Tin tức truyền thông
mới đây cho biết, cảnh sát vừa phá vỡ một vài cơ sở in tiền giả mệnh giá 100USD
tại New York và New Jersey. Và theo Cơ quan Mật vụ (U.S. Secret Service), việc
khám phá số lượng tiền giả lên đến hơn bảy chục triệu tại các nơi này, là nỗi
đau của tờ bạc mệnh giá trăm đô. Tiền giả không chỉ được in trong nước, số lượng
tiền giả thu hồi trong năm qua lên đến 157 triệu USD, xuất phát từ nước ngoài,
chủ yếu từ Peru tuồn vào Mỹ. Điều đáng nói là kỹ thuật in tinh vi đến mức thượng
thừa. Tiền giả được lưu hành thông qua hàng trăm chi nhánh “cho vay nóng” ở các
tiểu bang miền Đông Bắc và qua mạng lưới tiêu thụ nhỏ lẻ khắp nơi bằng nhiều
hình thức.
Cảnh sát vừa phá
vỡ vài cơ sở in tiền giả tờ 100USD mới ở New York và New Jersey
Coi chừng bị gạt
Trung bình những tay làm tiền giả thường kiếm được khoảng 40,000 USD trên 100,000 USD tiền giả sản xuất ra, sau khi trừ mọi chi phí. Tính ra, sản xuất tiền giả còn thu lợi hơn cả buôn bán ma túy bởi chi phí đầu tư đối với ma túy rất lớn, trong khi việc vận chuyển và chế biến phức tạp hơn. Tuy nhiên, lợi nhuận nhiều không có nghĩa là bọn tội phạm muốn tung ra tiêu thụ bao nhiêu cũng được. Chúng rải nhỏ số tiền phân tán chung trong tiền thật bằng nhiều hình thức nhằm qua mặt những người bận rộn mua bán lơ là cảnh giác. Không rõ các tiệm của người Việt mình có bị “dính” nhiều không nhưng theo nhận xét hầu hết cơ sở kinh doanh của người Mỹ, cảnh giác chuyện tiền giả rất cao. Nhận giấy 10, 20 USD cũng dùng bút thử hay đưa lên ánh sáng săm soi cẩn thận.
Năm trước, có lần tôi ghé một cơ sở kinh doanh trong một khu thương mại của người Việt ở thành phố Arlington. Nhìn thấy tấm khung lộng kiếng treo trên vách tường sau quầy hai tờ 100 USD trưng bày mặt trước và mặt sau, tôi nói đùa: “Người làm ăn mua bán, thờ ông Thần tài cho tiền vô như nước, còn tiệm ông lại thờ ông “Thần Dollar”. Là chỗ quen biết, chủ tiệm với tay tháo tấm khung kiếng đưa tôi xem và hỏi: “Ông coi cho thật kỹ, thật hay giả?”. Nhìn y như thật, nhưng nghe giọng điệu của chủ tiệm, tôi đoan chắc là giả một trăm phần trăm. Nhưng ông lắc đầu: “Tiền thật đấy, từ giấy cho đến mực in của tờ mệnh giá nhỏ được tẩy xóa con số thay vào mệnh giá lớn hơn. Người nhận không để ý kỹ hình dạng chi tiết in trên tiền, sờ vào thấy nhám, thử bút thấy thật, thế là “dính”. Có nhiều kỹ thuật chế biến đồng tiền giả, không nhất thiết phải in bằng máy cho ra một tờ giấy mới toanh”.
Ông cho biết, ngoài tiệm của ông, một vài nơi khác quen biết ở Dallas cũng “dính” vài tờ dollar dỏm. Đa phần là tiền in mới hoàn toàn, không tẩy sửa con số. Loại này dễ phát hiện hơn khi dùng bút thử do bọn tội phạm trong nước thường sử dụng kỹ thuật cao và máy in laser để tạo ra một số lượng tiền giả hạn chế. Thông thường bọn tung tiền giả nhắm vào loại tờ mệnh giá cao 100 USD hơn là làm loại giấy bạc nhỏ. Mặc dù vậy, theo một chủ nhà hàng ở Houston cho biết, tiền lớn nhỏ gì cũng có giả hết, càng tinh vi hơn, nét in rõ ràng và giấy in như thật. Có thể nó được lưu thông từ túi người này sang túi người khác mà chúng ta không nhận ra vì giả mà như thật. Chỉ khi nào đưa vào nhà bank thì mới phát hiện, lập biên bản thu hồi.
Tôi ngạc nhiên khi ghé vào một tiệm ăn trên đường Bellaire ở Houston thấy trên vách tường sau quầy treo khung kiếng hai tờ 20 USD như lời cảnh báo. “Biết hết rồi, đừng hòng đưa tiền giả nhé!”, tôi đoán mò. Bà chủ nói: “Bán buôn đông khách không để ý những tờ giấy mệnh giá nhỏ. Mấy tháng trước, tôi để tiền mặt cả tuần mới ra nhà bank, không ngờ trong đó có đến hơn trăm tiền giả. Tôi phải điền giấy làm tường trình với cảnh sát và xin nhà bank cho tôi giữ lại hai tờ làm kỷ niệm”.
Ngoài những chuyện tiền giả xảy ra trong các tiệm mua bán kinh doanh, ngoài phố các trò lường gạt, đánh tráo, đổi chác diễn ra không kém. Anh T. kể có lần đi Houston, ghé cây xăng lúc trời còn mù mù, gặp một thành niên da đen đến nhờ đổi tờ một trăm đô giùm vì chủ cây xăng không nhận tiền lớn. Cảnh giác với chuyện lường gạt nên anh nói không có. Tay thanh niên lại ghé đến hỏi ông Mỹ trắng vừa ghé xe vào, ông nầy cũng lắc đầu. Khi tay này đi khỏi, ông xoay sang tôi nói một tràng ý bảo, chuyện này ông biết rành, đừng vì lòng thương cảm, coi chừng bị gạt.
“Vua” làm tiền 20 USD giả như thật
Frank Bourassa người Canada được mệnh danh là “vua” làm tiền giả mệnh giá 20USD bị bắt hồi đầu năm và anh ta đồng ý giao nộp số tiền giả và giấy in tiền để đổi lấy việc được chính quyền giảm án. Điều này khiến “danh tiếng” của Bourassa nổi như cồn. Những đồng 20 USD của Bourassa lần đầu xuất hiện tại Troy, Michigan, Mỹ vào năm 2010. Nhà chức trách Mỹ và Canada đã phải mất tới 4 năm theo dấu các nguồn tin mới lần ra được Bourassa. Kể từ đó tới nay, tiền giả đã được tìm thấy trên khắp nước Mỹ, từ California tới Nevada và Florida. Tiền giả thậm chí còn bay tới các vùng đất xa xôi nằm ở một số tiểu bang tại vùng Đông Bắc. Tuy nhiên các chuyên gia nói rằng để phát hiện một đồng tiền giả do Bourassa làm là điều vô cùng khó khăn.
Frank Bourassa “vua” làm tiền 20USD giả
như thật tường trình cách in tiền giả với Đài ABC - nguồn abcnews.go.com
Về phần mình Bourassa tiết lộ anh ta đã có 2 năm nghiên cứu mọi chi tiết về bảo mật tiền tệ trên trang web của chính cơ quan Mật vụ Mỹ, để tìm cách sản xuất tiền giả. Bourassa bắt đầu hoạt động làm tiền giả bằng cách lừa các hãng giấy ở Đức và Thụy Sĩ sản xuất một loại giấy làm từ chất liệu cotton và vải lanh, vẫn được dùng để sản xuất tiền đô la Mỹ. “Tôi phải khởi đầu từ đó, để có thể tạo ra cảm giác chân thực khi người ta sờ vào những đồng tiền giả. Chúng tạo cảm giác giống như sờ vào vải hơi nhàu. Nếu không có được cảm giác đó, sẽ chẳng có gì cả” - Bourassa khai với cảnh sát. Bourassa sục sạo trên Internet để tìm các nhà cung cấp Trung Quốc có thể bán cho anh ta một số loại mực hiếm và các nguyên liệu chế tạo đặc điểm an toàn có trên đồng tiền “xịn”. “Mấy anh biết đấy, tôi sẽ chơi tới bến hoặc ra về tay trắng” - Bourassa khoe khoang.
Nhà chức trách tin rằng Bourassa đã nhận được sự giúp đỡ từ nhiều người khác, gồm một chuyên gia in ấn rất lành nghề. Người này đã giúp anh ta tìm được một máy in off-set để làm tiền giả và các thiết bị khác để tạo ra số serie không giống nhau trên các đồng tiền. Một khi tiền được in xong, Bourassa bán chúng theo từng lô lớn cho các nhóm tội phạm. Bourassa còn coi thành tích của mình là “chiến thắng tuyệt đối” trước chính quyền Mỹ.
Các nhà điều tra đã theo dõi Frank
Bourassa, người làm giả tiền $20 trong bốn năm trước khi bắt - nguồn dailymail.co.uk
Sau rốt chính sự ngạo mạn của Bourassa đã khiến anh ta bị bắt. Một viên cảnh sát chìm hoạt động trong một nhóm tội phạm đã đứng ra thực hiện thương vụ mua tiền giả với Bourassa. Thông tin do anh ta cung cấp đã giúp nhà chức trách lần ra hoạt động bí mật của Bourassa ở Quebec. Mật vụ Mỹ cho biết năm ngoái lực lượng chấp pháp Mỹ đã thực hiện hơn 3.500 vụ bắt giữ những kẻ âm mưu làm giả tiền Mỹ. 20 USD hiện vẫn là đồng tiền bị làm giả và đưa vào lưu hành nhiều nhất. Theo phỏng đoán của Sở Mật vụ Mỹ, Bourassa đã in ra khoảng 250 triệu USD.
Nhưng ngay cả khi cảnh sát Canada và Mật vụ Mỹ đột kích nhà Bourassa, anh ta vẫn giữ cho mình một quân bài tẩy cuối cùng: chính quyền không biết số giấy đặc biệt còn lại đang chứa ở đâu, cũng như rất nhiều những đồng 20 đô la giả đã in ra đang phiêu bạt chốn nào. “Điều đó khiến họ phát điên, vì thế Mật vụ Mỹ đã ở đây suốt, theo chân tôi cả ngày” - Bourassa nói một cách tự hào.
Tuy nhiên cuộc chơi vẫn chưa kết thúc. Nhà chức trách Canada thông báo họ vẫn đang tiếp tục điều tra hoạt động làm tiền giả quanh Bourassa. Họ tin rằng anh ta chỉ chường mặt ra trước công chúng và khoe khoang thành tích để đánh lạc hướng dư luận, nhằm bảo vệ các lãnh đạo cao hơn của băng tội phạm chuyên làm tiền giả mà anh ta là thành viên. “Có nhiều chứng cứ cho thấy vẫn còn giấy in đặc biệt và tiền giả đang được cất giấu, cũng như có nhiều người liên quan vào vụ việc” - Tasha Adams, một điều tra viên thuộc Đơn vị chống hàng giả (ICET) của Canada phát biểu trước báo chí “Cần cả một hệ thống để tiêu thụ tất cả các đồng tiền đó. Nó có số lượng lớn tới mức không chỉ có vài người là tiêu thụ xong. Bọn tội phạm sẽ cần tới một mạng lưới rất lớn”.
Mẹo thử nhận biết tiền thật tiền giả
Hầu hết mực in tiền USD đều có từ tính, lượng từ tính nhiều hơn đặc biệt nằm ở chỗ in con số mệnh giá tiền. Có thể dùng một viên nam châm để biết được tiền thật hay giả. Thí dụ dùng tờ 1 USD, trước tiên bạn gấp nó lại 1/4, sau đó mở phần gấp đó ra ở góc rộng 130 độ. Đưa viên nam châm sát vào con số in mệnh giá. Nếu bị hút vào nam châm là tiền thật, còn không là tiền giả.
Trang
Nguyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét