Thứ Năm, 2 tháng 10, 2014

MỐI TÌNH HỒ XUÂN HƯƠNG VÀ NGUYỄN DU

MỐI TÌNH CỦA NỮ SĨ HỒ XUÂN HƯƠNG
VỚI NGUYỄN DU
 
 
T. V. Phê
 
 
 
Hồ Xuân Hương, một nữ sĩ nổi danh về thơ nửa tục nửa thanh, nửa hư nửa thực, nhằm châm biếm diễu cợt thói đời, con người; hoặc diễn tả những sự vật và sinh hoạt thường nhật với nghĩa đôi rất linh động và thú vị. Bà xinh đẹp, tính tình phóng khoáng, giao thiệp rộng, hay xuớng họa thơ với nhiều văn nhân thi sĩ đương thời nên đời bà có nhiều mối tình; nhưng thường là kết cuộc dở dang không hiểu vì bà kén chọn hay duyên phận.
Từ những thơ chữ Hán, Nôm và thơ xướng họa của bà còn để lại, các nhà nghiên cứu cho rằng bà đã từng kết bạn thơ và bạn tình với các danh sĩ: Mai Sơn Phủ, Tốn Phong Thị, Trần Quang Tĩnh, Trần Phúc Hiễn, Trần Ngọc Quán và nhất là mối tình đầu với thi hào Nguyễn Du.
1) Xuân Hương là con ông Hồ Phi Diễn (1703 - 1786), người làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Khi ra dạy học ở Hải Dương, ông lấy người thiếp họ Hà và sinh ra bà, tục danh là Hồ Phi Mai. Vua Quang Trung, Hoàng Giáp Hồ Sĩ Đống, nữ sĩ Hồ Xuân Hương là cùng một thế thứ, đời thứ 12, có chung một ông tổ đời thứ 8 là Hồ Sĩ Anh.(1)
Bà sinh năm 1772 tại phường Khán Xuân, huyện Vĩnh Thuận, Thăng Long, Hà Nội. Sau khi cha chết, Hồ Phi Mai và mẹ về ở một ngôi nhà có gác ở Nghi Tàm, trên bờ Hồ Tây, đề biển là Cổ Nguyệt Đường, nhà dưới làm cửa hàng bán giấy bút và sách. Thuở nhỏ học với cha, cha mất sớm nên tài thơ của bà phần nhiều là do tự học.
Bà sống tự do độc lập, ít nghĩ đến lễ giáo khuôn phép, ít e lệ thẹn thùng như đa phần con gái khác. Bà có nhiều tình cảm và bạo dạn làm thơ bộc lộ ái tình đối với những kẻ văn nhân mà bà yêu mến. Bà kén chọn bạn tình tài năng, do vậy nhân duyên chậm trễ vì đa phần những văn nhân xứng hợp với bà thì đã có gia đình nên chỉ gây cho bà nhiều đau khổ khi phải lìa xa họ. Cuối cùng khi gần năm mươi tuổi mới làm thiếp (khoảng năm 1816) cho quan Tham hiệp trấn Yên Quảng tên Trần Phúc Hiễn. Hạnh phúc chỉ được ba năm thì quan Tham hiệp bị xử tử (1819) vì tội hối lộ. Bà mất khoảng hai năm sau đó (1821 - 1822), lúc ấy bà mới 50 hay 51 tuổi.
 
2) Cụ Hoàng Xuân Hãn cho rằng cuộc tình này xảy ra vào khoảng 1790 - 1793, lúc đó Nguyễn Du chừng 27-30 tuổi, còn Hồ Xuân Hương: 19-22 tuổi, và ông có cảm tưởng: "Nguyễn Du, trong khi viết nhiều câu Kiều, đã không khỏi nghĩ đến thân phận Xuân Hương thời niên thiếu". (1)
BS. Trần Ngọc Ninh củng cố thêm luận điểm của cụ Hãn, còn đoan chắc rằng hai người đã từng dắt tay nhau đi dạo cảnh Hồ Tây, và câu Kiều:
Ngày xuân lắm lúc đi về với Xuân (Kiều, câu 1294)
với chữ Xuân cuối câu là ám chỉ chính Hồ Xuân Hương. (2)
Hai người cũng đã có nhiều kỷ niệm với nhau trong cái thú vui tao nhã, thanh lịch của một cặp tài tử giai nhân mà Nguyễn Du đã tả lại trong Truyện Kiều:
Khi gió gác, khi trăng sân,
Bầu tiên chuốc rượu, câu thần nối thơ.
Khi hương sớm, khi trà trưa,
Bàn vây điểm nước, đường tơ họa đàn. (Kiều, câu 1295 - 1298)
 
Ba năm yêu nhau mà không thể tiến xa hơn vì ông chưa lập nên công danh sự nghiệp gì nên đành xa bà để về quê Hồng Lĩnh. Xuân Hương tiễn đưa ông qua bài Lưu biệt bạn khăn gói sang sông Nam, và viết nhiều bài thơ gửi ông. Về quê, Nguyễn Du cũng viết bài Ký Mông, Ký hữu ... nhớ Xuân Hương. (3)
 
3) Hai thập niên sau, Nguyễn Du có dịp làm chánh sư đi Trung Hoa (1813). Xuân Hương gởi bài thơ nôm nhắc lại mối tình xưa Hầu đã dan díu với mình trong ba năm, bộc bạch nỗi lòng và duyên phận rồi mong Hầu ghé thăm:
 
Cảm cựu Kiêm Trình Cần Chánh Học Sĩ Nguyễn Hầu
(Hầu, Nghi Xuân, Tiên Điền Nhân)
 
Dặm khách muôn nghìn nỗi nhớ nhung,
Mượn ai tới đấy gửi cho cùng.
Chữ tình chốc đã ba năm vẹn,
Giấc mộng rồi ra nửa khắc không.
Xe ngựa trộm mừng duyên tấp nập,
Phấn son càng tủi phận long đong.
Biết còn mảy chút sương siu (*) mấy (với),
Lầu Nguyệt (**) năm canh chiếc bóng chong.
 
Làm sao quên được người tình như Xuân Hương, nhưng bây giờ ông là chánh sứ, mọi người đều để ý từng hành động của ông:
Nghĩ mình phương diện quốc gia,
Quan trên nhắm xuống, người ta trông vào.
Vả lại khi làm quan triều Nguyễn, ông giữ thái độ rất cẩn thận dè dặt vì ông có người anh ruột là Nguyễn Nễ làm quan với Tây Sơn, anh rể là Võ Trinh bị xử trảm trong vụ án Nguyễn Văn Thuyên. Do vậy ông đành phụ lòng bà, nhưng trong lòng vẫn luôn day dứt nhớ.
 
4) Trên đường đi sứ về, Nguyễn Du đã ghé lại lò sứ Cảnh Đức ở Giang Tây để đặt làm đĩa sứ, bên trong trang trí hình cây mai và chim hạt với bài thơ lục bát chữ nôm do ông sáng tác, viết theo chiều dọc thành ba cột 6 - 2 - 6:
Nghêu ngao vui thú yên hà,
Mai là
bạn cũ, hạc là người quen.
 
Theo GS Trần Ngọc Ninh phỏng đoán, khởi đầu Nguyễn Du viết:
Mai là người cũ, hạc là bạn xưa. Nhưng thấy viết như thế lộ liễu quá (vì tên của Hồ Xuân Hương là Mai), nên xóa sáu chữ cuối đi và viết lại sang hàng bên cạnh : bạn cũ, hạc là người quen.

Sau này khi lìa Bắc Hà, ông có làm bài thơ năm đoạn theo thể bốn câu năm chữ, đầu đề là Mộng Đắc Thái Liên trong tập Nam Trung Tạp Ngâm, nhắc nhở đến hồi dan díu với bà:
 
Mộng Thấy Hái Sen
. . . .
Hoa sen ai cũng ưa,
Cuống sen chẳng ai thích.
Trong cuống có tơ mành,
Vấn vương không thể dứt.
 
Lá sen màu xanh xanh,
Hoa sen dáng xinh xinh.
Hái sen chớ đụng ngó,
Năm sau hoa chẳng sinh.
Phạm Khắc Khoan và Lê Thước dịch
 
"Hầu mượn chuyện sen để kín đáo nhắc lại tình quyến luyến giữa đôi bên, để luận người ta yêu cô nàng vì xinh, vì sắc, chứ không phải vì lòng nàng, bởi lòng nàng nhiều tình cảm, như ngó sen có nhiều tơ vướng víu. Còn Hầu:
Tiếc thay chút nghĩa cũ càng
Dẫu lìa ngó ý, còn vương tơ lòng." (Kiều, câu 2241 - 2242) (1)
 
5) Thơ bà lãng mạn, trữ tình, có trêu chọc nhưng thanh tao tế nhị (chẳng hạn bài"Thiếu Nữ Ngủ Ngày"), chứ không thô tục xàm xỡ, không nói lái. Những bài thơ quá dâm tục thô lỗ do người khác làm không dám nhận là của mình, cứ gán đại cho bà rồi chúng ta nhăm mắt khen hay vì đinh ninh là thơ của bà!! Các nhà nghiên cứu thời nay cố gắng san định lại thơ Hồ Xuân Hương để loại bỏ những bài không đúng với cốt cách, tài thơ của bà.
 
Thiếu Nữ Ngủ Ngày
 
Mùa hè hây hẩy gió nồm đông:
Thiếu nữ nằm chơi quá giấc nồng.
Lược trúc chải cài trên mái tóc,
Yếm đào trễ xuống dưới nương long. (***)
Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm,
Một lạch đào nguyên suối chửa thông.
Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt:
Đi thì cũng dở, ở không xong.
 
Phạm Đình Hổ (****) viết bài tựa tập thơ Lưu Hương Ký của bà có dẫn lời khen của Cư Đình, người cùng quận với bà: "Cổ Nguyệt Đường Xuân Hương, văn tài học rộng, nghèo mà mỹ lệ, ý lạ cao đẹp, làm thơ đúng luật mà thanh thoát vượt ngoài khuôn sáo, quả là một bậc tài nữ vậy." (4) 
T. V. Phê
(04/2006)
(theo hocxa.com)
 
Tài liệu tham khảo:
1) Hồ Xuân Hương với Vịnh Hạ Long, Hoàng Xuân Hãn tập III trang 934, NXB Giáo Dục, 1998.
2) Hồ Xuân Hương và Đoạn Trường Tân Thanh, Trần Ngọc Ninh, Thế Kỷ 21 số 193 May 2005, trang 34.
3) Hồ Xuân Hương, nàng là ai?, Phạm Trọng Chánh, Khởi Hành 46, tháng 8/2000, trang 14.
4) Số mạng của văn chương, Trần Lam Giang, Khởi Hành 70, tháng 8/2002, trang 14.
5) Hồ Xuân Hương Tác Phẩm, Nguyễn Ngọc Bích, Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ, 2000.
(*) GS Hoàng Xuân Hãn giải nghĩa: sương siu = bịn rịn. Trần Ngọc Ninh, Thái Văn Kiểm, Trần Thanh Mại và Nguyễn Lộc đều cho ba chữ cuối câu bảy là "sương đeo mái": sương đeo ở mái nhà, có nghĩa: nhớ đến người con gái đã được thương yêu lúc trước.
(**) Lầu Nguyệt nghĩa đen là lầu trăng, ám chỉ Cổ Nguyệt Đường nơi Xuân Hương ở.
(***)  Từ cũ chỉ cái ngực.
(****) GS Hoàng Xuân Hãn cho tác giả bài tựa tập Lưu Hương Ký là của Tốn Phong Thị.
 

 
Mời xem thêm :
Hồ Xuân Hương cô hàng bán sách phố Nam thành Thăng Long (1804-1807) - TS. Phạm Trọng Chánh
Khoảng 10 năm trước năm 1813 Tốn Phong đã đến thăm  Xuân Hương Hồ Phi Mai tại hiệu sách Xuân Hương, Phố Nam thành Thăng Long, thuở ấy nàng ở .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét