Thứ Năm, 5 tháng 3, 2015

VÀI CÂU CHUYỆN HAY

Bộ quần áo cũ

Your browser may not support display of this image.Sống chung với một ông bố chồng già yếu, bướng bỉnh là chuyện không dễ. Ông hay than phiền, hỏi những câu không đúng lúc và từ chối các món ăn cần thiết.
 Ông hãnh diện về thời trai trẻ, cứ kể đi kể lại các câu chuyện của thời vàng son. Hồi đó, là chỉ huy trong quân đội... Ông luôn đặt lý trí lên trên tình cảm. Tôi biết ông là người tốt, nhưng có cảm giác ông sống vì khối óc chứ không vì con tim, thiếu sự thông cảm.

Hôm nay đưa ông đi lễ ở nhà thờ, một lần nữa ông lại mặc bộ đồ vest cũ sờn rách mang từ Việt Nam sang. Tôi nhẹ nhàng:
-Bố nên thay bộ đồ con mua hôm trước, bộ quần áo này cũ quá.
-Nhưng bố thích mặc bộ này!
Tôi bắt đầu cau có:
-Nhưng mặc như vậy đi chỗ đông người rất kỳ, người ta sẽ nghĩ tụi con bỏ bê không chăm sóc bố.
Ông già buồn rầu, lập lại:
-Bố thích bộ quần áo này lắm.
Tôi cũng cương quyết:
-Bố nên thay ngay kẻo trễ, con không thấy có lý do gì để bố thích nó.
Ông già trả lời rất gọn ghẽ, chân thành, lâu nay ít khi nào tôi thấy ông minh mẫn như vậy:
-Chính mẹ đã tặng bố bộ quần áo này để mặc ngày kỷ niệm thành hôn. Khi chồng con ra trường, bố cũng mặc bộ quần áo này. Ngày đưa mẹ con ra nghĩa trang, bố cũng mặc bộ đồ này, bố thấy thật vui và xúc động khi mặc nó.
Nước mắt ông già hoen trên mi, rơi xuống gò má nhăn nheo. Tôi hụt hẫng và hết sức bối rối. Bố chồng tôi sống tình cảm và có lý hơn tôi nghĩ.
Trước khi quyết đoán người nào đó khô khan không có trái tim, tôi nên xét lại trái tim mình đã.


Lời cầu nguyện
Tôi rất sợ phải nghe ba mẹ cãi nhau. Tôi thường phải làm quan tòa và lẫn lộn không biết nên nghĩ gì. Mẹ hay nói:
-Con thấy ba kỳ cục không, nếu gặp người đàn bà khác, bà ta đã đập tan mọi thứ trong nhà ra rồi.
Ngược lại ba hỏi:
-Con gái, tuy con còn bé nhưng con thấy ba chịu đựng mẹ như thế nào. Ba phải làm sao đây?
Tôi hay nhìn những tấm hình ba mẹ chụp thời mới cưới treo trên tường, hai người nhìn nhau tươi cười hạnh phúc làm sao. Họ đã từng yêu nhau thắm thiết, tại sao tình yêu lại thay đổi mau chóng và thê thảm như vậy. Họ rất khó quên, khi gây gỗ thường kể đi kể lại những chuyện giận hờn xảy ra năm xửa năm xưa, rồi từ từ nặng lời với nhau. Tôi và em gái cũng hay có chuyện vì giành đồ chơi, hay vì phân công dọn dẹp nhà cửa không đều, nhưng chỉ chút sau là chúng tôi quên và tiếp tục chơi với nhau vui vẻ. Tôi muốn gia đình hòa thuận, êm ấm như hồi tôi còn bé. Lâu rồi chúng tôi không được đi picnic, đi câu cá với nhau.
Ngày ba tôi đập tan những tấm hình đám cưới treo trên tường, là ngày ông bà quyết định ly dị. Ba mẹ gọi hai chị em tôi vào phòng, chúng tôi đứng trên những mảnh vụn và được hỏi:
-Hai đứa con phải quyết định, đứa nào muốn ở với mẹ, đứa nào muốn ở với ba. Chúng ta phải chia hai.
Tôi và em gái chỉ biết khóc. Cách đây mấy tháng, tôi cũng giúp ý kiến thằng Tâm để nó chọn lựa bố hay mẹ. Bây giờ tới phiên nó sẽ giúp tôi?!!! Tôi biết Tâm rất khổ, trong lớp nó không còn muốn chơi với ai cả ngoại trừ tôi. Cô giáo và những bạn hiểu chuyện nói lời an ủi, thương hại cũng làm nó bực mình, muốn lẩn tránh. Nó trở nên ít nói và không cười nữa. Tôi sẽ phải trải qua những chuyện y như vậy. Tôi rất sợ.
Your browser may not support display of this image.
Đêm hôm đó tôi không ngủ được, chạy sang phòng em thấy nó còn thức, tôi rủ nó ra bàn thờ cùng đọc kinh. Chúng tôi chỉ thuộc kinh Lạy cha và Kính mừng, tôi ước gì có thể đọc được những kinh thật dài như người ta đã đọc trong nhà thờ để Chúa hiểu và lắng nghe chúng tôi hơn. Một chút sau ba má tôi cũng ra phòng khách cùng quỳ đọc kinh với chúng tôi - có lẽ vì nửa đêm tiếng cầu kinh của chị em tôi lớn quá làm họ không ngủ được. Thật là nhiệm mầu, ba má tôi xin lỗi nhau và quyết định không ly dị nữa. Tất cả chúng tôi cùng khóc.

Tôi nghe mẹ tôi kể với bạn của bà, nhờ sự thành khẩn của hai đứa tôi trong lần đọc kinh đó mà bà đã suy nghĩ lại. Tình trạng gia đình tôi khá hẳn. Ba đã treo lại những tấm hình đám cưới lên tường và treo thêm tấm bốn người vừa chụp ở tiệm.
Tôi tin lời cầu nguyện sẽ luôn được Chúa chấp nhận nếu mình cầu xin hết lòng và ở trong một hoàn cảnh thật sự cần giúp đỡ. Tôi cũng an tâm không cần phải học nhiều kinh dài và mới, Lạy cha và Kính mừng có thể tạm đủ.

Đôi giày trắng
Ngày cưới có lẽ là ngày bận rộn, có nhiều chuyện vui nhất trong đời. Tôi biết có cô dâu mang theo áo dài để thay, nhưng quên mang quần.
Hôm đám cưới tôi, mọi người đều rộn ràng. Tôi cũng chiều vợ, sáng mặc bộ vest trắng đi nhà thờ, chiều thay bộ vest đen tới tiệc. Tới nhà hàng tôi mới hết hồn, vì biết mình quên không mang theo đôi giày đen. Chú rể xúng xính trong bộ đồ đen, chân mang giày trắng bóng, coi sao được! Chưa biết tính sao thì thằng bạn lên tiếng :
-Trễ rồi, thôi mang giày của tui đi. Mới tậu hôm qua đó, chắc là vừa.
Tôi mang ơn thằng bạn này hết sức. Cứu người như cứu hỏa. Nó cũng biết mắc cỡ, dấu đôi chân mang giày trắng dưới gầm bàn, không dám đi đâu, kể cả vào nhà vệ sinh vì nó cũng mặc vest đen.
Sau này khi có đứa con trai đầu lòng, tôi nhờ thằng bạn này làm bố đỡ đầu. Nó rất vui và hãnh diện vì lần đầu tiên được lên chức God Father, tôi chọc nó:
Your browser may not support display of this image.-Hôm rửa tội con tui, nếu anh dám mặc đồ đen và đi giày trắng, tui sẽ đãi thêm một chầu seafood ở nhà hàng nổi tiếng Toronto .
Nó nhìn tôi ấm ức, nhưng nó biết tôi vẫn nhớ và cám ơn thật nhiều.
Giúp người vào lúc người đó gặp hoàn cảnh khó khăn, nguy ngập nhất là chuyện nên làm. Lý do, hậu quả như thế nào sẽ tính sau.
 


 
Mày Tao
Có lần giận con quá vì nó nói dối, tôi đã quát to :
- Mày là đứa nói láo, không ai thương mày nữa !
Thằng nhỏ mếu máo trả lời :
- Má có thể đánh con, nhưng đừng gọi con là mày !
Tôi giật mình, nó sinh ra và lớn lên ở Mỹ, tiếng Việt không giỏi nhưng sao hiểu được tiếng "mày" là rất nặng, rất xấu. Tôi xấu hổ lắm và từ đó về sau, không còn gọi con là mày nữa, dầu có giận đến đâu chăng nữa.
Có những người chồng hay quát nạt vợ, gọi vợ là mày, mắng chửi nặng lời. Tôi thấy thật rõ ràng là điều không nên không phải.
Nếu có quyền, tôi sẽ gạch bỏ chữ "mày, tao" trong Tự điển tiếng Việt
.
Trịnh Tây Ninh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét