11-02-2011
XUÂN NÀY BIẾT "ĐÁO NƠI NEO"?
Xuân này biết “đáo nơi neo”?
Bài và ảnh: Xuân Bình
Nứng với dâm thần?
Khi
xưa, hết tết, ra Giêng, nứng xuân tình chả đâu hơn hội lễ ở những làng
có biểu tượng, tục thờ dâm thần hay trò lễ tôn vinh văn hóa phồn thực
như La Khê, Hoài Đức, Hà Nội; Đồng Kỵ, Bắc Ninh; Văn Trưng, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc; đền Bà Banh, Hải Dương; Tứ Xã, Lâm Thao, Phú Thọ..
. Quê ấy, từ khai hội đến rã đám, rộn ràng trống hội. Từ sáng mờ đất
đến khi nhọ mặt, bên đu xuân, trai thì khom gối hạc, gái uốn lưng ong.
Đêm mật, già trẻ hỉ hả vui trò nõ nường, gái đua nhau chèn, trai gắng
sức nắn bóp, sờ soạng. Âm thanh động tình, kẻ rên, đứa hét, người hú
nghe vui đếch tả được… Trong giá rét, khi đã ngấm men say, chỉ mới
thoáng nghĩ hay chợt nhớ
đến hội làng thì đã nao nức, dậm dật khắp ngõ ngách cơ thể. Tình ấy mới
động lòng trời. Xuân ấy mới thực là xuân.
Hãy
tạm quên đi những điêu khắc gỗ ẩn trên vì kèo, câu đầu, kẻ bẩy với
những câu chuyện trai gái tắm hồ sen, chải tóc, làm duyên, tình tự ở Tây
Đằng, Quang Húc, Tam Nông hay cảnh sờ tí con gái ở đình Đông Viên… Đẹp
đến mấy thì cũng tạm để dành cho các nhà phê bình… ngắm nhìn và luận về
văn hóa phồn thực Việt.
Bỏ qua chốn vắng lặng như đền Bà Banh ở Hà Nội, Hải Dương.
Khi xưa:
“Bơi Đăm, rước Giá, hội Thầy
Vui thì vui vậy không tày rã La”
Vậy
mà bây giờ vào lúc rã đám hội làng La Khê, Hoài Đức chỉ còn thấy “đại
cảnh” gái trai xô đẩy, chen lấn, sờ soạng, nắn bóp nhau….đã chuyển cảnh.
Và
xuân này nếu có đến xem bắt chạch trong chum ở làng Văn Trưng, Vĩnh
Tường thì cũng chẳng còn mấy “tình cảnh” trai làng một tay túm vú bạn
gái, một tay khua khoắng bắt chạch…
Tiếc
và oan nhất là pháo làng Đồng Kỵ, Bắc Ninh, thấm thoắt đã 16 niên không
được một lần tan xác. Cũng như hội và lễ rước, pháo thì rõ to và cực
dài. Nhưng chỉ còn đuồn đuỗn ra đó với vỏ giấy màu mè. Không bùng phát,
chẳng thăng thần, khó thoát kiếp, Nõ Nường biết làm cách gì
để chạm tới miền cực… khoái lạc, để trấn yểm dữ xấu, khát khao sinh
sôi, ước vọng no đủ, cầu nguyện phúc lành?
Ký
ức quê mùa, nhận thức thuần phác, tín ngưỡng xưa cũ đã và đang mốc mác
hay tẹt dí dưới đống băng, đĩa, web sex, những câu chuyện tình rẻ tiền
trên báo chí, truyền hình hay lối sống “hiện sinh” của một bộ phận không
nhỏ của thanh thiếu niên…?
Mật ngữ Đụ Đị?
Hãy
thử một lần về với Trò Trám ở đền cổ Tứ Xã, Lâm Thao. Làng Gáp đã đổi
tên, thay dạng. Không còn những hình ảnh như thời nữ sỹ Hồ Xuân Hương về
làm lẽ Tổng Cóc. Mờ nhòe dấu tích thủy tạ, ao sen nơi mà
bà chúa thơ Nôm vịnh thơ giễu đời cùng Tổng Kình, Tú điếc, nho Trâm. Quê
đang nguy cơ thành phố. Rừng trám hư thực, bí ẩn quanh đền cổ đã bị
chặt bỏ. Những khoảng đất trống sau đền đã được xây dựng mới một ban thờ
Mẫu quá trang nghiêm. Thần, Phật vô ưu nào muốn chiếm dụng khoảng đất
hẹp mà con dân, người đời dung chứa những khát vọng trần tục. Lòng dân
chẳng được tỏ bày. Trong ý niệm của một vài nhóm người có vai vế, thế
lực cũng không còn chỗ
dành cho gái trai hân hoan dự đại tiệc “tháo khoán” sau lễ mật. Trong
lễ hội mới phục dựng, vì sao nhiều du khách vẫn hiếu kỳ đến độ nín thở
chờ nghe lão làng hô lớn “linh tinh tình phộc”? Và đám báo chí thì chen
vai, thích cánh, đánh chửi nhau để… cố ghi lại hình, chụp lại ảnh lúc Nõ
và Nường… phộc… phộc…. phộc?!?!?!
Từ
chỗ bị khinh bỉ, cấm đoán, ngăn cản, dục tình đã bị điều khiến theo một
hướng cực đoan khác. Tín ngưỡng phồn thực vẫn bị đạo đức giả, giáo điều
chỉ lối. Sinh sôi có còn là một Đức lớn của trời đất…?
Nhưng
may mắn làm sao cái tinh quý của hội làng, thần thái văn hóa cổ truyền
hay dấu tích tín ngưỡng phồn thực vẫn còn phảng phất, day dứt, quyến
luyến đâu đó trong những dịp lễ hội đầu xuân mới được phục dựng. Ấy là
những ẩn ngữ trong văn tế cùng các trường đoạn diễn xướng tứ dân chi
nghiệp. Trước lễ mật, những nghệ sỹ ưu tú của làng sẽ có màn trình diễn
về thợ cày cấy, kẻ đi câu, người bán mua Xuân, nhóm sỹ tử rao bán chữ
nghĩa…
Chị nông dân thì véo von:
Người ta đi cấy lấy công
Tôi đây đi cấy lấy ông chủ nhà
Đi cấy thì gốc chổng lên
Ngọn thời cắm xuống mới nên mùa màng.
Lời ca của chàng thợ mộc có câu:
Người ta xẻ gỗ trên ngàn
Anh đây cưa lấy một nàng đương tơ
Với phường buôn bán hay kẻ sỹ thì câu chữ, lời ca có vẻ trau chuốt, ý tứ:
Còn xuân thì mua xuân đi
Nay lần mai lữa còn gì là xuân
Hay:
Học trò đi học sách kinh
Tay cầm quản bút “quệt” tình nghiên đây
Nhưng với mấy anh, chị hề hát pha trò thì câu chữ ngổn ngang sự tinh nghịch, đĩ bợm ra phết:
- Giờ đây anh mới hỏi nàng
Cái gì lủng lẳng một gang trong quần
- Chàng hỏi thì thiếp thưa rằng
Cái đeo lủng lẳng là giằng cối xay
- Ước gì em hóa thành trâu
Anh hóa thành chạc xỏ nhau cả ngày…
Ơ hay, sao lại: chày- cối, trâu- chạc, bút- nghiên…? Lạ thật, cớ gì mà cứ: mua, bán, cưa, quệt, xỏ, chổng lên… cắm xuống?
Trước
lễ mật, trong một tiết điệu lạ lùng của đêm xuân, những ẩn ngữ cứ lặp
đi, khi bổng lúc trầm, các động tác, vũ điệu cứ nhắc lại, tái hiện như
một thức ma thuật? Vật dụng tầm thường đang hóa kiếp thành vật linh? Nõ
nường đang được tôn vinh thành “thượng đẳng thần”, “bảo vật hộ dân”? Những
cái “dung tục” đang được thiêng hóa? Chỉ có thể tìm câu trả lời trong
niềm tin kỳ lạ của từng người dân Tứ Xã. Hàng trăm năm nay họ tin rằng
khi diễn trò Đụ Đị vào thời khắc thiêng liêng của trời đất thì sẽ cảm
tất thông, cầu tất ứng.
Nếu ai chửa tin thì mấy hôm nữa nhớ về Tứ Xã để kiểm chứng lời người xưa:
Bà ẵm cháu, mẹ bồng con
Không xem Trò Trám thì buồn cả năm.
- Giờ đây anh mới hỏi nàng
Cái gì lủng lẳng một gang trong quần
- Chàng hỏi thì thiếp thưa rằng
Cái đeo lủng lẳng là giằng cối xay
Bán "Xuân" - Mua "Xuân"
Ông già đánh lờ. Nhời hát của ông:
- Ai ơi chớ bảo tôi già
tôi còn gánh nổi những ba cái lờ
gánh lờ chẳng phải lờ không
có dăm con bấc nằm trong cái lờ
- Ai ơi chớ bảo tôi già
tôi còn tráng kiện bằng ba đương thì!
*Bài
và ảnh do Xuân Bình gửi riêng Xuân Diện. Bản đăng trên Thể thao &
Văn hóa Cuối tuần thì bị xẻo đi nhiều đoạn lắm! Bản gốc ở đây.
Xin cảm ơn và hân hoan giới thiệu với chư vị!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét