Thứ Hai, 9 tháng 2, 2015

DẤU MŨ TRONG TỪ VIỆT

DẤU MŨ TRONG CHỮ QUỐC NGỮ
Nguyễn Phước Đáng, San Jose



Dấu mũ là một ký hiệu hình nón lá [^], đặt trên chữ cái a hay o và e để chế thêm âm cho chữ quốc ngữ. Mẫu tự la-tinh không có các âm này.
Đặt trên a là chế thêm được âm â (qui ước đọc tên và âm của â là /ớ/)
Đặt trên o là chế thêm được âm ô (đọc giống như tiếng Bắc /ô/ = /dù/. Dù, tiếng Nam, có nghĩa là vật dùng để che mưa che nắng).
Đặt trên e là chế thêm được âm ê (đọc giống như tiếng ê ẩm).
Do vậy, dấu mũ có khi được gọi là dấu ớ, nếu nó được đặt trên /a/ hoặc gọi là dấu ô, nếu nó được đặt trên /o/ hoặc gọi là dấu ê, nếu nó được đặt trên e nghĩa là người ta còn gọi dấu mũ theo tên âm mới được chế tạo.
Gọi là dấu mũ, chắc nhà ngôn ngữ đầu tiên đặt cho nó cái tên đó là người Bắc vì người Nam gọi hình dạng nầy [^] là nón lá, hay mái nhà, chứ không gọi là mũ. Vả lại, hình dáng đó không phải là mũ. Cái mũ, vật đội trên đầu, không có hình dạng đó. Quí vị Bắc Kỳ có thấy như vậy không?
Năm 1997, tôi bắt đầu tập tành viết lách để tiêu pha thì giờ thừa mứa của tuổi già sống trên đất Mỹ nầy, để khuây khoả nỗi buồn nhớ quê nhà. Ban đầu viết để mình đọc, rồi bắt bén gởi đăng báo, rồi bạn bè xúi dại gom lại in thành sách. Hơn sáu mươi tuổi đầu rồi, có vắt con tim như vắt áo quần cũng chẳng tìm được một giọt máu háo thắng nào nhưng tôi cũng mù mịt nghe lời xúi dại của bạn văn để thân già còm cõi nầy cứ lún sâu mãi vào nghiệp dĩ văn chương mà người nào may mắn lắm thì khi vùi nông dưới 3 tấc đất rồi hoạ hoằn mới có người nhắc tới.
Lúc mới viết, tôi tưởng dễ dàng nên viết trật chính tả tùm lum. Kỹ thuật viên của nhiều tờ báo hoặc hững hờ, lười biếng hoặc nghĩ rằng ai nhào vô nghề văn bạc bẽo này đều giỏi chính tả nên để nguyên con những lỗi đó của tôi nằm chình ình trên mặt báo. Thật ra cũng không phải nhiều lắm đâu nhưng lượm gom khắp nơi lại, sắp chung một chỗ trên trang giấy viết thư 8.5 x 11 thì trông cũng nhiều. Mười bài viết lúc đầu của tôi, đếm đi đếm lại có đâu chừng 20 lỗi chính tả. Trong đó có chừng hơn phân nửa là lỗi về dấu hỏi dấu ngã. Nhiều độc giả, trong đó có những người đọc thường và một số là nhà văn, nhà báo, nhà giáo, đều rộng lượng bỏ qua cho tôi. Nhưng xui xẻo, có một “học giả” khắt khe, nặng lời sỉ vả tôi, khi ổng thấy chữ Nửu-ước, Gia-nả-đại, giẩy (đành đạch), cải (vã), đở (túi), tỉnh (bơ), (nghĩ) kỷ,... mà tôi viết với dấu hỏi cùng những chữ khác như: hăn (hái), (tóm) lượt, lòng (ngực), (khuyên) răng, cốc (nhái), (mạt) xác, (rời) rạt, (đường) mươn, dấudiếm,... Chỉ cần gom lại thành một đống rồi kê ra trên mặt báo, không cần phê phán gì thêm cũng đủ ê mặt người viết rồi. Đàng này, ông “học giả” đó ngoài chuyện tuyển chọn gom lại đưa lên báo mà còn mạt sát hết lời. Ông dặn “...toà báo (khi đăng bài của NgPhĐ) nên chua thêm hàng chữ 'trẻ em không nên đọc hay là cần có cha mẹ kềm cặp khi đọc bài này'...” Thấy mấy bài sau, tôi viết trúng chữ mạt sát, ông nhắc nhở tôi: “...ông hãy theo đúng đạo lý thánh hiền, mỗi lần viết đến (hai chữ) mạt sát phải gọi tên thầy: ‘cám ơn thầy HVTr’ một tiếng”. Ông nhắc tôi như vậy vì mấy chữ khác thì ông có nói miễn, còn hai chữ mạt sát thì ông không nói miễn câu “nhất tự vi sư bán tự vi sư”. Ông viết đến 3-4 bài báo kể tội tôi viết sai chính tả, khuyên tôi “đừng nên viết nữa cho đến khi được một thầy giáo chính thống VNCH nhận đỡ đầu cho về lỗi chính tả” vì tôi viết sai chính tả như vậy là “làm nhục nhã cho các thầy cô giáo,... làm nhục nhã cho cả tổ quốc bốn năm ngàn năm văn hiến”. Tội lớn như vậy, tôi nghĩ, nếu ra toà án binh chắc phải thọ án tử hình hoặc chung thân. Tôi không viết đùa đâu! Đọc sách “Ngoài Cổng Lâu Đài” của tôi xuất bản năm 2000, quí vị sẽ thấy ba bài viết đó của vị “học giả” có tên tuổi đàng hoàng.
Bị sỉ vả và được khuyên như vậy, tôi định bụng sẽ nghe lời ông “học giả” mà nghỉ viết nhưng bạn văn của tôi lại khuyên đừng. “Ông bạn vàng” của tôi nói:
- Một ông vừa là nhà văn vừa là nhà báo có bằng Master (Cao học = Phó Tiến Sĩ = Thạc sĩ) viết trong một bài báo câu “Nuôi ong tay áo, nuôi khỉ dòm nhà” mà cũng đâu có sao. Ông mắc cỡ mà làm gì? Từ rày cẩn thận chính tả một chút là được rồi...
Tôi nghe lời bạn, trang bị cho mình bộ nhu liệu VNI. Tôi cài đặt . Tôi lên sẵn từ điển VNI để khi nào nghi ngờ chữ nào, tôi bật lên ngay, tra liền. Cẩn thận hơn, viết bài xong, tôi bấm cho máy sửa chính tả cái rẹt từ đầu đến cuối một lần nữa. Bài viết của tôi qua ba lần sửa chính tả, trong đó có hai lần bằng máy. Bạn đoán xem, tôi còn trật chính tả không?
- Thưa, còn! Tôi viết “lễ lạc”. Trong đầu nghĩ rằng “lễ” phải vui. Vậy “lạc” (có nghĩa là vui) đi theo “lễ” cũng phải vui. Vậy “lạc” phải viết /c/ phía sau mới đúng. Suy nghĩ "lô-gích" quá, phải không các bạn? Mình không nghi ngờ gì hết nên không bật từ điển lên tra. Mình lại tin vào máy, nếu sai nó sẽ tự động sửa ngay lúc mình đang đánh máy chữ. Lần đó, tôi không nhờ máy sửa chung kết (sửa lần sau cùng toàn bài khi viết xong) nên tôi bị sai chính tả chữ lễ lạt, viết /t/ mới đúng.
Chuyện buồn cười là máy cũng quên, cũng xao lãng. Mình đã “xết-ấp” tự động sửa chính tả mà nó không chịu tự động làm, chờ đến khi mình bấm máy nhắc sửa toàn bài nó mới nhớ ra. Máy nó không hoàn chỉnh được như mình nghĩ đâu! Máy chỉ sửa được chữ nào có chính tả duy nhứt và chữ đôi (viết có gạch nối) mà nó hiểu nghĩa mà thôi. Có nhiều chữ nó sửa thành ra trật nữa. Con chim gi, nó sẽ tự động sửa thành chim di. Câu viết này “chúng sanh sanh vào thời mạt pháp” nó sửasanh thành xanh hết vì mình viết không có dấu nối giữa chúng và sanh nên nó tưởng là màu xanh xanh. Máy suy tư theo máy. Nó có lý của nó. Nhưng nhiều cái bất ngờ không lường trước được, nó làm mình chới với. Đừng tin nó 100%. Nó hỗ trợ mình được nhiều việc nhưng mình vẫn phải coi chừng.
Nhờ ông “học giả” khó tánh, từ đó tôi thủ thế, sợ có tội với dân tộc có 5 ngàn năm văn hiến nên tôi trang bị cùng mình. Do vậy mà bây giờ tôi bớt phạm lỗi chính tả. Bớt rất nhiều nhưng không dám chắc là đã hết!
Bớt phạm lỗi, rồi đâm ra méo mó đôi mắt, tôi ưa thấy người khác bị lỗi chính tả, đến cái độ giống như thổi lông tìm vết vậy.
Mấy lúc gần đây tôi thấy dấu mũ, tôi muốn nói tới dấu [^] (= dấu /ớ/), hơi bị lạm phát. Người ta lấy nó đặt vô tội vạ trên vần ay, au. Gặp chữ nào có ay, au phía sau là người ta chụp chiếc nón lá lên đầu a ngay: Trà tầu, tầu hoả, Vũng Tầu, tầu lá, một con ngựa đau, cả tầu không ăn cỏ, mầu áo,...; dậy học, đi dậy, mất dậy...; bầy biện, số bẩy,chẩy nhão, xẩy ra, nhẩy múa, đầy ải...
Những chữ nầy đã được nhiều người viết chứ không phải chỉ một người. Nếu cần chứng minh thì tôi có thể trưng ra tên tác giả, tên tác phẩm. Ngay trong bài nầy thì xin miễn chuyện đó.
Bệnh thêm dấu /ớ/ [^] đang lây lan tùm lum, độc giả dễ dàng tìm thấy hằng ngày trên sách báo.
Bấm từ điển Lê Ngọc Trụ – Lê Văn Đức trên computer, tôi không tìm thấy chữ tầu (có dấu ^). Tào /o/ thì có. Tào lao, Tào Tháo là /o/ đó!
Chữ /tàu/ ta đang dùng có nhiều nghĩa:
1- /Tàu/, chỉ những gì thuộc về nước Trung Hoa: Ba Tàu, trà Tàu, Tàu Chợ Lớn, chú chệt về Tàu,...;
2- /Tàu/, chỉ chiếc ghe lớn có gắn máy hay buồm đi trên sông, trên biển: Tàu buồm, giặc Tàu Ô, tàu chiến, Vũng tàu (chỗ tàu đậu),...;
3- /Tàu/, chỉ bẹ lá: Tàu chuối, tàu cau,...;
4- /Tàu/, chỉ chuồng ngựa: Cạn tàu ráo máng.
Tất cả đều không có dấu /ớ/ [^].
Tôi nghĩ, ta có thể chọn một hay hai chữ "tàu" trong số 4 nghĩa kể trên như Tàu có nghĩa là Trung Hoa, đổi thành Tầu, chứ đừng mỗi người tự ý chuyển đổi thành tầu sạch trơn như đang xảy ra. Nói vậy nhưng mình đừng đơn phương làm, cần hội ý, góp ý với nhau coi nên chọn chữ "tàu" nào mà cho thêm dấu ^, bằng cách viết bài đề nghị, gợi ý trên sách báo.
Mầu (có dấu ^) thì có nhưng đó là: nhiệm mầu, phép mầu, thị Mầu. Còn màu sắc, màu mỡ, màu mè, da màu,... đâu viết có dấu ^ được.
Dậy (có dấu ^) thì có nhưng đó là: đứng dậy, dậy giặc, nổi dậy, dậy mẩy, dậy thì... Mình đang có "dạy" và "dậy" phân biệt chữ và nghĩa rõ ràng, khác chính tả, khác nghĩa. Hà cớ gì, tội tình gì, mình đẩy "dạy" qua "dậy" luôn. Thực tế, hầu hết chúng ta nói dạy học, đi dạy, dạy dỗ với âm ay nhẹ nhàng, có cứng hơn âm ai nhưng không nặng như âm ây. Có lẽ chỉ khi nào quạu lắm ta mới thêm dấu ^/ớ/ cho hả cơn giận mà thôi: “Trời ơi! Đồ mất dậy!” (Và chỉ nên dùng tiếng /dậy/ trong câu nói chứ không phải chữ viết, chỉ viết “mất dậy” khi rất cần ghi lại trung thực lời của người đang cơn điên tiết giận hờn mà thôi)
Bầy (có dấu ^) cũng có, nhưng đó là bầy cừu, bầy tôi, bầy trẻ, bầy hầy, bầy nhầy,... Cũng vậy, mình vừa có "bày" vừa có "bầy" khác chữ, khác nghĩa minh bạch. Vậy tại sao mình nhập một, cho thành "bầy" hết những từ: bày biện, trưng bày, bày hàng, giải bày, bày tỏ, bày đặt, bày trò, bày vẽ,...
Bẩy (có dấu ^) cũng có nhưng với nghĩa nâng lên: bẩy cột nhà, đòn bẩy hoặc với nghĩa ướt át, sình lầy: giậm bẩy đất ra. Còn số bảy, ba chìm bảy nỗi, thì không có dấu /ớ/ [^] được!
Trong chữ Việt không có "chẩy", chỉ có "chảy" mà thôi: chảy máu, nước chảy, trôi chảy,...
Cũng vậy, trong tiếng Việt chưa có chữ "xẩy", chỉ có "xảy" mà thôi. Tuy nhiên, cũng có người ngay lưỡi khít răng, xì hơi ra mà nói: “hết xẩy”. Chừng viết họ cuốn lưỡi lên viết “hết sẩy”. Tra từ điển thì quả thật đâu có “xẩy”, chỉ thấy “sẩy” mà thôi: sẩy tay, sẩy thai,...
Cũng vậy, tiếng Việt hiện đang dùng không có "nhẩy" (có dấu ^) chỉ có "nhảy" mà thôi. "Nhảy" được ghép chung với chừng gần 50 tiếng khác để tạo nên từ đôi, từ ba như: nhảy cẫng, nhảy dựng, nhảy xổm, nhảy đực, nhảy dù, nhảy cao, nhảy xa; nhảy cà tửng, nhảy lăng ba, nhảy lò cò...Tất cả đều không có dấu /ớ/ [^].
Đầy (có dấu ^) có trong tiếng Việt, nhưng đó là đầy đủ, đầy nhóc, đầy bụng, đầy tháng, đầy vun, đầy ứ, đầy tràn, đầy đặn, đầy dẫy... Còn đi đày, đày ải, đày xắt, đày tớ... thì không có dấu /ớ/ [^].
Cùng là dấu mũ nhưng dấu mũ ^ trên o, dấu /ô/, thì được dùng rất cẩn trọng. Không ai viết: nước trông veo, trông nhà ngoài ngõ (có dấu mũ) cả. Và cũng chẳng người nào lấy chiếc nón lá ^ ra khỏi đầu o của các chữ: trông chờ, bánh phồng, độc giả,... (Có lần tôi cho con cóc, họ hàng với con nhái, đội mũ thành con cốc, bị kết tội là làm nhục nhã giáo giới, làm nhục nhã dân tộc). Nhưng với dấu mũ ^ trên a, dấu /ớ/ [^], thì bây giờ nhiều nhà văn lại buông lơi để nó tự do muốn đáp xuống đâu cứ đáp. Nguy hiểm là bệnh đó đang bị lây lan, tôi thấy dường như hơi nhanh mà không ai lên tiếng ngăn cản cả.
Lạy trời! Mong những người thường thuận tay dùng dấu mũ trên a đừng xỉ vào mặt tôi mà mắng “Đồ vạch lá tìm sâu, thứ thổi lông kiếm (*) vết!”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét