi xông lên mũi múi xác như bông nát. Ta liền đem ra chợ hỏi người bán cam:

- Anh bán cam cho người ta để làm của cúng lễ, đãi tân khách hay là chỉ làm cho choáng bề ngoài để đánh lừa người ta?

Tệ thật! Anh giả dối lắm!

Người bán cam cười nói:

- Tôi làm nghề này đã lâu để kiếm tiền nuôi thân. Tôi bán, người ta mua chẳng ai nói gì, chỉ có ông kêu ca! Thiên hạ giả dối nhiều chẳng phải gì một mình tôi? Ông thật không chịu nghĩ đến nơi... Này thử xem người đeo hổ phù, hùng dũng trông ra dáng quan võ lắm, kỳ thực có giỏi được như Tôn Tẫn, Ngô Khởi không? Người đội mũ cao đóng đai dài đường hoàng trông ra dáng quan văn lắm, kỳ thực có giỏi được như Y Dõan, Cao Dao không? Giặc nổi không biết dẹp, dân khổ không biết cứu quan lại tham không biết trừng trị, pháp độ hỏng nát không biết sửa đổi, ngồi không ăn lương không biết xấu hổ. Thế mà lúc ngồi công đường, đi ngựa, uống rượu ngon, ăn của quý, oai vệ hách dịch vô cùng!...Đó là bề ngoài chẳng như vàng, như ngọc mà bề trong chẳng như bông nát là gì? Ông không chịu xét những hạng người ấy mà đi xét quả cam của tôi.

Ta nghe nói nín lặng, không trả lời được ra làm sao. Ta nghĩ người ấy nói có giọng khôi hài. Dễ chừng người ấy ghét kẻ gian tà, giận phường thế tục mới thác ra chuyện bán cam để dạy người đời chăng?
Sưu Tầm


Giả Chân ( Sưu Tầm )


Ở đời, chết về thuốc độc, muôn người, họa mới phải một người, chớ chết về ăn không ngồi rồi, thì thật nhiều. Cái độc "ăn không ngồi rồi" rất thảm, rất hại. Nhưng ta hãy đem một vài sự đáng sợ để thí dụ mà nghe.

Xe đi trên mặ đất đi chỗ gập ghềnh, thường được chắc chắn hơn chỗ phẳng phiêu.

Thuyền đi trên mặt nước, đi chỗ ghềnh thác, thường được vững vàng hơn giữa dòng sông. Tại sao vậy? Tại vì, biết là khó khăn, mà giữ gìn thì được yên, cho là dễ dàng, mà khinh thường thì phải hỏng.

Người đời thường sống về những khi lo lắng cần khổ, mà chết về những lúc sung sướng yên nhàn. Nhẽ ấy rất rõ, mà người đời không biết sợ, là bởi không chịu xét đến nơi.

Những lúc rỗi việc, thử nghĩ mà coi. Vì đâu mà chí khí ta suy kém? Vì đâu mà công việc ta phải hư hỏng. Vì đâu mà uổng mất một đời rồi cùng nát với vỏ cây? Vì đâu mà hóa ra hôn mê, không biết quay đầu lại, rồi lại đeo thêm cái tiếng xấu về sau? Vì đâu thành chểnh mảng không biết lo xa rồi đến nỗi mắc vào tội vạ? Ấy rút lại mấy điều là chỉ bởi ăn không ngồi rồi mà ra cả.

Sự ăn không ngồi rồi quả là cái cửa những điều ác. Cửa ấy người giỏi vào, đến lúc ra thì dở, người tỉnh vào, đến lúc ra thì mê, người cương trực vào đến lúc ra thì liệt nhược, người thanh khiết vào đến lúc ra thì ô uế, sự ăn không ngồi rồi hại thân, hại nhà, hại nước, nghĩ chẳng đáng sợ lắm ư!
( Sưu Tam )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét