Sự thật tài năng và nhân cách của Khánh Ly
Báo Giáo dục Việt Nam - 07/08/2012 15:43
(GDVN) - Họ cư xử với con
cái như thế thì làm sao có thể độ lượng với cuộc đời. Nhất là với Khánh Ly,
người thường nói đến nhân nghĩa, theo kiểu đầu môi, chót lưỡi...
"Tôi viết về Khánh Ly đúng
sự thật" Sau bài viết: “Khánh Ly - Đa đoan một kiếp cầm ca”, tôi dự định sẽ không bao giờ đề cập đến vấn đề này nữa, nếu như một số ý kiến phản biện trên một số trang mạng truyền thông không đi quá xa bằng trí tưởng tượng và thiếu tôn trọng sự thật.
Chính vì lẽ đó, mới có thêm bài viết này, nhằm làm rõ hơn những gì tôi đã viết trong bài viết trước. Tôi cũng sẵn sàng đối thoại với những ai chú ý đến câu chuyện này một cách thẳng thắn và loại trừ những yếu tố chính trị ra ngoài. Bởi lẽ, đó không phải là mục đích của tôi. Trước khi đi vào trọng tâm của bài viết này, tôi xin được có đôi lời với người ký tên BĐQ Đỗ Như Quyên, dưới bài phản biện có tựa đề: “Một nửa sự thật - Đoàn Thạch Hãn là ai?” được nhiều trang mạng đăng lại. Tôi đồng ý một phần, chứ không hoàn toàn với ông Quyên là không nên moi móc đời tư của người khác. Bởi lẽ, những ai đã trở thành người của đám đông, phải hiểu rằng, công chúng ái mộ luôn đòi hỏi ở họ, tài năng phải đi đôi với nhân cách. Không thể bắt buộc công luận chỉ xiển dương cái hay của mình mà cố tình giấu nhẹm những cái xấu (nếu cái xấu đó là sự thật). Đó chính là sự sòng phẳng. Thứ đến, ông Đỗ Như Quyên đã phê phán tôi bươi móc đời tư của Khánh Ly, nhưng ông lại bươi móc lý lịch của tôi một cách cẩu thả. Khác chăng, tôi viết về Khánh Ly hoàn toàn đúng sự thật. Còn ông, viết về tôi lại hoàn toàn hư cấu! Tên người vợ cũ của tôi là Triều Giang, quản lý báo Sóng Thần chứ không phải là Thùy Dương, thư ký tòa soạn như ông nói. Trước đó, tôi đã làm phóng viên chiến trường từ lâu nên mới có cơ hội quen nhau và làm đám cưới (28/12/1972), chứ không phải tôi cưới bà ta để được nhận vào làm báo. Những người thân dạo đó tham dự đám cưới của tôi có anh chị nhà văn Nhật Tiến, anh chị Đỗ Quý Toàn, những anh chị Lý Đại Nguyên, nhà văn Uyên Thao, Nhà văn Trùng Dương, nhà báo Lê Thiệp, nhà báo Nguyễn Tuyển, nhà báo Duy Nhân (phụ rể)… tất cả hiện đang sống tại Hoa Kỳ, và biết rất rõ chuyện này. Bà Triều Giang, sang định cư tại Mỹ năm 1977, chứ không phải 1975, hiện là Chủ tịch Hội bảo tồn văn hóa VN tại Hoa Kỳ, đã có chồng khác và từ đó đến nay, chúng tôi hoàn toàn không liên lạc với nhau, chứ bà ta chưa về Việt Nam tìm tôi lần nào như ông nói. Điều láo toét hơn cả là ông viết năm 1978, ông gặp tôi tại ngã 7 Sài Gòn. Lúc bấy giờ tôi hợp tác với công an, có nhiệm vụ làm cò mồi, lùng sục để bắt những người phản động. Cũng vào năm đó, ông lại phịa ra chuyện gặp tôi và Huỳnh Bá Thành tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ. Xin thưa với ông Quyên năm 1978 làm gì có báo CATP và đến năm 1989, ông Huỳnh Bá Thành vẫn còn là Phó Tổng Biên tập. Ông muốn kiểm chứng từ năm 1975 đến năm 1985 tôi ở đâu? Làm gì? Quá dễ. Ông tìm đọc hồi ký của nhà văn Duyên Anh, hoặc cứ hỏi một số người hiện đang sinh sống tại Mỹ với ông, như: Anh chị Trần Dạ Từ - Nhã Ca, Sơn Điền, Nguyễn Viết Khánh, họa sĩ Hồ Thành Đức, Uyên Thao, Lý Đại Nguyên, nhà báo Đinh Quang Anh Thái (báo Người Việt)… sẽ rõ. Ngay nhân thân và lý lịch của tôi cũng bị ông thay đổi hoàn toàn! Tôi không hiểu tại sao, ông lại có thể trơ trẽn và bất cố liêm sỉ đến như vậy? Khánh Ly- Nguyễn Hoàng Đoan có còn tình người? Trở lại vấn đề Khánh Ly, nếu nói về tài năng, thì Khánh Ly là một trong những giọng hát hàng đầu của Việt Nam, kể từ khi nền tân nhạc ra đời vào những năm giữa thập niên 30 của thế kỷ trước và cho đến nay. Không chỉ thành công vượt bực với nhạc Trịnh Công Sơn, đã gắn liền với tên tuổi bà ta, mà Khánh Ly còn đi vào lòng người với dòng nhạc tiền chiến của Văn Cao, Phạm Duy, Tô Vũ, Đoàn Chuẩn… Tiếc thay, tài năng đó, hoàn toàn đi ngược lại với những gì Khánh Ly thể hiện trong cuộc sống. Năm 1975, Khánh Ly đã ly dị với người chồng thứ hai là Đại úy biệt kích Mai Bá Trác bằng một kỷ niệm còn ăn sâu trong ký ức của người Sài Gòn dạo đó: Trận đánh ghen của Đại úy Trác và Trung tá Thủy quân lục chiến Đỗ Hữu Tùng (ai không tin cứ hỏi Khánh Ly). Sau đó, trên đường di tản, Khánh Ly gặp Nguyễn Hoàng Đoan, một nhà báo Sài Gòn, được biết đến nhờ phóng sự không biết xếp vào loại nào: “Con ma vú dài” trên báo Hòa Bình. Lúc bấy giờ, Khánh Ly được coi là độc thân, còn Nguyễn Hoàng Đoan thì chạy trốn vợ là nhà báo Lam Thiên Hương và hai con gái để ra đi một mình cho rảnh tay. Từ đó, họ thành vợ chồng với nhau. Điều này cũng là chuyện bình thường. Nhưng không bình thường một chút nào cả, khi suốt gần 40 năm qua, Lam Thiên Hương vẫn ở vậy, một mình lủi thủi nuôi hai con, giờ đã ngoài tuổi 40 trong cơ cực túng thiếu, có lúc không đủ cơm ăn, phải nhờ vả bè bạn. Ba mẹ con đùm bọc lấy nhau trong nghèo khó, không nỡ rời nhau nên không cô nào có được tấm chồng! Chính xác là suốt 37 năm dài đó, Nguyễn Hoàng Đoan chỉ có 3 lần gửi tiền về phụ giúp, mỗi lần được 1.000 USD, và gần 10 năm nay thì bặt vô âm tín. Theo lời của Lam Thiên Hương, cặp Khánh Ly - Nguyễn Hoàng Đoan thủ đoạn ngay cả với con cái. Trong ba lần gởi tiền về đó, Lam Thiên Hương có ký nhận, và Khánh Ly - Nguyễn Hoàng Đoan đã lấy giấy ký nhận đó phô trương với nhiều người, họ thường xuyên gởi tiền về để nuôi con?! Từ lâu, nhiều bạn bè từ Mỹ về, khuyên mẹ con Lam Thiên Hương đừng trông mong gì nữa, hãy lo làm ăn mà nuôi thân. Họ nói: “Nguyễn Hoàng Đoan cũng không đến nỗi tệ như thế, nhưng do Khánh Ly không muốn ông ta dính líu đến con riêng, nên đành chịu!” Điều này rất khả tin, vì năm 1996, nhân chuyến về Việt Nam đầu tiên của vợ chồng Khánh Ly - Nguyễn Hoàng Đoan, họ chỉ gặp 2 con gái riêng của Đoan một lần duy nhất, trong một khoảng thời gian rất ngắn. Bà “dì ghẻ” Khánh Ly lên tiếng: “Ba và dì về đây rất bận rộn. Hơn nữa đi đâu cũng có công an theo dõi nên không tiện gặp các con thêm lần nữa”. Thế là chia tay! Thử hỏi: Nếu thật có công an theo dõi mà thấy cha con gặp nhau thì đã sao? Âu cũng chỉ là cái cớ! Đi là biệt tăm, biệt tích. Gần 10 năm trước đây, biết mẹ con Lam Thiên Hương quá khổ, một người bạn tên là Huỳnh Thành Mỹ, đã cho đăng trên một tờ báo Việt Ngữ tại California, lá thư kêu cứu của bà ta, nhờ bạn bè cứu giúp. Đến lúc đó, Nguyễn Hoàng Đoan, rồi Khánh Ly mới liên tục gọi điện thoại cho Lam Thiên Hương với lời lẽ ngọt ngào: “Báo chí bên này chuẩn bị đánh anh và Khánh Ly vì chuyện em và hai con. Em liệu chừng liên hệ với họ ngưng lại, giúp anh. Lúc nào anh cũng nghĩ đến em và các con!” Chỉ yêu thương bằng lời thôi, chứ một đồng xu cũng không có. Ông Huỳnh Thành Mỹ phải bỏ tiền túi và vận động vài bạn bè gởi cho Lam Thiên Hương 300 USD. Gần đây, Lam Thiên Hương bị bỏng nặng, hai con gái thì công việc làm không ổn định. Thấy hoàn cảnh quá bi đát, một nữ ca sĩ thường xuyên đi về giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đã đến gặp Khánh Ly - Nguyễn Hoàng Đoan nói rõ sự tình, nhưng bị cả hai từ chối với lý do: Không có tiền! Người nữ ca sĩ đó, với tình người chan chứa đã bỏ ra 200 USD để giúp đỡ mẹ con Lam Thiên Hương, như bà đã từng giúp đỡ nhiều lần. Người con gái lớn của Nguyễn Hoàng Đoan là Nguyễn Hoàng H.G thì coi như mình không có cha. Còn cô gái út Nguyễn Hoàng Đoan T… nhiều lần nói với bạn bè của cha mẹ còn ở lại Việt Nam bằng dòng nước mắt: “Mỗi lần nhớ ba, con gọi điện thoại sang Mỹ, mà gặp mẹ Khánh Ly bắt máy, mới nghe tiếng bà là cúp ngay. Còn may mắn gặp ba thì ba chỉ nói vài câu qua loa, rất lạnh nhạt, rồi viện lý do bận công việc và cũng cúp!” Lam Thiên Hương từng đặt câu hỏi với một vài người quen thân của Khánh Ly – Nguyễn Hoàng Đoan từ Mỹ về: “Tại sao ông Đoan đã bảo lãnh hết anh em ruột ở Hố Nai sang Mỹ định cư mà những năm khó khăn, bà ta yêu cầu ông Đoan bảo lãnh một trong hai con gái thì bị từ chối?” Câu trả lời:”Khánh Ly ích kỷ nên không muốn!”. Có người còn nặng nề hơn: Khánh Ly quá độc ác!” Chỉ bấy nhiêu thôi, cũng đủ cho bất cứ ai còn có chút lương tâm đánh giá về tấm lòng của Khánh Ly - Nguyễn Hoàng Đoan. Họ cư xử với con cái như thế thì làm sao có thể độ lượng với cuộc đời. Nhất là với Khánh Ly, người thường nói đến nhân nghĩa, theo kiểu đầu môi, chót lưỡi. |
Đoàn Thạch Hãn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét