....Tuy nhiên sự phát triển của xã hội loài người là hoàn toàn
nhờ vào sự giúp đỡ lẫn nhau giữa mọi người. Một khi chúng ta mất đi lòng nhân cơ
bản vốn là nền tảng ấy của mình, thì ích lợi gì khi chỉ mưu cầu sự tiến bộ vật
chất?...
Đạo Phật và dân
chủ
Dalai Lama,
Washington, D.C., tháng 4 năm 1993
Trần Quốc Việt dịch
Trong suốt hàng ngàn năm người ta đã
lầm tưởng rằng chỉ có tổ chức chuyên chế sử dụng những biện pháp kỷ luật cứng
rắn mới có thể trị vì được xã hội con người. Tuy nhiên, vì mong muốn tự nhiên
của con người là được tự do, cho nên trong suốt chiều dài lịch sử lực lượng tự
do và lực lượng trấn áp xung đột không ngừng lẫn nhau. Ngày nay rõ ràng là lực
lượng nào đang thắng. Sự xuất hiện các phong trào quyền lực của nhân dân lật đổ
các chế độ độc tài tả và hữu đã chứng minh hiển nhiên rằng nhân loại không thể
nào chấp nhận chế độ độc đoán và cũng không thể nào hoạt động tốt được dưới chế
độ ấy.
Tuy trong các xã hội Phật giáo không có
xã hội nào phát triển được điều gì tương tự như nền dân chủ trong hệ thống chính
quyền của họ, nhưng bản thân tôi lại rất khâm phục nền dân chủ thế tục. Thời Tây
Tạng còn tự do, chúng tôi coi trọng sự biệt lập tự nhiên của mình, tưởng lầm
rằng chúng tôi có thể duy trì được sự thanh bình yên ổn như thế mãi. Do vậy,
chúng tôi không màng gì đến những thay đổi diễn ra ở thế giới bên ngoài. Chúng
tôi hầu như không nhận thức khi Ấn Độ, một trong những nước láng giềng gần gũi
chúng tôi nhất, sau khi giành được độc lập một cách êm ả, đã trở thành một nước
dân chủ lớn nhất trên thế giới. Về sau chúng tôi mới cay đắng nhận ra rằng trên
trường quốc tế hay ở trong nước tự do là điều ta nên chia sẻ và tận hưởng cùng
với người khác, chứ không giữ riêng cho mình.
Tuy những người Tây Tạng bên ngoài Tây
Tạng giờ chỉ còn là những thân phận tỵ nạn, nhưng chúng tôi vẫn có tự do thực
thi các quyền của mình. Trong khi đó, dù được sống trên quê hương, các anh chị
em chúng tôi ở Tây Tạng thậm chí không có cả đến quyền sống. Cho nên trong chúng
tôi những ai sống lưu vong đều có trách nhiệm nghĩ đến và phác họa ra tương lai
của Tây Tạng. Vì thế, trong suốt nhiều năm qua và bằng nhiều phương tiện khác
nhau chúng tôi đã cố gắng đạt đến mẫu mực của nền dân chủ đích thực. Điều này
được chứng minh qua sự am hiểu tường tận của tất cả người Tây Tạng lưu vong về
từ “dân chủ”.
Từ lâu tôi đã mong đợi đến ngày chúng
tôi có thể nghĩ ra hệ thống chính trị phù hợp với truyền thống của chúng tôi và
với những đòi hỏi cấp bách của thế giới hiện đại. Một nền dân chủ có cội rễ là
bất bạo động và bình an. Chúng tôi mới đây đã khởi sự những thay đổi nhằm sẽ dân
chủ hoá hơn nữa để làm cho chính quyền lưu vong của mình thêm vững chắc. Vì
nhiều lý do, tôi đã quyết định tôi sẽ không lãnh đạo hay đóng vai trò gì trong
chính phủ khi Tây Tạng được độc lập. Nhà lãnh đạo tương lai của chính phủ Tây
Tạng phải là người được đa số nhân dân bầu lên. Sự khởi đầu như thế sẽ mang đến
nhiều điều lợi ích và nhờ bước đi ban đầu như thế chúng tôi sẽ có thể trở thành
một nước dân chủ thật sự và hoàn toàn. Tôi hy vọng những bước ban đầu này sẽ cho
phép nhân dân Tây Tạng có tiếng nói rõ ràng trong việc quyết định tương lai của
nước mình.
Sự dân chủ hoá của chúng tôi đã mở rộng
đến những người Tây Tạng trên khắp thế giới. Tôi tin những thế hệ tương lai sẽ
coi những thay đổi này thuộc về những thành tựu quan trọng nhất trong đời lưu
vong của chúng tôi. Hoàn toàn giống như sự du nhập đạo Phật vào Tây Tạng đã hun
đúc nên quốc gia chúng tôi, tôi tự tin rằng sự dân chủ hoá xã hội sẽ tăng thêm
sinh lực cho nhân dân Tây Tạng và giúp các thể chế ban ra những quyết định quan
trọng có thể phản ánh được những nhu cầu và nguyện vọng thật sự của nhân
dân.
Tư tưởng cho rằng con người có thể sống
chung tự do với nhau như những cá nhân, bình đẳng về nguyên tắc và vì thế có
trách nhiệm lẫn nhau, về cơ bản là hợp với Phật tánh. Là Phật tử, những người
Tây Tạng chúng tôi tôn kính nhân sinh như quà tặng quý giá nhất và tôn trọng
triết học và lời dạy của đức Phật như con đường đưa đến hình thái tự do cao quý
nhất. Đây là mục tiêu mọi người dù nam hay nữ đều nên đạt đến.
Đức Phật thấy mục đích thật sự của cuộc
đời là hạnh phúc. Người cũng thấy tuy vô minh trói buộc chúng sinh trong triền
miên phiền não và khổ lụy, nhưng trí huệ Bát nhã soi sáng con đường giải thoát.
Dân chủ hiện đại được dựa trên nguyên tắc rằng tất cả mọi người cơ bản đều bình
đẳng, rằng mỗi người trong chúng ta đều bình đẳng về quyền sống, tự do, và hạnh
phúc. Đạo Phật cũng thừa nhận mọi người ai ai cũng đều có nhân phẩm, và tất cả
những thành viên trong gia đình nhân loại đều có quyền tự do bình đẳng và bất
khả xâm phạm, không chỉ về tự do chính trị, mà còn ở mức độ tự do cơ bản là
thoát khỏi cảnh đói nghèo và sợ hãi. Không phân biệt kẻ giàu người nghèo, kẻ có
học hay người vô học, người nước này hay nước khác, người theo tôn giáo này hay
tôn giáo khác, người trung thành với ý thức hệ này hay ý thức hệ khác, mỗi người
trong chúng ta đều vẫn chỉ là một con người như bao con người khác. Không những
tất cả chúng ta đều mong muốn hạnh phúc và tìm cách tránh đau khổ, mà mỗi người
trong chúng ta còn có quyền bình đẳng để mưu cầu những mục tiêu này.
Thể chế đức Phật sáng lập ra là Sangha
hay tăng đoàn, hoạt động theo đường lối chủ yếu dân chủ. Bên trong giáo đoàn
này, cho dù giai cấp xã hội hay đẳng cấp xuất thân nào chăng nữa, mọi cá nhân
đều bình đẳng. Khác biệt rất nhỏ duy nhất về địa vị phụ thuộc vào tuổi thọ giới.
Tự do cá nhân, thể hiện qua sự giải thoát hay giác ngộ, là trọng tâm chính của
toàn thể cộng đồng và được đạt đến nhờ tu tâm qua thiền quán. Tuy nhiên, quan hệ
hằng ngày với nhau diễn ra trên nền tảng của lòng quảng đại, sự tương kính, và
hoà nhã. Khi theo đuổi cuộc đời xuất gia, chư tăng đã lánh xa mọi lo toan của
cải. Song họ không sống hoàn toàn biệt lập. Tục lệ khất thực chỉ để cho họ ý
thức sâu sắc hơn sự phụ thuộc của họ vào người khác. Trong cộng đồng này mọi
quyết định đều thông qua bằng lá phiếu và mọi khác biệt đều được giải quyết qua
sự đồng thuận. Như thế Sangha là mẫu mực về sự bình đẳng xã hội, cùng chia sẻ
tài sản chung và quá trình dân chủ.
Đạo Phật về cơ bản là giáo lý thực tế.
Khi bắt đầu giải quyết vấn đề đau khổ của con người, đạo phật không khẳng định
chỉ có một lời giải duy nhất. Do xác định con người vốn khác biệt nhau rất nhiều
về nhu cầu, bản tánh và tài năng, nên đạo Phật thừa nhận có nhiều con đường đưa
đến an lạc và hạnh phúc. Là cộng đồng tinh thần, sự gắn bó của cộng đồng bắt
nguồn từ ý nghĩa hợp nhất của tình anh chị em. Đạo Phật đã trường tồn trong suốt
hơn hai ngàn năm trăm năm tuy không có bất kỳ tổ chức lãnh đạo trung ương chính
thức rõ ràng nào. Đạo Phật đã phát triển thành nhiều hình thức đa dạng, trong
khi đó, nhờ tu tập, đạo đã không ngừng hiểu mới những lời giảng dạy căn bản của
đức Phật. Muôn nẻo đường đưa đến đạo này, đều do chính các cá nhân chịu trách
nhiệm, rất hợp với quan điểm dân chủ.
Chúng ta ai ai cũng muốn tự do, nhưng
con người nổi bật là nhờ ở thông minh. Là người tự do chúng ta có thể dùng sự
thông minh duy nhất này để cố gắng hiểu mình và hiểu đời. Đức Phật dạy rất rõ
ràng ngay cả các Phật tử không nên tiếp nhận mà không suy nghĩ lời dạy của
Người, mà phải suy xét và kiểm chứng những lời dạy ấy như người thợ kim hoàn thử
chất lượng của vàng. Nhưng nếu chúng ta bị ngăn cấm không được dùng đến khả năng
phân biệt và óc sáng tạo của mình, thì chúng ta đánh mất đi một trong những đặc
trưng cơ bản của con người. Vì thế, tự do chính trị, xã hội và văn hoá mà nền
dân chủ tạo ra có giá trị và tầm quan trọng vô cùng.
Không có hệ thống chính quyền nào hoàn
thiện, nhưng dân chủ lại gần gũi nhất với bản chất cơ bản của con người. Dân chủ
cũng là nền tảng trên đấy con người có thể dựng lên cấu trúc chính trị công bằng
và tự do trên phạm vi toàn cầu. Cho nên vì quyền lợi của tất cả chúng ta những
ai trong chúng ta đang hưởng dân chủ nên tích cực ủng hộ quyền được hưởng dân
chủ như thế của tất cả mọi người.
Mặc dù chủ nghĩa cộng sản theo đuổi
nhiều lý tưởng cao quý, trong đó có sự xả thân quên mình, nhưng nỗ lực của tầng
lớp cầm quyền cao nhất để áp đặt quan điểm của họ đã gây ra bao thảm khốc. Những
chính quyền này đã tìm đủ mọi cách nhằm kiểm soát xã hội và xúi dục nhân dân của
họ làm việc vì lợi ích chung. Ban đầu tổ chức theo đường lối cứng rắn có thể cần
thiết để đánh bại được các chế độ áp bức cũ. Tuy nhiên một khi mục tiêu ấy đã
đạt được, sự cứng rắn như thế lại đóng góp rất ít vào công cuộc xây dựng xã hội
thật sự hợp tác. Chủ nghĩa cộng sản đã thất bại hoàn toàn vì nó dựa vào vũ lực
để cổ vũ cho niềm tin của mình. Cuối cùng, bản chất con người không thể nào chịu
đựng mãi đau khổ do chủ nghĩa này gây ra.
Vũ lực tàn bạo, dù có được áp dụng mạnh
mẽ đến đâu chăng nữa, vẫn không bao giờ có thể dập tắt nổi niềm mơ ước tự do căn
bản ở con người. Hàng trăm ngàn người xuống đường ở các thành phố Đông Âu đã
minh chứng điều này. Họ chỉ thể hiện nhu cầu tự do và dân chủ của con người.
Những đòi hỏi của họ chẳng có liên quan gì đến ý thức hệ mới nào; họ chỉ muốn
bày tỏ niềm ao ước tự do chân thành của mình. Không như các chế độ cộng sản
tưởng rằng ngưòi ta chỉ cần có cơm ăn, áo mặc, và nơi ở, là đủ. Bản chất sâu xa
hơn trong con người còn đòi hỏi chúng ta phải thở được khí trời tự do quý
giá.
Các cuộc cách mạng ôn hoà ở Liên Xô và
Đông Âu cũ đã cho chúng ta nhiều bài học lớn. Một bài học về giá trị của sự
thật. Người ta không ai thích bị bắt nạt, bị lường gạt hay bị lừa dối dù bởi cá
nhân hay chế độ. Những hành động như thế đi ngược lại tinh thần cơ bản của con
người. Vì vậy, những ai thực hành sự gian dối và dùng đến vũ lực có thể đạt được
thành công đáng kể ngắn hạn, nhưng rồi cuối cùng họ nhất định sẽ bị lật
đổ.
Sự thật là người bảo đảm tốt nhất và là
nền tảng thật sự của tự do và dân chủ. Không quan trọng là ta yếu hay ta mạnh
hay sự nghiệp ta đeo đuổi có ít hay nhiều người theo, sự thật vẫn luôn luôn
thắng. Mới đây, nhiều phong trào tự do thành công đều dựa trên sự bày tỏ chân
thật những tâm tư căn bản nhất của con người. Đây là một sự nhắc nhở quý giá
rằng chính sự thật vẫn hiện đang thiếu trầm trọng trong đa phần cuộc sống chính
trị của chúng ta. Nhất là trong sự hành xử trong các quan hệ quốc tế chúng ta
lại càng rất ít tôn trọng sự thật. Tất yếu, các nước yếu hơn bị các nước mạnh
hơn nhào nặn và lấn áp, tựa như những thành phần yếu thế trong đa số các xã hội
chịu đau khổ dưới tay của thành phần giàu có hơn và quyền thế hơn. Trong quá
khứ, sự bày tỏ sự thật đơn thuần thường bị bỏ qua vì xem là không thực tế, nhưng
những năm vừa qua này đã chứng minh sự thật là một sức mạnh vô cùng lớn trong
tâm hồn con người và, từ đấy, tạo ra sức mạnh vô cùng lớn quyết định dòng chảy
của lịch sử.
Khi chúng ta đến gần cuối thế kỷ hai
mươi, chúng ta nhận ra rằng thế giới ngày càng thu nhỏ lại và mọi người trên thế
giới càng nép lại bên nhau như trong cùng một cộng đồng. Chúng ta cũng tự đến
gần nhau hơn qua những vấn đề nghiêm trọng chúng ta cùng đối diện: bùng nổ dân
số, cạn kiệt tài nguyên, và khủng hoảng môi trường mà đe doạ đến chính nền tảng
tồn tại trên hành tinh nhỏ bé chúng ta cùng chung sống này. Tôi tin để đương đầu
với thử thách ấy, con người sẽ phải hình thành ý thức trách nhiệm phổ quát lớn
lao hơn. Mỗi người trong chúng ta phải học để nổ lực không chỉ riêng cho bản
thân, gia đình, quốc gia mình, nhưng cũng vì cho lợi ích chung của tất cả nhân
loại. Trách nhiệm phổ quát là nhân tố thật sự rất quan trọng cho sự tồn vong của
con người. Trách nhiệm ấy là nền tảng tốt nhất cho nền hoà bình thế giới, sự sử
dụng bình đẳng tài nguyên, và bảo vệ tốt môi trường.
Nhu cầu hợp tác cấp thiết này chỉ tăng
thêm sức mạnh cho nhân loại, bởi lẽ nhu cầu ấy giúp chúng ta thừa nhận rằng nền
tảng vững bền nhất cho nền trật tự thế giới mới không phải đơn thuần là các liên
minh chính trị và kinh tế rộng mở hơn, mà chính là sự thực hành đích thực tình
thương yêu và lòng từ bi ở từng cá nhân. Những phẩm hạnh này là suối nguồn hạnh
phúc cao quý nhất của con người, và nhu cầu thương yêu và từ bi ấy chính là cốt
lõi đời người chúng ta. Thực hành lòng từ bi thực ra không phải là sự biểu hiện
lý tưởng không tưởng, nhưng là cách hữu hiệu nhất để theo đuổi quyền lợi tốt
nhất cho người khác và cho mình. Dù là cá nhân hay quốc gia, chúng ta càng phụ
thuộc vào người khác bao nhiêu thì vì quyền lợi tốt nhất của chính mình chúng ta
càng nên tạo ra hạnh phúc cho họ.
Dù nền văn minh trong thế kỷ này đã
tiến rất nhanh, tôi vẫn tin nguyên nhân trực tiếp nhất của vấn đề nan giải hiện
nay là chúng ta đã quá nhấn mạnh chủ yếu vào sự phát triển vật chất. Chúng ta
quá bận tâm đến sự mưu cầu vật chất đến độ ngay cả không biết rằng chúng ta đã
không khích lệ nhu cầu căn bản nhất ở con người tức thương yêu, nhân ái, hợp tác
và tương trợ. Nếu chúng ta không biết ai hay không cảm thấy gắn bó với nhóm hay
cá nhân cụ thể nào, chúng ta đâu quan tâm đến nhu cầu của họ. Tuy nhiên
sự phát triển của xã hội loài người là hoàn toàn nhờ vào sự giúp đỡ lẫn nhau
giữa mọi người. Một khi chúng ta mất đi lòng nhân cơ bản vốn là nền tảng ấy của
mình, thì ích lợi gì khi chỉ mưu cầu sự tiến bộ vật chất?
Trong hoàn cảnh hiện nay, không ai có
thể trông mong người khác sẽ giải quyết vấn đề thay cho mình. Mỗi cá nhân đều có
trách nhiệm góp phần hướng dẫn đại gia đình toàn cầu của chúng ta đi theo chiều
hướng đúng và chúng ta phải gánh vác trách nhiệm ấy. Điều chúng ta nhắm đến
chính là sự nghiệp chung của cả xã hội. Nếu xã hội nói chung thịnh đạt, thì tự
nhiên mỗi cá nhân hay tập thể trong xã hội đều có lợi. Còn nếu xã hội nói chung
suy sụp, thì chúng ta còn biết mong vào đâu để đấu tranh và đòi hỏi các quyền
của mình?
Riêng tôi, tôi thật sự tin cá nhân có
thể có ảnh hưởng tích cực đến xã hội. Là nhà sư Phật giáo, tôi cố gắng phát tâm
từ bi của mình -không chỉ từ quan điểm tôn giáo, mà cũng từ quan điểm nhân đạo.
Nhằm khuyến khích mình hướng đến thái độ vị tha này, đôi khi tôi thấy hữu ích
khi hình dung mình, một cá nhân đứng riêng lẻ ở một bên, còn phía bên kia là cả
một đám đông vô cùng lớn gồm tất cả những người khác . Rồi tôi tự hỏi: “Quyền
lợi của ai quan trọng hơn?” Đối với tôi câu trả lời rất rõ ràng là, dù tôi cảm
thấy mình quan trọng thế nào chăng nữa, tôi vẫn chỉ là một, còn họ là đa
số.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét