Chùa Hội Sơn – di tích kiến trúc nghệ thuật
Chùa
Hội Sơn còn được gọi là chùa Khánh Long, tên vị hòa thượng thành đạo,
người đã khai lập và trụ trì chùa vào cuối thế kỷ 18. Chùa ngự trên gò
Quýt nay thuộc phường Long Bình, quận 9, Tp.Hồ Chí Minh. Sách Đại Nam
Nhất Thống Chí do Quốc sử quán triều Nguyễn thời Tự Đức biên soạn mô tả
vị trí phong thủy của chùa như sau: “… đuôi núi Châu Thới đi ngang qua
phía Bắc, chẻ ra một chỉ chạy đến phường Tuy Long thì dừng lại và đột
khởi lên một gò cao, trên bằng phẳng, rộng rãi, nhiều cổ thụ, hoa cỏ tự
nhiên. Hai bên có hang động, nước chảy quanh, nhà dân ở quanh theo. Cảnh
vật u tịch”. Chùa được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ
thuật quốc gia từ năm 1993.
Chùa
Từ
thuở khai lập cho đến nay, chùa trải qua 13 đời sư trụ trì. Chính điện
một lần được trùng kiến và mở rộng, bốn lần được trùng tu, thêm nhiều
công trình kiến trúc được xây mới. Chùa Hội Sơn trở thành một quần thể
giao thoa kiến trúc và tín ngưỡng văn hóa Việt, Hoa, Kh’mer. Chính điện
được kiến trúc theo lối Bắc Tông. Tường gạch, mái lợp ngói âm dương, nền
lát gạch nung đỏ. Điện bài trí theo nguyên tắc tiền Phật, hậu Tổ. Tiền
đường thờ bộ tượng Tây Phương Tam Thánh. Hai bên thờ Hộ Pháp. thập bát
La Hán, Quan Âm Thị Kính… Phía sau chính điện thờ tượng Hòa thượng Đạo
Thành Khánh Long, chân dung 3 vị Tổ sư (những người đắc đạo tại chùa
Khánh Long đã có công khai sơn chùa ở một số địa phương khác),
bàn thờ Ni sư Như Thanh, Ni sư Như Tiên và Đại đức trụ trì gần đây
nhất. Lối lên điện thờ Quan Công uốn lượn, xây thành. Mặc dù có pha trộn
về kiến trúc nhưng nổi bật nhất vẫn là nét trầm tư, u tịch của chùa
phái Bắc Tông truyền thống của người Việt. Nét giao thoa tín ngưỡng Phật
giáo của người Việt và người Kh’mer là Đại tượng Bổn sư tọa thiền dưới
lọng. Lọng ở tượng tại chùa Hội Sơn là đầu rồng, chùa của người Kh’mer
là lọng đầu rắn. Điện thờ Quan Công mà người ta hay gặp trong các chùa
của người Hoa thể hiện sự giao thoa tín ngưỡng giữa người Việt và người
Hoa.
Hòa
thượng đương kim trụ trì Thích Thiện Hảo cho biết: trải qua biến thiên
của thời gian, một số tượng cổ như ông Nhật, bà Nguyệt bị thất thoát
nhưng một số hiện vật có giá trị về lịch sử và tinh thần Phật giáo Đại
Thừa vẫn được bảo tồn nguyên vẹn. Chính điện thờ bức Đại tự “Đại Đức
Hồng Danh” của vua Khải Định ban nhân dịp vua về vãn cảnh chùa. Bốn cây
đại trụ vẫn trường tồn cùng với đôi câu đối chữ đại ý: trên hội Lăng
Nghiêm, hội Đại Bi, hội nào cũng cầu cho nước thịnh dân an. Chùa thường
tổ chức các khóa lễ cầu kinh, phóng sinh và tham gia nhiều hoạt động xã
hội. Ngày rằm, mồng một, khách thập phương về viếng chùa rất đông. Nằm ở
vị trí đẹp, cỏ cây, sông nước hữu tình, chùa
còn là điểm đến của nhiều thiện nam tín nữ trẻ. Họ vãn cảnh chùa và cầu
duyên.
Bài: Nguyên Chung - Ảnh: Thịnh Phát
|
__._,_.___
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét