Thứ Hai, 9 tháng 2, 2015

NGÔN NGỮ

" K LẠ" TRONG NGÔN NGỮ VIỆT
Lê Hữu

- Ai phụ trách khâu ẩm thực?
Câu ấy nghe được trong cuộc họp của các thầy cô giáo ở một trường dạy tiếng Việt cho trẻ em, bàn về việc tổ chức buổi picnic cho thầy cô và phụ huynh học sinh. Xin mạn phép có một hai ý như thế này:
Thứ nhất, câu ấy có sáu chữ thì hết bốn chữ là tiếng Hán-Việt (“phụ trách”, “ ẩm thực”).
Thứ hai, ba chữ cuối ở trong câu (“khâu”, “ẩm thực”) là những chữ “mới” du nhập “từ Bắc vô Nam” sau năm 1975.
Gi dụ học sinh nghe được câu ấy bèn giơ tay hỏi cô giáo ở trong lớp:
- “Ẩm thực” là gì thưa Cô?
- “Ẩm” là uống, “thực” là ăn. “Ẩm thực” là tiếng Hán-Việt, có nghĩa là “ăn uống”.
- Tiếng Hán-Việt là tiếng gì vậy Cô?
- Là tiếng Hán, tức là tiếng Trung quốc, đọc theo âm Việt.
- Vậy sao mình không nói “ăn uống” là tiếng của mình mà lại nói “ẩm thực” thưa Cô?
- . . .
Cô giáo chắc cũng hơi bối rối và cũng hơi khó trả lời, không lẽ lại nói là “Cô cũng không rõ nhưng nhiều người đều… nói vậy”.
Em học sinh ấy nói đúng. Tại sao người Việt ở trong nước và cả ở ngoài nước vẫn thích nói “ẩm thực” mà không chịu nói “ăn uống”? Có phải vì nói “ăn uống” nghe phàm tục, nói “ẩm thực” nghe thanh tao và “trí tuệ” (1) hơn chăng?
Trước năm 1975, người Việt ở miền Nam Việt Nam không nói “Ai phụ trách khâu ẩm thực?” mà có nhiều cách nói đơn giản hơn và dễ hiểu hơn, chẳng hạn: “Ai lo vụ ăn uống?” hoặc “Chuyện ăn uống ai lo?” hoặc “Thức ăn, thức uống ai lo?”…
Nếu cứ phải vay mượn tiếng Hán-Việt hoặc tiếng nước ngoài trong sinh hoạt hàng ngày trong lúc kho tàng tiếng Việt của chúng ta không hề thiếu thốn những chữ ấy thì thật khó mà thuyết phục các em tin được rằng “tiếng Việt giàu và đẹp” như chúng ta vẫn tự hào. (Đã gọi là “giàu” thì tại sao lại phải đi vay, đi mượn?!?). Những tiếng Hán-Việt nặng nề và tối tăm ấy hoàn toàn không giúp gì được cho việc “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” mà những người làm công tác giáo dục ở trong nước vẫn hô hào như là một khẩu hiệu trong số rất nhiều khẩu hiệu thuộc loại “nói mà không làm” hoặc “nói một đàng làm một nẻo” hoặc… “nói vậy mà không phải vậy”.
Những chữ nghĩa kiểu ấy khá phổ biến đến mức xâm nhập cả vào các trường dạy tiếng Việt là nơi dạy học trò nói đúng, viết đúng trong tinh thần “bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc”.
Dưới đây là một ít ví dụ và các đề nghị nói thế nào cho đúng, rõ nghĩa, dễ hiểu và “Việt ngữ” hơn (chỉ là câu mẫu, người đọc có thể cho những câu khác tốt hơn):
- Thay vì nói: “Cô giáo Mỹ Linh đứng lớp Năm” thì nên nói: “Cô giáo Mỹ Linh dạy lớp Năm” (không có… đứng, ngồi, nằm, quỳ chi cả).
- Thay vì nói: “Giáo viên cần soạn giáo án trước khi lên lớp” thì nên nói: “Thầy cô cần soạn bài giảng trước giờ dạy” (không có…lên, xuống, ra, vào chi cả).
- Thay vì nói: “Phụ huynh đăng ký cho con em học Việt ngữ thì nên nói: “Phụ huynh ghi tên (hay ghi danh) cho con em học tiếng Việt”.
- Thay vì nói: “Các em tiếp thu tương đối chậm” thì nên nói: “Các em hiểu chậm”.
- Thay vì nói: “Học sinh đi tham quan một xí nghiệp” thì nên nói: “Học sinh đi thăm một nhà máy”.
- Thay vì nói: “Ban văn nghệ sẽ tham gia biểu diễn (2) một tiết mục” thì nên nói: “Ban văn nghệ sẽ đóng góp một màn diễn (hay trình diễn)”.
- Thay vì nói: “Ban giảng huấn sẽ dự giờ đột xuất các lớp học của giáo viên” thì nên nói: “Ban giảng huấn sẽ bất ngờ vào lớp xem thầy cô giảng dạy”.
- Thay vì nói: “Lớp Vỡ Lòng chủ yếu tập trung vào khâu đánh vần” thì nên nói: “Lớp Vỡ Lòng cần nhất là dạy các em biết đánh vần”.
- Thay vì nói: “Cô giáo phát hiện em Nga có năng khiếu về môn Văn” thì nên nói: “Cô giáo nhận thấy em Nga có khiếu về môn Văn”.
- Thay vì nói: “Học sinh tranh thủ ôn tập trước giờ thi” thì nên nói: “Học sinh cố gắng ôn bài trước giờ thi”.
- Thay vì nói: “Tuyệt đại đa số các em tiếp thu tốt” thì nên nói: “Hầu hết các em hiểu bài”.
- Thay vì nói: “Cần nâng cao chất lượng (3) trong công tác giảng dạy” thì nên nói: “Cần phẩm hơn là lượng trong việc giảng dạy” hoặc “Cần dạy sao cho có kết quả”.......
Trên đây chỉ là một ít trong số khá nhiều câu cú, chữ nghĩa nghe “lạ tai” từ miền Bắc “xâm nhập” vào miền Nam Việt Nam và “bành trướng” ra tới hải ngoại.
“Tiếng Việt còn, nước Việt còn”, ở đâu ta cũng nghe câu ấy nhưng chắc không phải là thứ tiếng Việt kỳ quái hoặc “nửa Hán nửa Việt”, chẳng thấy “giàu” cũng chẳng thấy “đẹp”, chẳng thấy “trong” cũng chẳng thấy “sáng” (chỉ thấy… tối mò mò) và chắc cũng không phải là “Tiếng Việt mến yêu” mà chúng ta muốn “bảo tồn và phát huy” cho thế hệ con em mình.
Nói cho ngay, tiếng Việt chắc chắn là phải còn chứ đâu có dễ gì mất được. Có điều là đến một lúc nào đó, “tuyệt đại đa số” (1)(hay “tuyệt đại bộ phận” (1)) tiếng Việt đều có “chất lượng tối ưu” (1) như thế cả thì cái “còn” ấy kể cũng… ngậm ngùi!
Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời…. Mỗi lần nghe câu hát ấy là mỗi lần tôi lại phân vân tự hỏi: “Những ‘kẻ lạ mặt trong ngôn ngữ’ ấy có phải là ‘tiếng nước tôi’ (và những đứa cháu của tôi có phải ‘yêu’ chúng ‘từ khi mới ra đời’) hay không?” Nếu không thì chúng phải có một cái tên gì chứ? Tự điển tiếng Việt gần đây vừa có thêm một từ ngữ mới: “tàu lạ” được định nghĩa là “tàu Trung quốc”. Để cho dễ gọi, tôi cũng muốn đặt tên cho những “kẻ lạ mặt” ấy là “từ lạ”. Tương tự các biện pháp nhằm đối phó với các tàu lạ, chúng ta cần đề cao cảnh giác để “phát hiện” (1) kịp thời những từ lạ ngấm ngầm lẩn lút, trà trộn, xâm nhập vào phần đất của “Tiếng Việt mến yêu”. Chỉ khi nào tống khứ được những “từ lạ” thổ tả này đi chỗ khác chơi thì chúng ta mới mong trả lại sự “trong sáng” cho tiếng Việt.
'Tàu lạ' hay 'từ lạ' hay những 'kẻ lạ mặt' đều là những đối tượng cần truy đuổi.

Thứ Hai, ngày 20 tháng 1 năm 2014

THỬ LẠM BÀN VỀ CÂU ĐỐI


THỬ LẠM VỀ CÂU ĐỐI
Lê Trúc Chi

                     

Đối liễn, hoành phi, phan triệu … là những cách chơi chữ phong nhã của người Tàu và người Việt chúng ta. Trong bài này, chúng tôi chỉ xin lạm bàn về câu đối. Những câu đối hay ho, những câu đối có giá trị dĩ nhiên là những câu đối đã vận dụng tài tình, nhuần nhuyễn ngôn ngữ của dân tộc, đúng niêm và đúng luật. Hồi còn đi học, thầy tôi dạy: “Câu đối là hai câu chữ chỏi nhau, chỏi nhau về ý, về tự loại, về bằng trắc… Câu thượng (vế ra) là câu có vần trắc ở chữ cuối cùng, treo bên phải hoặc treo lên trên và câu hạ (vế đối) là câu có vần bằng ở chữ cuối cùng và được treo ở phía dưới hoặc bên trái.”
Theo truyền thuyết thì  câu đối có nguồn gốc từ thời Cổ Đại bên Tàu. Vào thời đó, hai vị Thần Đồ và Thần Uất Lũy xuất hiện dưới gốc một cây đào thần để bảo vệ dân gian, trừ ma ếm quỷ. Vua Hoàng Đế thấy vậy bèn truyền cho dân chúng lấy gỗ đào tạc hình hai vị thần đó treo ở hai bên cổng vào nhà để trừ tà ma. Tuy thế, việc viết chữ lên gỗ lại nở rộ vào thời Ngũ Đại sau khi vua thân hành viết hai câu : “ Tân niên nạp dư khánh – Gia tiết hào trường xuân.”   
Ở câu đối thì không có một cung cách nhất quán nào cả. Vế ra có thể dài hoặc ngắn tuỳ theo ý thích của người ra đối: năm  chữ, bảy chữ ... hoặc đôi khi chỉ võn vẹn có hai chữ như trong câu đối  “chả ngon” có nghĩa là không ngon, chẳng ngon tí nào và “chả ngon” còn có nghĩa là miếng chả ngon. Có người đã đối lại là  “đéo sướng” có nghĩa là không sướng tí nào cả và vế đối còn có ý nghĩa dung tục nhằm  chỉ việc làm tình thì sướng. Việc ra vế đối thì tùy ... tùy nghi, tùy tiện và tùy thích! Ra vế đối thì rất dễ, muốn ra thế nào thì ra, gặp tình huống nào thì phát biểu theo tình huống đó  nhưng việc đối lại thì là cả một vấn đề, người đối phải lựa lời, lựa chữ, chọn ý … sao cho “đối”.
Xin nhắc lại ở đây cuộc đối đáp kỳ thú của Lưỡng Quốc Trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chi trong dịp ông đi sứ sang Tàu như là một minh chứng. Vào khoảng năm 1314, ông được suy cử làm quan Chánh Sứ . Vì thời tiết xấu, phái đoàn của ông đến cửa ải chậm, quân Tàu đóng cửa không cho qua. Vốn không mấy phục sứ An Nam, lại thêm vị Chánh Sứ có thân hình khiêm nhượng (cụ Mạc rất lùn) nên viên quan trông coi cửa ải đặt điều kiện: sẽ mở cửa nếu quan Trạng An Nam đối được câu đối mà họ đặt ra. Viên quan trông coi cửa ải đọc:
 “Quá quan trì, quan quan bế, nguyện quá khách quá quan”.
(Xin tạm dịch: qua cửa quan chậm, cửa quan đóng, mời khách qua đường qua cửa quan)
Cái khổ nạn ở đây là chỉ võn vẹn 11 chữ mà có đến 4 chữ quan, vế ra lại chỉ đúng hoàn cảnh trong hiện tại và đang xảy ra.
Thật không ngờ cho mọi người hiện diện, quan Tàu vừa dứt lời thì quan Trạng An Nam dõng dạc đối lại :
        “Xuất đối dị, đối đối nan, thỉnh tiên sinh tiên đối”.
 (Xin tạm dịch: ra đối thì dễ, đối câu đối mới khó, xin tiên sinh đối trước)
Vế đối 11 chữ mà có 4 chữ đối. Viên quan giữ ải của Tàu kính phục tài đối đáp mẫn tiệp của sứ thần nước ta nên thân hành mở cửa mời phái bộ của ta quá cảnh.
Có những câu đối thuộc loại để đời, lâu lâu đọc lại, thấy lý thú quá! Ví dụ: ngày xưa, khi trong nhà có người qua đời, tang gia thường đến xin các cụ cử Nho học trong vùng những câu đối để thờ trên bàn thờ người quá cố.
Chuyện kể có một ông thợ nhuộm vừa mới mất, bà vợ tới xin cụ Tam Nguyên Yên Đỗ Nguyễn Khuyến một câu đối để thờ, cụ đã cho câu đối như sau:
   - Thiếp  đã từ lá thắm xe duyên, khi vận tía, lúc cơn đen, điều dại điều khôn nhờ bố đỏ.
   - Chàng ở dưới suối vàng thấu nhẻ, vợ má hồng, con răng trắng, tím gan tím ruột với trời xanh.
Vì người quá cố là thợ nhuộm nên câu đối đã tài tình dùng những chữ chỉ màu sắc.
Và với bà vợ của ông thợ rèn quá cố thì cụ đã hạ bút:
 - Anh vội bỏ đi đâu, nhà cửa để lầm than, con thơ dại lấy ai rèn cặp.
 - Em nay còn ở lại, cơ đồ đành bỏ bể, vợ trẻ trung lắm kẻ đe loi.
Ở đây xin độc giả để ý đến những chữ chỉ nghề nghiệp, dụng cụ và động tác của một bác thợ rèn.
Sau đây là một trường hợp chơi chữ khác: Ở vùng Ô Gia, huyện Đại Lộc, tỉnh Quãng Nam có ông Tú Quỳ nổi tiếng hay chữ. Cũng có bà chồng chết đến xin ông Tú ít chữ để thờ. Ông Tú viết một chữ ĐỊA rất to nhưng viết méo! Bà goá phụ hồn nhiên đem về nhà, trân trọng dán lên bàn thờ chồng. Sau đó, có một ông đồ Nho đến thăm, thấy chữ địa rồi cười to, bà vợ hỏi duyên cớ thì mới vở lẽ là cụ Tú Quỳ hóm hỉnh chơi chữ vì chữ địa là đất mà viết méo xẹo thành ĐẤT MÉO mà đất méo thành ĐÉO MẤT!
Cũng có một bà chết chồng đến một ông đồ Nho xin liễn thờ thì được thầy đồ viết cho mấy chữ TAM NIÊN ĐỔ LỄ CHẨM AI ĐĂNG có nghĩa rất tốt là “ba năm làm lễ thờ và châm ngọn đèn bi ai” (tức để tang thờ chồng 3 năm đúng phong tục Việt) nhưng nếu nói lái các chữ “đổ lễ chẩm ai đăng” thì vô cùng dung tục và hóm hỉnh!
Còn đây là những dạng chơi câu đối mà chúng ta thường gặp:
 * Sử dụng chữ trái nghĩa:  đối đáp giữa ông Tú Cát và ông Trạng Quỳnh:
                   “  Trời sinh ông Tú Cát.
                      Đất nứt con bọ hung”.
           ( từ Hán Việt: cát là tốt, hung là xấu).           
 * Sử dụng song ngữ Hán và Việt cùng một nghĩa: tương truyền là của bà Đoàn thị Điểm ra vế đối bắt bí ông Trạng Quỳnh:
                  “ Da trắng vỗ bì bạch.”
(Bì bạch là da trắng và cũng là tiếng tượng âm tiếng vỗ của tay lên da thịt).
Câu nầy đã có rất nhiều vế đối hay nhưng chỉ đúng về mặt từ ngữ chứ chưa ai cho được vế đối chỉnh có tiếng tượng âm ở cuối câu như chữ “bì bạch”; đó là chưa nói đến tính dí dỏm, tinh nghịch hàm chứa bên trong:
           - Trời xanh mầu thiên thanh.
           - Mũi thấp hôn tỉ ti.
           - Rừng sâu mưa lâm thâm
           - Đường hoàng ngồi nhà vàng..
           - Cô Miên ngủ một mình.
           - Mất sách tìm thất thơ.
           - Hạc đỏ thở hồng hộc.
           - Bèo cỏ trôi bềnh bồng.
Hoặc một ví dụ khác:
           - Lộc là hươu, hươu đi lộc cộc.
             Ngư là cá , cá lội ngắc ngư.
Ở dạng này có một vế thách đối hóc búa mà hình như chưa ai đối chỉnh, xin nêu lên để thỉnh ý quý độc giả ham thích lối chơi chữ này:
- Cha con ông thầy thuốc về quê, quảy một gánh hồi hương phụ tử.
(ở đây, các từ Hán Việt : hồi hương là về quê, phụ tử là cha con và còn là tên hai vị thuốc bắc hồi hương và phụ tử).
 *  Sử dụng cách tách chữ: ở đây các chữ cóc cách, cồng kềnh, cọc cạch được tách ra:
 -  Con công đi qua cầu Kênh, nó nghe tiếng cồng, nó kềnh cổ lại.
    Con cóc leo cây vọng cách , nó rơi trúng cọc, nó cạch đến già.
(Chùa Kênh ở Bắc Ninh; kềnh là ngoảnh lại; vọng cách là một loại rau dùng để ăn gỏi ở miền Bắc; cạch là chừa bỏ vì sợ sệt).
        - Thuý Kiều đi qua cầu, nhác thấy chàng Kim lòng đã Trọng.
           Trọng Thủy  dòm vào nước, thoáng nhìn nàng Mỵ mắt rơi Châu.
        - Ngựa kim ăn cỏ chỉ.
           Chó vá cắn thợ may.
 * Dùng chữ tập trung vào một đối tượng: Tập trung những chữ chỉ phương hướng:
  - Chợ Đồng Xuân bán bánh trung thu, đông thì đông nhưng không bán hạ.
  - Người miền đông làm nhà đất bắc, tây thì tây vẫn dựng kiểu nam.
 * Dùng những chữ chuyên biệt: một bà hàng phở goá chồng nhưng còn ngọt nước, lắm kẻ thòm thèm ngỏ lời ong bướm, bà ra câu đối:
           -  Mỡ nạc nữa mà chi, em nghĩ chín rồi, đừng nói với em câu tái giá.
Đối:    - Thịt da ai cũng vậy, tớ chưa sụn hẳn, hãy thương giùm tớ cặp giò gân.
Hoặc: - Muối tiêu không đáng ngại, lão còn gân chán, hãy vui cùng lão miếng gầu dai.  
 *  Dùng phép chiết tự trong chữ Hán hay nửa Tây nửa ta: xin ghi lại ở đây một cuộc đối đáp rất thú vị giữa vua Duy Tân và viên Khâm Sứ Trung Kỳ. Năm đó nhà vua khoảng 15 tuổi, một hôm, viên Khâm Sứ Pháp vào yết kiến nhà vua trong Đại Nội (viên khâm sứ Pháp rất giỏi Hán Văn vì hắn ta có một khoảng thời gian rất dài làm lãnh sự tại Trung Hoa). Để thử tài vị vua nhỏ tuổi cũng như đo lường ý chí của vua Duy Tân, hắn ra câu đối thách thức:
 - Vương là vua, rút ruột vua tam phân thiên hạ.
( đây là một lối chơi chữ vì chữ vương mà bỏ sổ dọc sẽ thành chữ tam là ba).
      Vua Duy Tân điềm nhiên đối lại:
- Tây là Tây, chặt đầu Tây tứ hải giai huynh.
(Chữ tây có nghĩa là phương tây, người Tây mà bỏ dằng đầu lại thành chữ tứ là bốn).
Khâm Sứ Pháp tái mặt và vô cùng thán phục sự thông minh, ý chí và tài đối đáp của vua ta. Khâm Sứ Pháp ngạo mạn, y cho rằng vua Việt Nam chỉ là con bù nhìn, người Pháp đã nắm hết gan ruột và chia Việt Nam thành ba kỳ với chính sách cai trị khác nhau. Câu đáp của vua nước ta đã là một cái tát nẩy lửa vào mặt quân cướp nước, đã nói lên ý chí kiên cường của dân ta: phải chặt đầu mấy thằng Tây thì anh em bốn biển  mới an vui hoà thuận.
Ở dạng này, một câu đối khác cũng được người đời truyền tụng nhằm nói đến gái không chồng mà chửa:
- Duyên thiên chưa thấy nhô đầu dọc.
  Phận liểu sao đà nẩy nét ngang.
(Chữ thiên khi nhô đầu dọc lên thì thành chữ phu nghĩa là chồng . Chữ liểu khi có nét ngang thì thành chữ tử nghĩa là con).
              - Tám giờ xe lửa huýt.
                Hai cẳng nằm ngay đơ.
               (huit là tám, deux là hai).
  *  Sử dụng lối nói lái, và khi nói lái thì hàm ý dí dỏm dung tục: tương truyền rằng đây là câu đối đáp giữa nữ sĩ Hồ xuân Hương và ông Phạm Đình Hổ:
  - Tán vàng, lọng lá, che đầu nhau đỡ khi nắng cực.
  - Thuyền rồng, mui vẽ, vén buồm lên rồi sẽ lộn lèo.
Hoặc những câu khác như:
 - Trai Hóc Môn vừa hôn vừa móc.
   Gái Gò Công vừa gồng vừa co.
 - Trai Thủ Đức năm canh thức đủ.
   Gái Đồng Tranh sáu khắc đành trông.
(Đồng Tranh là tên khúc sông tiếp giáp với sông Nhật Tảo)
Sau năm 1975, người ta thấy xuất hiện một câu đối có vế ra rất hay và dí dỏm:
 - Gái Củ Chi, chỉ cu hỏi củ chi? 
Và có nhiều câu đối lại cũng khá hay nhưng không sát cho lắm vì thiếu mất ý dung tục,  dí dỏm:  - Trai thành Hồ, thồ hành, tải thành Hồ.
          - Con trai Cần Giờ giơ cần hỏi cần giờ.
          - Con gái Hải Dương hưởng giai ngoài hải dương.
          - Trai Hàng Chuối chùi háng bảo hàng chuối.
          - Trai giải phóng phỏng dái hô giải phóng.
  * Lối chơi chữ hoán vị :
           - Vợ cả, vợ hai, cả hai ( ha vợ) đều là vợ cả.
           - Thầy tu, thầy chùa, chùa thầy cứ việc thầy tu.
hoặc: - Nhà thuê, nhà tậu, tậu nhà hết ở nhà thuê.
           - Thầy giáo tháo giầy đi chợ tết.
             Giáo chức, dứt cháo, dự hội xuân.
Hoặc: - Con bò cạp cạp con bò cạp, cạp đúng chỗ bò mà bò đúng chỗ cạp.
Các câu đối lại :
           - Thầy sinh vật vật cô sinh vật, vật đúng chỗ sinh mà sinh đúng chỗ vật.
           - Anh bán thịt thịt chị bán thịt, thịt rồi lại bán mà bán rồi lại thịt.
hoặc: - Anh cà phê phê chị cà phê, phê đúng chỗ cà mà cà đúng chỗ phê.
  *  Vận dụng chữ đồng âm, dị nghĩa:
          - Trọng tài trọng tài vận động viên.
            Vận động viên động viên trọng tài.
          - Kiến bò đĩa thịt bò.
            Ruồi đậu mâm xôi đậu .
Chúng tôi  hy vọng bài viết của mình sẽ được quý vị cao niên để mắt tới chứ chắc quý độc giả trẻ tuổi thì không mấy thích hợp! Và để kết thúc bài viết nầy, chúng tôi xin gởi đến quý vị trọng tuổi một ít câu vế ra để quý vị vừa uống trà vừa tìm vế đối cho vui :
 1.  Bánh ít nhiều đường bánh ít ngọt.
Vế ra hóc búa thật, chữ thứ 2 và chữ thứ 3 phải  trái nghĩa nhau, chữ thứ 6 lặp lại chữ thứ 2 và nhất là ba chữ cuối phải hiểu hai cách khác nhau: bánh ít ngọt có thể ngắt thành bánh ít / ngọt ( tên của một loại bánh ngọt)  và bánh/ ít ngọt mà lại nhiều đường.
             2.  Vác búa về phang đất Việt, Minh đếch gì minh.
(Vế ra nói đến hình búa liềm trên cờ đảng của các quốc gia cọng sản, Minh là lảnh tụ Bắc Việt Nam. Lên án việc du nhập chủ nghĩa ngọại lai, gây nên cảnh nồi da xáo thịt).
             3. Đội rượu về quỳ hang cáo, Kỳ quá à kỳ .
(Vế ra rõ ràng phê phán thái độ đốn mạt,  trở cờ đón gió của viên cựu phó Tổng Thống Việt Nam Cộng Hoà Nguyễn Cao Kỳ).    
Càng về già thì sự thoái hoá của não bộ càng nhanh (bệnh alzheimer) và các nhà y học cho rằng một trong những phương cách chống lại sự suy thoái của não bộ ở tuổi già là năng suy nghĩ (động não) và thường xuyên đọc sách báo. Vậy xin mời quý vị thử động não tìm chữ đối lại xem !


 

Chủ Nhật, ngày 06 tháng 1 năm 2013

LUẬT HỎI NGÃ

LUẬT HỎI NGÃ  
Phan Lục

View Full Size Image
View Full Size Image
View Full Size Image

Vì luật dùng dấu hỏi ngã có khác nhau giữa các loại từ tiếng Việt nên trước hết, ta phải biết phân biệt hai loại từ: từ Hán Việt và từ thuần Việt. Từ Hán Việt là những từ vay mượn trong tiếng Hán nhưng đọc theo giọng Việt. Từ thuần Việt hay còn gọi là từ Nôm tức là những từ thuần túy của người Việt Nam hoặc do người Việt Nam tạo nên với những tiếng mượn của nước ngoài nhưng đã Việt hóa.
PHÂN BIỆT TIẾNG NÔM VÀ TIẾNG HÁN VIỆT
- Từ Nôm là những từ nói sao hiểu vậy. Ví dụ: con dao, tờ giấy... Còn từ Hán Việt thường phải dịch ra bằng một từ thông dụng (tiếng Nôm) cho dễ hiểu hơn. Ví dụ: học đường (trường học), phi cơ (máy bay), bệnh nhân (người bịnh) v.v... Tuy nhiên, cũng có một số từ Hán Việt không dịch ra từ thông thường được nhưng vẫn có thể hiểu được. Ví dụ: thành công, hạnh phúc, kết quả v.v... Có những tiếng đơn Hán Việt được dùng làm tiếng Nôm gọi là tiếng Nôm gốc Hán Việt. Ví dụ: lãnh, danh, đạo, pháp, lý, huyết v.v...
- Nhìn ngữ pháp, ta có thể dễ dàng phân biệt được từ Nôm hay từ Hán Việt. Nếu từ đứng trước là hình dung từ làm rõ nghĩa cho danh từ đứng sau thì đó là từ Hán Việt (ngữ pháp giống tiếng Tàu). Ví dụ: thắng cảnh (cảnh đẹp), yếu điểm (điểm trọng yếu), tiểu quốc (nước nhỏ) v.v... Nếu hình dung từ đứng sau làm rõ nghĩa danh từ đứng trước thì đó là từ thuần Việt (từ Nôm). Ví dụ: cảnh đẹp, điểm yếu (nói theo tiếng Hán Việt thì là nhược điểm – chú ý: yếu điểm và điểm yếu không cùng nghĩa).
- Nhìn từ ghép để phân biệt: tiếng Nôm ghép với tiếng Nôm, ví dụ: tươi tốt, mỏi mệt v....
và tiếng Hán Việt ghép với tiếng Hán Việt, ví dụ: họa sĩ, học sinh, giáo sư v.v... Do đó, nếu biết chắc một từ là Nôm hay Hán Việt thì có thể quả quyết từ kia là Nôm hay Hán Việt. Ví dụ: biết ‘tốt’ là từ Nôm thì quả quyết tứ ‘tươi’ cũng là từ Nôm. Như vậy, ‘hóa’ là từ Hán Việt thì chỉ có thể ghép với từ Hán Việt như ‘nông thôn hóa’, ‘xích hóa’ v.v... chứ không thể ghép với từ Nôm như ‘mặn hóa’, ‘sạch hóa’ v.v... (‘mặn’ và ‘sạch’ là từ thuần Việt thì không thể ghép với ‘hóa’ là từ Hán Việt). Cũng vậy, từ ‘siêu’ là từ Hán Việt thì chỉ có thể ghép với từ Hán Viêt như ‘siêu đẳng’, ‘siêu cường’ v.v... chứ không thể ghép với từ Nôm như ‘siêu mỏng’, ‘siêu đẹp’ .... (‘mỏng’, ‘đẹp’... là từ Nôm)
- Nhìn thấy một từ có nghĩa nhưng không thể đứng một mình mà phải ghép với một từ khác mới có nghĩa đầy đủ thì đó là từ Hán Việt. Ví dụ: quốc gia, sơn hà, quan sát v.v... Khi gặp một từ ghép mà cả 2 tiếng đều mơ hồ về nghĩa, nhất là đối với những người có trình độ Hán học hạn chế, thì đó là từ Hán Việt. Ví dụ: cảnh giác, hy sinh v.v...
- Đặc biệt trong từ thuần Việt có dạng tiếng đôi lấp láy là một cặp từ gồm một tiếng có nghĩa ghép với một tiếng không có nghĩa hoặc do hai tiếng không có nghĩa ghép lại nhưng giọng nghe hài hoà, thuận tai, dễ đọc. Ví dụ: mát mẻ, dễ dãi, đẹp đẽ v.v... (một tiếng không có nghĩa) – châu chấu, lải nhải, rù rì v.v... (hai tiếng không có nghĩa).
DẤU HỎI NGÃ TRONG TỪ HÁN VIỆT
Như đã nói ở trên, nhận biết một từ Hán Việt thì sẽ rất có lợi vì phân biêt được một phần khá lớn những từ mang dấu hỏi ngã trong nhóm từ Hán Việt. Ta có thể tóm tắt luật hỏi ngã trong từ Hán Việt như sau:
1) Những từ Hán Việt bắt đầu bằng các phụ âm d, l, m, n, nh, ng, v thường viết dấu ngã (trừ một ngoại lệ duy nhất là ‘ngải cứu’). Để cho dễ nhớ 7 phụ âm đầu của các chữ viết dấu ngã thì nên học thuộc lòng câu sau đây:
Mình Nên NHớ Vũ Là Dấu NGã
Tuy nhiên, xin đừng nhầm lẫn từ Hán Việt với những từ Nôm sau đây: Lả (lả lơi, ẻo lả) – Lảng (lảng vảng) – Lảnh (lảnh lót) – Lảo (lảo đảo) – Lẩm (lẩm rẩm) – Lể (lể ốc) – Lưởng (lưởng thưởng) – Mả (mồ mả) – Mải (mải miết) – Mảnh (mảnh mai) – Mẩn (mê mẩn) – Mẩu (mẩu chuyện) – Ngả (ngả quỵ) – Ngủ (đi ngủ) – Nhả (nhả mồi, nhả tơ) – Nhản (nhan nhản) – Nhỉ (vui nhỉ?) – Nhủ (khuyên nhủ) – Dẩn (dớ dẩn) – Dỉ (dỉ hơi) – Vảng (lảng vảng) – Vỉ (vỉ lò, vỉ bánh) – Viển (viển vông) – Vỏ (vỏ ốc, vỏ sò).
2) Ngoài các trường hợp kể trên, những từ Hán Việt bắt đầu bằng nguyên âm hoặc các phụ âm khác thì viết dấu hỏi, trừ những trường hợp ngoại lệ cần nhớ thuộc lòng:
b : bãi (bãi thị, bãi công, bãi nại) – bão (bão hòa, hoài bão) - bĩ (bĩ vận)
c : cữu (linh cữu) – cưỡng (cưỡng bách, cưỡng đoạt)
đ : đãi (bạc đãi, đãi bôi) - đãng (khoáng đãng, đãng tử) – đễ (hiếu đễ) – điễn (điễn khí) – đỗ (chim đỗ quyên, họ Đỗ)
h : hãi (kinh hãi) - hãm (hãm hại) – hãn (hãn hữu) – hãnh (hãnh diện, kiêu hãnh) - hoãn (hoãn binh, hoãn đãi) – hỗ (hỗ trợ) – hỗn (hỗn tạp, hỗn mang) – huyễn (huyễn hoặc, huyễn mộng) – hữu (bằng hữu, hữu hảo, hữu lý)
k : kĩ (ca kĩ, kĩ sư, kĩ thuật, kĩ xảo)
ph : phẫn (phẫn nộ) – phẫu (phẫu thuật)
q : quẫn (quẫn bách) – quỹ (quỹ đạo, quỹ tích, ngân quỹ)
s : sĩ (bác sĩ, viện sĩ) – suyễn (suyễn tức)
t : tễ (dược tễ, dịch tễ) - tiễn (tiễn biệt) - tiễu (tiễu trừ, tuần tiễu) – tĩnh (tĩnh mịch, tĩnh dưỡng) – tuẫn (tuẫn tiết)
th : thuẫn ( mâu thuẫn) – thũng (phù thũng)
tr : trãi (tên một loài thú hoang đường, Nguyễn Trãi) – trẫm (tiếng vua tự xưng, trẫm triệu) – trĩ (ấu trĩ, trĩ nội, trĩ ngoại) – trữ (dự trữ, lưu trữ, tích trữ)
x : xã (xã hội, xã tắc)
DẤU HỎI NGÃ TRONG TỪ THUẦN VIỆT
Tiếng thuần Việt được chia thành 2 nhóm giọng (thanh):
- giọng Bổng gồm các giọng Không (dấu), Sắc và Hỏi.
- giọng Trầm gồm các giọng Huyền, Nặng và Ngã.
Dựa vào các bậc trầm bổng mà ta có thể rút ra luật hỏi ngã của từ thuần Việt như sau:
1) Khi hai tiếng Nôm có thể lấp láy với nhau thì hễ một tiếng không dấu hoặc có dấu sắc thì tiếng kia phải mang dấu hỏi và ngược lại, hễ một tiếng mang dấu huyền hoặc dấu nặng thì tiếng kia phải mang dấu ngã. Ví dụ: đẹp đẽ, mới mẻ, vui vẻ, vội vàng, vẻ vang, lạnh lùng, lững lờ, ngất ngưởng, thỉnh thoảng, đo đỏ, lở lói, vắng vẻ, nhão nhoẹt, lạnh lẽo, não nùng, ỡm ờ v.v... Trừ ngoại lệ: bền bỉ, chàng hảng, hoài hủy, niềm nở, ngoan ngoãn, phỉnh phờ, sành sỏi, trễ nải, vỏn vẹn, ẻo ẹo, se sẽ, luồn lỏi, sửng sờ v.v...
2) Khi một từ có thể chuyển thanh điệu sang từ không dấu hoặc có dấu sắc nhưng không thay đổi ý thì chắc chắn mang dấu hỏi; ví dụ: tan, tán, tản – len, lén, lẻn – can, cản – không, khổng - quăng, quẳng v.v... Ngược lại, khi một từ có thể chuyển sang thanh huyền hoặc thanh nặng thì chắc chắn mang dấu ngã; ví dụ: lời, lãi lợi – ngờ, ngỡ, ngợ - dầu, dẫu – cùng, cũng – chưa, chửa – đà, đã - đậu, đỗ - giẵm, giậm – trĩu, trịu – chõi, chọi – ngẫm, gẫm v.v...
Cũng tương tự, tiếng Nôm chuyển gốc từ tiếng Hán Việt thì phải theo dấu giọng của tiếng gốc. Ví dụ: hô (hấp) > thở - tu > sửa – giá (thú) > gả - giả (độc giả) > kẻ - hàng (hóa) > hãng (buôn) – dĩ (vãng) > đã – kỵ (mã) > cỡi v.v... Tuy nhiên, phải trừ những ngoại lệ: gõ/khỏ - hõm/hóm – kẻ/gã – rải/vãi – mặn/mẳn - làu/ lảu (thuộc) – lử/luỗi (mệt) – phồng/phổng – ngõ/ngả - quãng/khoảng – rõ/tỏ - trội/trổi – lõm/lóm.
3) Khi hai tiếng đứng gần nhau mà mỗi tiếng có nghĩa riêng thì giữ dấu riêng. Ví dụ: lú lẫn, mồ mả, mòn mỏi, trồng tỉa, ủ rũ v.v...
4) Các tiếng nói gộp âm đều mang dấu hỏi. Tiếng nói gộp âm là tiếng gộp hai âm tiết thành một như: bà ấy > bả - ông ấy > ổng – bên ấy > bển – trong ấy > trỏng – hồi ấy > hổi – năm ấy > nẳm v.v...
5) Những từ bắt đầu bằng nguyên âm a, ă, â, e, ê, i, y, o, ô, ơ, u, ư đều mang dấu hỏi. Ví dụ: ả đào, ẳng ặc, ẻo lả, im ỉm, ỉa, ấp ủ, ỷ v.v... Trừ ngoại lệ: ẵm, ẽo ẹt, ễ, ĩnh, õng, ỡm, ĩ, ũi, ưỡn
6) Các tiếng vay mượn từ tiếng nước ngoài và đã chuyển sang giọng tiếng Việt thì thường viết với dấu hỏi. Ví dụ: mỏa (moi = tôi), lủy (lui = nó), đi rỏn (ronde = đi tuần quanh), sở cẩm (commissaire de police = sở cảnh sát), làm cỏ vê (corvée = làm tạp dịch) v.v...
VÀI QUY TẮC KHÁC
- Các chữ là trạng từ đều mang dấu ngã. Ví dụ: cũng, đã, nữa v.v...
- Các chữ là tên quốc gia hoặc họ cá nhân đều mang dấu ngã. Ví dụ: A Phú Hãn, Bão Gia Lợi, Mỹ v.v... (ngoại lệ: Bỉ) – Đỗ ngọc Hà, Nguyễn văn Dũng, Lữ văn Thiện, Sữ duy Nhân, Dãn thành Chung, Quãng trọng Vịnh, Mã giám Sinh, Vũ đại Phu v.v...
Tóm lại, viết sai dấu hỏi ngã sẽ làm sai lạc cả câu văn, có thể đưa đến sự hiểu lầm tai hại và làm mất giá trị của câu văn. Đọc một đoạn văn viết sai dấu hỏi ngã cũng khó chịu như ăn miếng cơm mà gặp hạt sạn. Xin đơn cử một vài trường hợp viết sai dấu hỏi ngã làm thay đổi ý nghĩa câu văn như sau:
- Viết ‘mở mặt mở mày’ có nghĩa là được sống đàng hoàng, hãnh diện và tự hào với xung quanh nhưng nếu viết ‘mỡ mặt mỡ mày’ thì có thể hiểu là mặt mày có mỡ (mập).
- ‘Nhân sĩ’ (chữ sĩ với dấu ngã) có nghĩa là người trí thức có danh vọng trong xã hội nhưng nếu vô tình viết ‘nhân sỉ’ (chữ sỉ với dấu hỏi, có nghĩa là sỉ nhục) thì ý nghĩa sẽ bị đảo ngược.
- ‘Sửa chữa’ (sửa với dấu hỏi và chữa với dấu ngã) có nghĩa là sửa sang cái gì bị hư hỏng nhưng nếu viết ngược lại là ‘sữa chửa’ (sữa dấu ngã và chửa dấu hỏi) thì có thể hiểu là sữa của người đàn bà đang mang bầu.
Vì vậy, việc phân biệt dấu hỏi và dấu ngã thật khó khăn nhưng rất cần thiết để nâng cao trình độ hiểu biết về chuẩn mực ngôn ngữ của tiếng Việt. Muốn đạt kết quả tốt trong việc viết văn và giữ gìn cho tiếng Việt được trong sáng, chúng ta cần phải thực tập công phu và đều đặn trong việc áp dụng luật hỏi ngã. Làm sao cho việc viết dấu hỏi ngã trở thành thói quen mà không cần phải suy nghĩ nữa.

Thứ Tư, ngày 02 tháng 1 năm 2013

TIẾNG VIỆT CỦA CHÚNG TA



TIẾNG VIỆT CỦA CHÚNG TA
Phan Lục
       
Là người Việt, chúng ta cần phải nói và viết tiếng Việt cho chính xác. Đọc thấy nhan nhản những chữ dùng sai và những lỗi in sai trên các sách báo ở trong cũng như ngoài nước, tôi thật sự lo lắng tiếng Việt sẽ dần dần mất đi sự chuẩn xác vì chiều hướng sử dụng sai từ ngữ hoặc viết sai chính tả. Tiếng Việt chúng ta phần lớn gồm những tiếng Hán Việt nên nếu không thông hiểu ngữ nghĩa thì rất dễ sử dụng sai, nhất là đối với các từ cùng âm khác nghĩa. Thời chúng tôi còn ở Tiểu học, mỗi tuần đều học một giờ Hán tự rồi khi lên Trung học thì học định nghĩa các danh từ Hán Việt trong môn Giảng văn. Do đó, thời ấy người ta sử dụng tiếng Việt tương đối chính xác. Việc biết nghĩa từ Hán Việt sẽ giúp chúng ta hiểu tiếng Việt sâu sắc hơn. Gần đây, dường như chương trình giáo dục ở nước ta ít chú trọng việc giảng dạy các từ Hán Việt nên có rất nhiều người dùng sai vì không hiểu ngữ nghĩa. Lúc đầu chỉ có một số người dùng sai, sau đó nhiều người bắt chước dùng theo rồi dùng mãi nghe quen tai nên không còn cảm thấy sai nữa. Sau đây là một số trường hợp sử dụng từ ngữ sai nghĩa rất phổ biến hiện nay :
Trong hầu hết các quảng cáo của các dịch vụ bảo lãnh thân nhân đều ghi “Thiết lập hồ sơ bảo lãnh cha mẹ, vợ chồng, hôn phu, hôn thê…” Các chữ “hôn phu” và “hôn thê” không có trong tự điển tiếng Việt và không có nghĩa gì hết. Ý người ta muốn nói bảo lãnh chồng chưa cưới tức là “vị hôn phu” hoặc vợ chưa cưới tức là “vị hôn thê”. Chữ “vị” ở đây nghĩa là “chưa” như “vị lai” nghĩa là “chưa đến”  đồng âm với chữ “vị” là tiếng kính trọng để gọi một người như quý vị, vị chủ tịch, vị đại biểu…  Trong nhiều bài viết về pháp luật của ông Phó tế NMS thường có các chữ “hôn phu, hôn thê” và nhóm từ “… còn dưới độ tuổi vị thành niên”. Cụ thể một đoạn trong bài “Luật di trú và nhập tịch Hoa kỳ” của ông viết ngày 30-5-2011 như sau: “g. Loại chiếu khán k-1 visa (Fiancee). Loại này cấp cho những người đã hứa hôn (Hôn thê hay hôn phu). Những người này đã nhập cảnh Hoa kỳ rồi thì phải lập hôn thú trong vòng 3 tháng, quá hạn này mà không làm hôn thú thì phải trở về nguyên quán. Nếu những người này có con dưới tuổi vị thành niên có thể được phép đem theo vào Hoa kỳ”. Ông vừa định nghĩa “hôn thê hay hôn phu” là những người đã hứa hôn mà đúng ra “những người đã hứa hôn” (mà chưa cưới) thì phải gọi là “vị hôn thê hay vị hôn phu” vì “vị hôn” (từ Hán Việt) nghĩa là “chưa cưới” bổ nghĩa cho chữ “thê” (vợ) hoặc “phu” (chồng). Còn “dưới độ tuổi vị thành niên” là độ tuổi nào?  Chắc tác giả nghĩ “vị” là tiếng gọi một người và “thành niên” là trưởng thành nên thay vì nói “dưới độ tuổi của người trưởng thành” thì tác giả lại nói “dưới độ tuổi vị thành niên”. “Vị thành niên” nghĩa là “chưa trưởng thành” để chỉ các thiếu niên và thiếu nữ còn dưới 18 tuổi. Vậy dưới tuổi “vị thành niên” thì còn có tuổi nào nữa? Một sai lầm rất lớn như thế mà mọi người nghe quen cứ tưởng là đúng và không chịu sửa!
            Còn âm “phu” có hai nghĩa khác nhau : “phu” nghĩa là chồng và “phu” nghĩa là người làm công. Cũng như “tử” nghĩa là con mà “tử” cũng nghĩa là chết hoặc “giá” nghĩa là lấy chồng mà “giá” cũng nghĩa là cái cáng (võng). Cho nên câu “Xuất giá tùng phu, phu tử tùng tử” nghĩa là “Lấy chồng thì theo chồng, chồng chết thì theo con” nhưng đã có người dịch đùa là “Đi ra trên cáng thì phải theo người phu khiêng, người phu khiêng có chết thì phải chết theo”.
            Khi người chồng chết thì người đàn bà được gọi là “góa phụ” hay nôm na là “ở góa” nhưng có người lại nói “ở giá” trong khi “giá” nghĩa là “lấy chồng” chứ không có nghĩa là mất chồng. Cũng âm “phụ” nếu ghép thành “phu phụ” nghĩa là vợ chồng, còn “phụ mẫu” nghĩa là cha mẹ. Âm “phụ” còn có nghĩa là “giúp” như phụ tá, phụ lực, phụ việc, phụ đạo, phụ giáo, phụ chánh v.v... hoặc nghĩa là “thêm vào” như phụ bản, phụ đính, phụ lục, phụ phí, phụ thu, phụ khuyết v.v…
            Còn từ “tái” nghĩa là “trở lại” cũng bị nhiều người, kể cả các nhà văn, nhà báo, dùng sai như: “dịch cúm đã tái phát trở lại” hoặc “băng đảng tái xuất hiện trở lại” hoặc “Tổng thống Obama tái đắc cử trở lại” v.v… Nếu đã dùng từ “tái” thì đừng dùng từ “trở lại” vì trùng ý.
            Trong những thiệp cưới, người ta thường ghi “ Trân trọng báo tin lễ thành hôn và vu quy của con chúng tôi” và dịch là “Have the honor of announcing the wedding ceremony of our children”. Như vậy, chữ “lễ thành hôn” đã được  dịch là “wedding ceremony”, còn chữ “vu quy” sao không thấy dịch ? Nếu muốn dịch cũng dịch là “wedding” thôi. Thật ra, chữ “lễ thành hôn” đã đủ nghĩa là “lễ cưới” áp dụng cho cả trai lẫn gái và “vu quy” chỉ là một hành động đi về nhà chồng của người con gái sau lễ cưới, tất nhiên là một phần trong lễ thành hôn. Nhiều người cứ tưởng từ “thành hôn” (marriage hay wedding) và “tân hôn” (just married) chỉ được dùng cho đàng trai thôi nên mới kèm thêm chữ “vu quy” vào dành riêng cho đàng gái (!).
            Khi kiểm điểm một sự việc, người ta thường nêu lên những ưu điểm (điểm mạnh, điểm tốt) và những nhược điểm (điểm yếu, điểm xấu) chứ không phải là “yếu điểm” có nghĩa là điểm thiết yếu. Còn rất nhiều người lẫn lộn giữa hai cặp từ “điểm yếu” (từ thuần Việt) và “yếu điểm” (từ Hán Việt) cũng như “ đồng tính luyến ái” (những người cùng giới có quan hệ tình dục với nhau) lầm lẫn với  “đồng tình luyến ái” (hai người khác giới đồng lòng quan hệ tình dục với nhau) chỉ vì không có vốn kiến thức căn bản về từ Hán Việt. Thật ra, nếu chịu khó tra cứu từ điển tiếng Việt thì việc dùng từ sai như thế này sẽ giảm đi nhiều.
            Có trường hợp những từ tương tự nhưng chỉ khác nhau có một cái dấu cũng làm cho nhiều người nhầm lẫn. Thí dụ : “Điển tích” nghĩa là văn viết ghi các sự tích ngày xưa (điển = ghi; tích = xưa) chứ không phải “diễn tích” vì trong tiếng Việt không có danh từ “diễn tích” mà chỉ có “diễn tả” hoặc “diễn giảng” v.v… Hoặc “trụ trì” chứ không phải “trù trì” hay “trú trì” vì chữ “trụ” có nghĩa là “còn đấy”. Hễ cái gì đang ở vào thời kỳ còn đấy thì gọi là “trụ”. Trụ trì Phật bảo nghĩa là Phật ở đời mãi mãi. Trụ trì tam bảo nghĩa là Phật tịch rồi nhưng còn tượng Ngài lưu lại. Trụ trì pháp bảo nghĩa là Phật tuy tịch rồi nhưng kinh sách của Ngài còn lưu truyền. Trụ trì tăng bảo nghĩa là Phật tuy tịch rồi nhưng còn các vị xuất gia tu hành kế tiếp làm việc Phật. Vì thế, có một vị sư nào làm chủ trông nom cả một ngôi chùa thì gọi là vị “sư trụ trì”. Cũng như nơi làm việc của một cơ quan gọi là trụ sở như trụ sở ủy ban… Trái lại, trú sở là nơi ở tạm, nơi trú quán.
Có những trường hợp tuy khác dấu nhưng vẫn đồng nghĩa như “hấp thu” với “hấp thụ” và “tự điển” với “từ điển”. Nhưng trường hợp sau đây thì không thể chấp nhận là cùng nghĩa được. Danh từ “trùm sò” dùng để ám chỉ một người keo kiệt như vai Trùm Sò trong vở kịch Nghêu, Sò, Ốc, Hến. Còn kẻ cầm đầu một nhóm người thì gọi là “trùm sỏ” hay “đầu sỏ”. Hai cặp từ “trùm sò” và “trùm sỏ” không thể lẫn lộn với nhau được. Cũng như “kiêu ngạo” tức là kiêu căng thì không thể lẫn lộn với “chế nhạo” tức là chế riễu, nhạo báng nên không thể nói như một số người miền Nam : “Anh đừng kiêu ngạo tôí!” thay vì nói anh đừng chế nhạo tôi.
            Cũng vì không thông hiểu nghĩa của từ Hán Việt mà nhiều người nói “nhà luật gia”, “nhà khoa học gia”, “nhà chính trị gia”, “nhà kinh tế gia” v.v… Đúng ra chỉ cần nói “luật gia”, “khoa học gia”, “chính trị gia”, “kinh tế gia” v.v… vì “gia” nghĩa là “nhà” rồi hoặc nói “nhà luật học”, “nhà khoa học”, “nhà chính trị học”, “nhà kinh tế học” v.v...
            Vô số trường hợp do không hiểu định nghĩa của từ Hán Việt mà sử dụng sai đã và còn có thể xảy ra dài dài.
            Ngoài ra, do viết theo giọng nói địa phương nên sai chính tả cũng làm cho tiếng Việt mất chuẩn xác. Thí dụ : “nhà quàn” mà viết là “nhà hoàng”, “xe tơ” mà viết là “se tơ”, “sử dụng” mà viết là “xử dụng”, “chóng khô” mà viết là “chống khô” (hai cặp từ này trái nghĩa nhau), “đóng cửa” (khép cửa) mà viết là “đống cửa” (cửa chất đống), “xăm” là vẽ hình trên da bằng kim khác với “xâm” là xây xẩm mặt mày, “nhác” là lười biếng khác với “nhát” là rụt rè, “bít lổ” chứ không phải “bích lổ”, “suôn sẻ” mà viết là “xuông xẻ”, “sáp nhập” mà viết là “sát nhập”, “chính xác” mà viết là “chính sác”, “xác xơ” mà viết là “ sác sơ”, “trọn tình” mà viết là “chọn tình”, “chi tiết” mà viết là “chi tiếc”, “kín đáo” mà viết “kính đáo”, “tín nhiệm” mà viết “tính nhiệm” v.v… thì thật là vô nghĩa!
            Việc đánh dấu chấm phẩy trong câu văn nếu không đúng chỗ sẽ làm sai hết ý. Thí dụ một trích đoạn : “Những ngày trong lao tù cải tạo chữ nghĩa bay theo mây theo gió”. Viết một mạch không ngắt câu như thế thì có thể hiểu là những ngày bay theo mây theo gió và lao tù là để cải tạo chữ nghĩa. Ta chỉ cần thêm dấu phảy vào sau chữ “cải tạo” thì ý thật rõ. Hoặc “Dưới trời trăng sáng suông và đủ để nhìn thấy đường.” hay “Thi hành chỉ thị của UBND thành phố.” Chưa hết ý mà đã chấm ngắt câu thì chẳng ai biết người viết muốn nói gì. Trong một chuyện vui, có quan tòa phán quyết “ở với vợ lớn, không được ở với vợ bé”, người chồng cầm phán quyết về sửa lại vị trí dấu phảy thì có ý trái ngược là “ở với vợ lớn không được, ở với vợ bé”. Hoặc trong một khẩu hiệu tuyên truyền kế hoạch hóa ghi “Gia đình 2 con, vợ chồng hạnh phúc” nhưng có người đọc vui là “Gia đình có 2 con vợ, chồng hạnh phúc”.  Như vậy, dấu chấm phẩy trong câu văn  xem ra cũng rất quan trọng vì nếu đặt sai chỗ thì có thể làm cho câu văn có nghĩa khác.
            Xem thế, không riêng gì từ Hán Việt mà cả từ Việt thuần túy cũng dễ bị hiểu sai mà viết lệch mất ngữ nghĩa nếu không chịu tìm hiểu ngôn ngữ học cặn kẽ bằng cách tra từ điển hoặc tự ái vặt hay chủ quan.
            Ở miền Bắc và sau năm 1975 lại phát sinh những từ ngữ mới như “lô gic” (hợp luận lý), “lâm sàng” (trên giường bệnh) v.v…thật khó hiểu. Sao không gọi là “giải tỏa mặt bằng” mà gọi là “giải phóng mặt bằng” trong khi từ “giải phóng” chỉ nên dùng cho con người như “giải phóng nô lệ”?  Đặt kế hoạch trồng trà nhiều khắp nơi thì gọi là “trồng đại trà” mới nghe tưởng trồng cây trà lớn. “Xây dựng gia đình” có nghĩa là lập gia đình thì còn nghe được chứ nói “Anh B xây dựng với chị X” thì cứ tưởng là hai người cùng đi xây nhà! Viết “cảnh ấy ấn tượng lắm” nghe không thông vì “ấn tượng” là danh từ không thể dùng như một tính từ được nên phải viết là “cảnh ấy gây một ấn tượng sâu sắc” v.v… Lại có chiều hướng ghép hai từ ngữ Hán Việt thành một như “giáo huấn và chỉnh đốn” thì gọi là “chỉnh huấn” nên có người bắt chước ghép sai. Hồi trong trại cải tạo, nghe một cán bộ quản giáo ra lệnh “có gì thì các anh phải phản phúc liền” làm tôi giật mình vì “phản phúc” có nghĩa là phản bội chứ không phải là “phản ánh và phúc trình” như người cán bộ nọ hiểu.
            Ngay ở hải ngoại, nhiều người Việt cũng đã dùng những từ sai. Cụ thể trường hợp phiên dịch một văn bản từ tiếng Anh ra tiếng Việt thì cứ gọi là “phiên dịch” nhưng có người lại cầu kỳ gọi là “chuyển ngữ”mà không hiểu rằng “chuyển ngữ” có nghĩa là “ngôn ngữ được dùng để truyền thụ kiến thức” chứ không có nghĩa là phiên dịch. Ví dụ, ngày trước ở bậc Đại học, người ta dùng Pháp ngữ để giảng dạy thì nay tiếng Việt được dùng làm “chuyển ngữ” trong Đại học. Vân vân…
            Ngày xưa, việc sửa bản thảo (sửa morasse) các sách báo được thực hiện rất kỹ lưỡng. Ngày nay, dường như công việc này được làm rất sơ sài hoặc không chú trọng lắm nên chữ nghĩa trên các sách báo có quá nhiều chỗ in sai khiến cho độc giả cảm thấy khó chịu. Việc viết hoặc in sai chính tả và chấm ngắt câu sai cũng làm giảm mất một phần giá trị của tác phẩm. Đặc biệt đối với các quảng cáo, mặc dù có nhiều từ dùng sai mà tòa báo vẫn không dám sửa vì sợ đụng chạm tự ái của người thuê đăng quảng cáo.
            Mong rằng mọi người đều lưu tâm sử dụng tiếng Việt chính xác trong mọi lĩnh vực để làm mẫu mực cho thế hệ trẻ, đặc biệt ở hải ngoại, học tập tiếng nước ta và giữ gìn tiếng Việt luôn trong sáng.

Thứ Năm, ngày 27 tháng 12 năm 2012

VAI TRÒ TIẾNG HÁN TRONG NGÔN NGỮ VIỆT NAM

VAI TRÒ TIẾNG HÁN TRONG NGÔN NGỮ VIỆT NAM
Võ Phá

Một buổi sáng, một bạn đồng nghiệp cũ đến thăm tôi và đề nghị tôi viết bài để góp ý về nền giáo dục hiện nay. Điều đó chẳng khó khăn gì vì sau mấy mươi năm gắn bó với nghề nghiệp thì ở cuối cuộc đời, hẳn tôi cũng có một số ý kiến không tệ lắm về công việc mà mình đã từng tha thiết biết bao. Đối với nền giáo dục hiện tại thì có vô số điều phải nói. Tuy nhiên, trong nhiều năm nay, người ta đã phê bình quá nhiều nhưng chẳng đi tới đâu cả mà thậm chí còn làm cho rối thêm. Ý kiến nêu tràn lan trên báo chí thường có tính đã kích, đôi khi có vẻ như mất bình tĩnh và có lẽ có quá ít đề nghị xây dựng thực sự xác đáng. Hậu quả là những ý kiến phê bình đó đem lại bao nhiêu lợi ích thì chưa rõ nhưng đem đến cái hại thì ắt phải có.
Cái hại là làm giảm sự tin tưởng của học sinh đối với nền giáo dục mà các em đang thụ hưởng, sách giáo khoa mà các em đang dùng, nhà trường mà các em đang theo học và thậm chí mất luôn sự tin tưởng đối với thầy cô của các em nữa. Thực là đáng lo!
Làm mất lòng tin ở những tâm hồn trong trắng, theo tôi, là một điều cực kỳ tai hại. Dĩ nhiên, nguyên nhân chính yếu là những sai lầm trong chính nền giáo dục hiện nay, nhưng những lời phê bình bừa bãi cũng như đổ dầu vào lửa.
Sự mất niềm tin đó đôi khi trở thành khuynh hướng nổi loạn ở học sinh mà điển hình là sự kiện Nguyễn phi Thanh đã từng làm xôn xao dư luận. Do đó, tôi không muốn bàn về giáo dục công khai trên báo chí, vì không muốn đổ dầu vào lửa như những người khác đã làm. Tuy nhiên, nể tình bạn, tôi chọn một đề tài khác để trình bày, một đề tài rất quan trọng mà cho tới ngày nay chưa thấy ai đề cập một cách nghiêm túc. Đó là vấn đề ngôn ngữ Việt Nam . Tôi xin nhấn mạnh, đề tài về ngôn ngữ nầy còn quan trọng hơn cả giáo dục nữa, vì những lý do sau đây:
1. Ngôn ngữ có trước giáo dục rất xa. Từ thời tiền sử cổ xưa, khi con người bắt đầu sống thành đoàn thể để sinh tồn, họ cần phải trao đổi ý nghĩ cho nhau bằng âm thanh nên tiếng nói, tức là ngôn ngữ, đã sớm bắt đầu xuất hiện. Mãi lâu lắm về sau, có thầy có trò thì sự giáo dục mới chính thức hình thành.
2. Ngôn ngữ có tầm ảnh hưởng rộng lớn hơn giáo dục. Đối tượng trực tiếp của giáo dục là thầy và trò. Những người có con em đi học chỉ là thành phần gián tiếp, đa số phải dành thì giờ và năng lực để lo làm việc kiếm sống nhiều hơn là chú tâm đến giáo dục. Ngược lại, ngôn ngữ chi phối mọi người, già trẻ, sang hèn, không từ ai cả, ngoại trừ những người câm không nói được mà thôi.
3. Ngôn ngữ có ảnh hưởng sâu xa. Ngôn ngữ ảnh hưởng đến tâm hồn và tình cảm của con người hơn giáo dục rất ra. Ngôn ngữ giúp cho mọi người có thể kiếm sống, giúp mọi người hiểu nhau, giúp trai gái tỏ tình, giúp cha mẹ dạy dỗ con cái, giúp các nhà làm chính trị tuyên truyền và giúp người ta chửi rủa nhau khi nổi giận. Tóm lai, không có một sinh hoạt nào, dù tốt hay xấu, mà không cần đến ngôn ngữ. Giáo dục cũng nằm trọn trong vòng ảnh hưởng của ngôn ngữ vậy.
Có một lần, tôi nghe một câu chuyện khá cảm động về ngôn ngữ như sau. Một phụ nữ Việt Nam, do hoàn cảnh đẩy đưa nào đó, đến định cư ở một vùng hẽo lánh của Alaska bên Mỹ. Một hôm đi chợ, bà bỗng nghe sau lưng mình có giọng nói Việt Nam nên quay phắt lại và nhân ra hai đồng bào của mình. Quá xúc động, ba người ôm nhau giữa chợ, một người khóc, hai người kia nước mắt lưng tròng. Có lẽ, trong giờ phút đó, ba người đều cảm thấy rằng, trong cuộc đời, không có gì quan trọng bằng tiếng nói quê hương.
Trong nghề dạy học, ngôn ngữ có vai trò quan trọng bậc nhất. Đó không chỉ là một phương tiện đơn sơ mà còn là một nghệ thuật nữa. Thực vậy, ở tất cả các môn học, thầy cô cần phải khéo ăn khéo nói thì mới gợi được hứng thú nơi học trò để các em thu nhận kiến thức mà mình truyền đạt. Kiến thức thì đã được bộ Giáo dục quy định rõ trong chương trình và trong sách giáo khoa, thầy cô nào cũng bắt buộc phải truyền đạt bao nhiêu đó thôi, nhưng có người dạy hay nên học trò tiến bộ, có người dạy dở, học sinh chẳng thu nhận được bao nhiêu. Dạy dở là nói ra những kiến thức rời rạc với âm điệu nhạt nhẽo như nắm từng viên sỏi mà quăng vào đầu học sinh. Dạy hay là biết điều tiết âm điệu, lúc thì du dương, lúc thì hùng hồn cho
phù hợp với kiến thức và với đối tượng ngồi nghe. Dạy hay cũng phải biết chuyển tiếp từ kiến thức nầy sang kiến thức khác một cách liền lạc làm cho những điều cần dạy trong giờ học kết thành một chuỗi hài hòa, học sinh nhớ được điều nầy là có thể liên tưởng đến những điều khác.
Vậy, thầy nầy dạy hay hoặc dở, không phải do khối lượng kiến thức của thầy mà chính yếu là do trình độ sử dụng ngôn ngữ vậy. Tôi nhớ, lúc trước, thỉnh thoảng tôi có giải thích cho các em nghe về vài khía cạnh của nghề nghiệp của mình. Có một lần vào cuối buổi dạy, tôi đã so sánh thầy giáo với người chiến sĩ. Người chiến sĩ mang thanh gươm bén ra trận còn người thầy giáo bước lên bục giảng với lợi khí là tiếng nói của mình. Nếu thầy giáo không biết trau dồi cách nói cho hay thì chẳng khác gì chiến sĩ ra trận với thanh gươm cùn.
*
Tầm quan trọng của ngôn ngữ thực là bao la. Vì vậy, trong khung khổ của bài viết nầy, tôi phải giới hạn vấn đề lại và chỉ bàn về vai trò tiếng Hán trong ngôn ngữ Việt Nam mà thôi.
Ngôn ngữ Việt Nam là do ông cha ta ở thời rất xa xưa đặt ra. Ở cái thuở còn lạc hậu, ngôn ngữ chỉ cần một số ít từ là người ta đã có thể liên lạc được với nhau rồi. Dần dần về sau, khi đời sống văn minh lên, sinh hoạt trở nên phức tạp, người ta cần có nhiều từ mới để diễn tả ý nghĩ của mình. Lúc đó, nước ta rơi vào vòng đô hộ của người Tàu. Sẵn có những từ của họ, ông cha chúng ta lấy dùng luôn, khỏi phải tốn công đặt ra những từ mới. Điều đó không có gì đáng chê trách. Mình chưa có mà người ngoài đưa vào thì mình cứ mượn, xin hay mua để trở thành vật sở hữu của mình. Ngày nay cũng thế, chúng ta đã dùng nhiều từ của Châu Au cũng như dùng những sản phẩm công nghệ mà nước ngoài đưa vào, trong khi chúng ta chưa có đủ trình độ và thì giờ nghiên cứu để chế tạo ra. Vậy, việc dùng những từ của nước Tàu văn minh thời đó để làm giàu cho ngôn ngữ Việt Nam không có gì gọi là xấu xa; hơn nữa, còn đáng khen vì ông cha mình không nhập suông mà biến đổi ra âm Việt Nam, tạo nên một loại tiếng độc đáo được mệnh danh là tiếng Hán. Trong số những tiếng Hán đó, dần dần, ông cha mình tuyển một số cần thiết để nhập vào ngôn ngữ Việt Nam . Đó là những tiếng Hán được Việt hóa, gọi tắt là tiếng Hán Việt.
Tôi xin mở ngoặc để nói thêm rằng từ Hán 漢, nguyên thủy nghĩa là nhà Hán, vương triều do Lưu Bang dựng lên, và cũng có nghĩa là dân tộc Hán, một trong 5 dân tộc lớn nhất của Trung quốc. Nhưng sau đó, ở nước ta, tiếng Hán có nghĩa là tiếng Tàu đọc theo âm Việt Nam để phân biệt tiếng Tàu đọc theo âm Tàu như tiếng Quan thoại, tiếng Quảng đông, vân vân. Trong bài nầy, tất cả tiếng Tàu đều được viết theo âm Việt Nam tức là trở thành những chữ Hán.
Được Việt hóa trong thời gian rất dài nên có rất nhiều từ Hán trở thành Hán Việt. Vài nhà ngữ học ước lượng số nầy chiếm đến hơn 60% trong tất cả từ của ngôn ngữ chúng ta. Vì thế, có những câu rất tầm thường, có vẻ Việt Nam thuần túy lại chứa rất nhiều tiếng Hán. Thí dụ: “Thiếu thời, cô học tiểu học tại thị trấn, học trung học tại thị xã; trưởng thành, cô học đại học y dược tại thủ đô; tốt nghiệp đại học, cô tận tâm hành nghề bác sĩ, cứu sinh mệnh vô số bệnh nhân trầm trọng”. 100% tiếng Hán Việt!
Sử dụng rất nhiều từ của Tàu cho ngôn ngữ mình nhưng ông cha ta vẫn giữ được Tổ quốc đứng vững để truyền lại cho chúng ta ngày nay. Ai cũng biết nước ta đã bị người Tàu đô hộ đến trên 1000 năm. Trong thời gian đó, người Tàu không chỉ bóc lột dân mình mà còn liên tục thực hiện mưu đồ đồng hóa mình thành người Tàu nữa. Họ đã đặt đất nước mình thành quận huyện của họ, sử dụng luật lệ và ngôn ngữ của họ để làm biến mất tổ quốc Việt Nam . Song song với Việt Nam , họ đã thực hiện công cuộc đồng hóa nầy với nhiều nước khác và họ đã thành công. Các nước đã có thời rất mạnh như Mông cổ, Mãn châu đều bị đồng hóa một phần hay toàn phần. Xem lịch sử, vào đời Đường, thầy Tam Tạng đi thỉnh kinh phải qua vô số quốc gia mới tới được Thiên Trúc nằm phía Bắc Ấn độ. Ngày nay, tất cả các quốc gia đó đều biến mất, chỉ còn một nước Trung hoa rộng mênh mông, trải dài từ bờ Thái bình dương đến tận Trung Á!
Thế mà Việt Nam không bị đồng hóa! Tại sao như thế? Có nhiều lý do; một trong những lý do chính yếu là ngôn ngữ, hay đúng hơn một khía cạnh quan trọng của ngôn ngữ. Đó là cách sắp xếp từ thành một câu mà bây giờ ta gọi là ngữ pháp hay văn phạm.
Trong ngôn ngữ thuần túyViệt Nam , chữ chính đứng đầu, sau đó là chữ bổ túc. Tôi tạm gọi đó là văn phạm xuôi. Thí dụ: cờ đỏ. Cờ là danh từ, tiếng chính, đỏ là tính từ bổ túc cho cờ. Ngôn ngữ Tàu thì ngược lại; họ nói hồng kỳ, tiếng chính là danh từ kỳ lại đặt sau tiếng bổ túc là hồng. Có lẽ xưa kia, người Tàu đô hộ xứ mình, muốn dân mình nói như họ, phải gọi “cha tôi” là “ngã phụ” hay ít ra cũng là “tôi cha” nhưng người mình vẫn cứ gọi “cha tôi”.
Một thí dụ khác rõ rệt hơn. Người Tàu nói: “Ngã muội chi mỹ diện”, thì ta nói(gương) mặt đẹp của em tôi chứ không nói theo văn phạm Tàu là “tôi em của đẹp mặt”.
Đó là một trong những lý do cản trở người Tàu đồng hóa dân ta và Tổ quốc Việt Nam ngày nay vẫn còn tồn tại trên bản đồ thế giới. Quả thực, ngôn ngữ có tầm quan trọng rất lớn và rất đáng cho các học giả bỏ công ra mà nghiên cứu cho tinh tường.
Điều kỳ lạ và lý thú là mặc dù mượn đến hơn 60% chữ Tàu, ngôn ngữ Việt Nam có vẻ giàu hơn và trong sáng hơn chữ Tàu. Tôi xin dẫn chứng. Tiếng Tàu có quá nhiều đồng âm. Thí dụ riêng âm “di” có đến 46 cách viết khác nhau (theo Từ điển Hán Việt của Nguyễn Tôn Nhan), âm “tư” có đến 57 chữ viết (theo Tống Phước Khải trong Internet); mỗi cách viết lại gồm nhiều nghĩa nên riêng mỗi từ nầy diễn tả hàng trăm sự việc riêng biệt. Tiếng Việt của mình đâu có quá nhiều đồng âm như thế. Trên nguyên tắc, ngôn ngữ nào có nhiều đồng âm thì ngôn ngữ đó nghèo và tối nghĩa; nghèo là vì sử dụng số lượng âm ít hơn những ngôn ngữ khác; tối nghĩa là vì khi một âm được xướng lên thì người nghe không hiểu được một cách đích xác ý của người nói. Thực vậy, tiếng Tàu nổi tiếng là tối nghĩa, nhất là trong những áng văn xưa. Nhiều đoạn, độc giả mỗi người hiểu theo một cách riêng biệt. Thí dụ, có một câu duy nhất, rất thông thường trong Lễ Ký là “Nam nữ thọ thọ bất thân” 男女授受不親 mà tôi đã thấy được đến bốn lời giải thích khác nhau.
Lời giải thích thứ nhất: Trai gái không được trao và nhận đồ vật của nhau.
Thứ hai: Trai gái không được tự tiện trao và nhận đồ vật một cách riêng tư.
Thứ ba: Trai gái được trao nhận đồ vật nhưng không được chạm vào tay nhau.
Thứ tư: Trai gái được trao và nhận đồ vật nhưng không được tỏ ra thân mật.
Thực là rắc rối. Những chỗ khác còn tối nghĩa hơn nữa đến độ các học giả lừng danh cũng chịu thua. Tiếng Việt của chúng ta sáng sủa hơn nhiều.
Tiếng Tàu thì rắc rối nhưng khi được ông cha mình biến đổi thành tiếng Hán Việt thì mang lại lợi ích vô cùng to lớn cho ngôn ngữ Việt Nam . Đó là công ơn đáng ghi nhớ của ông cha mình. Với lòng biết ơn đó, tôi xin kể ra đây vài lợi ích thiết thực của tiếng Hán Việt.
1. Tiếng Hán làm giàu cho tiếng Việt vì đã cung cấp hơn phân nữa tổng số từ. Tôi đã nói điều nầy ở phần trước, nên không cần phải giải thích thêm nữa.
2. Tiếng Hán Việt làm tăng giá trị của ngôn ngữ Việt Nam . Trong tiếng Việt có rất nhiều từ Hán cùng nghĩa với từ Nôm nhưng khi ta thay vài từ Nôm bằng từ Hán thì câu văn trở nên đẹp hơn gấp bội. Những thí dụ thì nhiều vô số kể. Những áng văn xưa và nay của ta sở dĩ trở thành tuyệt tác cũng nhờ sử dụng các từ Hán Việt. Lợi ích của tiếng Hán không chỉ giới hạn trong câu văn mà ở cả câu nói nữa. Đi dự tiệc cưới, tôi đã từng nghe hai lời giới thiệu sau đây:
Lời thứ nhất: Tôi xin giới thiệu đây là cha mẹ của chú rể.
Lời thứ hai: Tôi xin giới thiệu đây là song thân của chú rể.
Chỉ cần thay hai từ Nôm cha mẹ bằng hai từ Hán Việt song thân là lời giới thiệu thứ hai trở nên đẹp hơn và có thể làm cho lễ cưới trở nên trang trọng hơn.
3. Tiếng Hán Việt giúp ích rất nhiều cho việc soạn thảo những danh từ khoa học.
Vào đầu thập niên 50 của thế kỷ trước, khi tiếng Việt được quyết định chính thức dùng làm chuyển ngữ ở bậc Trung học và sau đó ở Đại học, các nhà viết sách giáo khoa lao vào việc dịch tiếng Pháp ra tiếng Việt. Nhờ dùng tiếng Hán Việt mà những vị đó đã diễn tả được đầy đủ ý nghĩa mà nhiều khi còn đem lại sinh khí cho các sách Việt ngữ nữa.
Thí dụ, trong toán học, ngày xưa tôi học chữ asymptote và phải thuộc nằm lòng cái chữ vô tri vô giác đó. Ngày nay các em được thầy dạy là đường tiệm cận và được hiểu: tiệm 漸là từ từ, cận近là gần lại, tiệm cận là cái đường thẳng xáp lại càng lúc càng gần một đuờng cong và găp đườngnầy ở vô cực. Thực là sống động.
Một thí dụ khác trong vật lý. Inertie là một từ rất quan trọng. Lúc đầu, người ta dịch là nọa tính 惰性. Nọa 惰 có nghĩa là lười biếng. Nhưng inertie đâu phải là lười biếng. Một vật đang chạy, nếu không có gì làm cho nó đứng lại thì nó cứ chạy hoài chạy mãi như một thằng điên. Thế là lười biếng sao? Vì vậy, người ta sửa lại là quán tính 慣性. Quán慣có nghĩa là thói quen. Dùng chữ quán tính để dịch chữ inertie thi e còn hay hơn chữ gốc nữa .Thực là lý thú.
Một thí dụ khác về sinh vật học. Ở môn học nầy, học sinh và sinh viên không được nhầm lẫn giữa hai từ: ovule là tế bào sinh dục cái chưa được thụ tinh và oeuf là tế bào đó sau khi được thụ tinh rồi. Các nhà viết sách đã dùng từ Nôm trứng cho chữ oeuf và từ Hán Việt noãn 卵cho ovule, dù trong tự điển Hán Việt,noãn 卵cũng chính là trứng. Hay thực, tiếng Hán Việt quả là được việc.
Tôi chỉ nêu ba lợi ích để tượng trưng, chứ không phải chỉ bao nhiêu đó thôi đâu. Nhờ sử dụng tiếng Hán Việt mà ngôn ngữ Việt Nam trở thành một ngôn ngữ giàu và trong sáng, có thể diễn tả bất cứ tri thức nào của nhân loại. Điều đáng buồn là ngày nay không mấy người ý thức sự quý giá đó nên sử dụng ngôn ngữ một cách bừa bãi, có thể dần dần làm mất sự trong sáng và chính xác đi. Điều đó cần được báo động cho những học giả và những người có trách nhiệm.
Tôi xin nhắc lại một câu danh ngôn mà mọi người đều biết: “Nếu người thầy thuốc làm sai thì hại một người. Nếu nhà giáo dục làm sai thì hại nhiều thế hệ.” Thế mà, như trên tôi đã chứng minh, ngôn ngữ còn quan trọng hơn cả giáo dục nữa. Vì vậy, các dân tộc sớm văn minh đều đã nổ lực lo cho ngôn ngữ của họ. Nước Pháp chẳng hạn, vào thời Phục hưng, đã lập Hàn lâm viện qui tụ nhân tài và bỏ ra cả trăm năm, chỉ với mục đích làm cho tiếng Pháp trở nên chính xác và trong sáng. Ngày nay, chúng ta đã đi sau hàng bao nhiêu thế kỷ, phải bắt đầu ngay việc chuẩn hóa tiếng Việt đi thôi. Loài người càng tiến bộ thì càng có nhiều phát minh và nhiều từ mới, khoa học càng phát triển thì càng có nhiều điều tinh vi mà ngôn ngữ cần phải chính
xác mới ghi nhận và phổ biến được. Vì thế, sự chuẩn hóa tiếng Việt thật vô cùng cần thiết và cấp bách.
Nhưng chuẩn hóa là làm việc gì?
Trước hết là sửa lại những từ Hán Việt đang dùng sai, chỉnh lại cho đúng với cái nghĩa nguyên thủy của tiếng Hán chứ không phải là cái nghĩa dùng theo thói quen hoặc tự tiện đặt ra. Hiện nay, người ta dùng sai nhiều lắm, cần phải tốn nhiều công sức để chỉnh đốn. Tôi chỉ kể vài trường hợp phổ biến mà thôi.
Một từ rất thông dụng là chung cư. Dùng sai một cách thực buồn cười. Chung 終có nghĩa là cuối cùng. Chung cư 終居nghĩa là chỗ ở cuối cùng tức là cái mộ trong nghĩa trang. Thế mà có người rất hãnh diện khi nói rằng mình mới dọn về ở trong chung cư. Thực là dễ sợ. Phải sửa lại là chúng cư 眾居, nghĩa là chỗ ở của nhiều người, mới đúng. Có người bảo rằng chung cư có nghĩa là chỗ ở chung cho nhiều người. Sai rồi, chữ chung trong nghĩa chung chạ là tiếng Nôm không thể đặt trước tiếng cư được.
Một từ khác cũng phổ biến là quá trình. Quá 過là đã qua, trình 程là đoạn đường. Quá trình là đọan đường đã đi qua. Thế mà tôi đã thấy có sách và báo viết: Quá trình sắp tới của tôi là…..Tệ thực!
Thí dụ thứ ba là từ khả năng. Khả 可 là có thể,năng 能là năng lực con người dùng để thực hiện. Khả năng là có thể dùng năng lực mình để làm việc gì đó. Vậy mà ngày nay người ta dùng từ khả năng thay cho từ có thể. Tôi cho rằng, người ta đã nhầm lẫn giữa hai từ khả năng 可能(capacité, capable) và khả dĩ 可以(possibilité, possible). Nhưng thôi, cứ dùng từ có thể, tiếng Việt thuần túy, ai cũng hiểu và trả từ khả năng cho điều có thể do năng lực tạo nên.
Tôi nghĩ rằng 3 thí dụ như thế cũng vừa rồi. Bây giờ xin sang vấn đề chuẩn hóa khác. Đó là việc dùng cho đúng văn phạm, nghĩa là sắp xếp các từ cho đúng thứ tự trước sau. Xét về hai nhóm từ gồm một phần chính và một phần bổ túc thì ta phải chia các từ thành 4 nhóm:
- Nhóm thứ nhất là những tiếng Nôm thì nhất thiết phải đặt phần chính phía trước dù có chen tiếng Hán Việt vào. Tôi tạm gọi là đó văn phạm xuôi. Thí dụ: Thân phụ của tiên sinh. Thân phụ (cha) là tiếng chính. Tiên sinh (ông) là tiếng bổ túc. Cả hai đều là tiếng Hán nhưng có từ của là tiếng nôm thuần túy chen vào nên phải đặt tiếng chính ở trước.
- Nhóm thứ hai là những tiếng Hán đã được Việt hóa hoàn toàn như áo 襖quần 裙, cô 姑, bà 婆…. thì dùng văn phạm xuôi như nhóm thứ nhất. Thí dụ, phải nói áo lục, quần lục chứ không nói lục áo, lục quần, dù các từ đều là Hán Việt.
- Nhóm thứ ba là những tiếng Hán mới được Việt hóa nửa chừng thì dùng văn phạm cả xuôi lẫn ngược tùy nơi và tùy nghĩa. Thí dụ: cao 高, tu 修, học 學, tướng 將 v.v…Ta có thể nóitòa nhà cao (xuôi),hoặc hàng cao cấp (ngược); thầy tu (xuôi) hoặc tu sĩ (ngược); đồ dùng dạy học (xuôi) hoặc học cụ (ngược); vị thượng tướng (ngược) hoặc vị tướng tài (xuôi).
- Nhóm thứ tư, mới được Việt hóa sơ sơ thôi thì buộc phải dùng văn phạm ngược, và từ kép phải toàn là tiếng Hán. Thí dụ: quân 君(vua), vương 王(vua), ái 爱(thương), ố 惡(ghét). Ta chỉ có thể nói minh quân, hôn quân chứ không thể nóiquân sáng suốt, quân u tối được.
Phân biệt 4 nhóm như thế rồi mới thấy bây giờ người ta dùng sai rất nhiều. Một tờ báo thuộc loại tầm cỡ ở Sài gòn đã gọi bọn đào vàng là vàng tặc, bọn trộm tôm là tôm tặc, bọn rải đinh ngoài đường là đinh tặc! Thực là khiếp. Các em học sinh có thể đọc và tưởng như thế là hay mà bắt chước để sáng tác trong bài thi mình những từ xe máy tặc, chó tặc, mèo tặc thì thực là tai hại. Trong một tờ báo khác, tôi thấy một tựa rất to ở trang nhất: Tuần thú đường sắt ký sự. Đường sắt là tiếng Nôm mà quăng chữ ký sự ra sau thì bậy quá. Cần phải viết Ký sự tuần tra đường sắt, nghe êm tai là vì đúng còn nói như trên nghe chỏi cái lỗ tai vì sai.
Đài truyền hình cũng chẳng khá gì hơn. Tôi còn nhớ, cách nay không lâu, sau khi lính Mỹ bắn chết nhân viên tình báo của Ý bảo vệ người nữ phóng viên vừa được bọn bắt cóc trả tự do, các đài truyền hình loan tin nhiều lần và nhắc đi nhắc lại nhóm từ nữ nhà báo. Thực là quá tệ! Nhà báo là tiếng Nôm nên phải dùng văn phạm xuôi và phải nói “nhà báo nữ” Còn muốn dùng văn phạm ngược thì phải dùng 3 từ Hán Việt: “nữ phóng viên” hay “nữ ký giả”. Các báo và đài đều có trưởng ban biên tập hẳn hòi; không biết tại sao các ông ấy lại để cho nhân viên mình viết và nói như thế.
Gần đây, tôi thấy xuất hiện rất thường xuyên hai từ triều cường. Hai chữ nầy có thể thay đổi vị trí trước sau và có hai ý nghĩa khác nhau. Cường triều 強潮gồm tính từ đứng trước danh từ thì có nghĩa là thủy triều lớn (haute marée).Triều cường 潮強thì lại là một mệnh đề gồm một danh từ triều và một động từ cương và có nghĩa là thủy triều đang lớn lên (la marée monte). Lúc nào cũng dùng chữ triều cường thì có thể sai hơn phân nửa trường hợp rồi.
*
* *
Tôi đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần rằng tiếng Hán Việt vô cùng quý giá đối với ngôn ngữ Việt Nam . Tuy nhiên, việc dùng tiếng Hán không phải lúc nào cũng hay cũng tốt. Cần phải tránh dùng tiếng Hán Việt một cách thái quá hay bất cập. Tôi muốn nói thái quá là dùng tiếng Hán Việt một cách không cần thiết, và bất cập là cố tình tránh tiếng Hán một cách phi lý.
Có một lần, cách nay hơn hai mươi năm, tôi thấy một thầy giáo dẫn học sinh đi làm lao động, kéo thành hàng dài. Thầy dừng lại và la to lên: “Bộ phận phía sau khẩn trương lên”. Học trò nghe xong, nhiều đứa bụm miệng cười. Ở địa vị của thầy thì tôi sẽ nói: “Các em phía sau nhanh chân lên”. Câu nói đó dễ nghe và chắc chắn gây được cảm tình hơn.
Một người bạn cũ kể cho tôi nghe câu chuyện buồn cười thế nầy: Anh định cư tại Uc từ năm 1975. Cách đây vài năm, anh về Việt Nam lần đầu tiên và dùng tàu hỏa ra Hà nội thăm quê. Giữa khuya, tàu đến ga Đồng hới thuộc tỉnh Quảng bình. Đang ngủ say bỗng anh giật mình tỉnh dậy vì tiếng loa “… hành khách khẩn trương lên”. Anh hoảng hồn phóng xuống giường, chạy ra khỏi buồng của toa xe vì tưởng xe trật đường rầy hay có hỏa hoạn xảy ra. Té ra chẳng có gì quan trọng: nhân viên trên toa tàu nhắc nhở hành khách nào xuống ga Đồng hới thì hãy nhanh chân rời khỏi toa tàu. Thì ra, ở miền Nam trước đây, ngươi ta ăn nói một cách giản dị và chỉ thường dùng tiếng Hán Việt trong văn chương và khi có việc nghiêm trọng mà thôi.
Sau năm 1975, khi trở lại dạy học, tôi nghe hai từ lưu ban và không hiểu là gì, dù tôi đã đi học và đi dạy đến mấy mươi năm rồi. Về sau mới biết từ đó có nghĩa là ở lại lớp . Ở lại lớp mà nói là lưu ban 留班thì e không đúng bằng lưu cấp 留級. Tuy nhiên, chỗ nầy dùng tiếng Hán Việt làm chi. Dùng chữ ở lại lớp thì vừa hay lại vừa dễ hiểu cho mọi người, nhất là nhân dân lao động có con em đi học.
Ngày xưa các cụ nhà ta dùng nhóm từ “dốt thì hay nói chữ” để chê trách những kẻ hay chen tiếng Hán, (thường là sai và không cần thiết) vào lời nói của mình. Chắc các cụ chán ghét những kẻ đó. Bây giờ cũng thế, nghe dùng tiếng Hán Việt một cách thái quá và bừa bãi, có nhiều người bực mình chứ không phải riêng tôi. Cách nay vài tháng, trên một bài báo, tôi thấy có một ông nào đó viết rằng ông đọc được ở ngõ đi vào của một địa điểm du lịch, hàng chữ to tướng dùng để quảng cáo “Nơi đây có đệ nhất thác”. Ông biết người ta đã viết sai vì thác là một tiếng Nôm thì không dùng như vậy được. Ông ấy đề nghị sửa lại là đệ nhất khê. Rất đúng văn phạm vì khê là tiếng Hán nhưng tiếc là sai nghĩa vì khê 溪 là khe nước chứ không phải là thác. Thác là bộc bố 瀑布, nhưng đó lại là tiếng Hán thuần túy nghĩa là chưa được Việt hóa nên chưa thể dùng được. Trong trường hợp nầy, nên viết “Nơi đây có thác đẹp nhất”, vừa đúng, vừa dễ hiểu lại vừa hấp dẫn khách du lịch.
Đó là những thí dụ về việc lạm dụng tiếng Hán Việt. Ở chiều ngược lại, sự tránh né tiếng Hán Việt một cách phi lý cũng không phải là hiếm. Vì tránh né tiếng Hán Việt mà người ta bỏ từ trực thăng và thay bằng từ máy bay lên thẳng, làm mất đi sự gẫy gọn của ngôn ngữ. Cũng vì tránh né tiếng Hán Việt mà người ta bỏ tên thủy quân lục chiến mà thay bằnglính thủy đánh bộ trong khi từ trên đã rất quen thuộc và từ dưới cũng vẫn phải dùng tiếng Hán Việt là thủy 水và bộ 步. Hai sự việc nầy đã được nhiều người đề cập trước đây rồi nên tôi chỉ nhắc sơ qua mà không bình luận thêm nữa.
*
* *
Với sự trình bày trên đây, tôi hi vọng người đọc đồng ý về sự cần thiết phải bắt đầu chuẩn hóa tiếng Việt càng sớm càng tốt. Ba nguyên tắc đầu tiên của việc chuẩn hóa là đúng đắn, đại chúng và hiện đại.
- Đúng đắn là nguyên tắc đầu tiên bất khả nhượng, nghĩa là nhất thiết phải dùng cho đúng từ và đúng văn phạm. Chúng ta phải cương quyết sửa sai ngay bây giờ, để lâu thành thói quen thì rất khó sửa.
- Đại chúng là phù hợp với cách dùng của nhiều người và mọi sự điều chỉnh phải thuyết phục được đa số chấp thuận. Tiêu chuẩn đại chúng đứng sau tiêu chuẩn đúng đắn cho nên, nếu đại chúng xưa nay dùng sai thì vẫn phải sửa và cố gắng thuyết phục đại chúng chấp nhận. Còn từ Hán Việt nào quá xa lạ đối với đại chúng mà có từ nôm thay thế thì cương quyết loại ra khỏi tự điển
- Hiện đại là phải dựa vào cách nói và cách viết thông dụng hiện nay. Rất nhiều tác giả, trong đó có những người làm tự điển, thường có khuynh hướng lấy những tác phẩm xưa nổi tiếng để làm chuẩn mực. Điều nầy, theo tôi, không phải luôn luôn đúng. Với những áng văn cổ, chúng ta chỉ nên dùng để tham khảo chứ không dùng làm tiêu chuẩn tuyệt đối để chuẩn hóa ngôn ngữ vì vi phạm nguyên tắc hiện đại. Để làm thí dụ, tôi dùng ngay tác phẩm số một của Việt Nam là Truyện Kiều của Cụ Nguyễn Du, với câu thơ:
Lạ gì bỉ sắc tư phong,
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen.
Bốn chữ bỉ sắc tư phong rất được các học giả lưu ý và được nêu ra trong hầu hết các từ điển. Chúng ta hãy xét từng chữ một.
Bỉ 彼 mà Cụ Nguyễn dùng có nghĩa là bên kia. Trong tiếng Việt không có chữ đó mà chỉ có chữ bỉ 鄙nghĩa là thô lỗ, hèn mọn mà thôi. Trong kinh Phật có chữ đáo bỉ ngạn 到彼岸là qua bờ bên kia, nhưng đó là cách viết nguyên tiếng Hán vào một đoạn kinh hay kệ chứ không phải là dịch ra tiếng Việt.
Chữ sắc 嗇 mà Cụ dùng có nghĩa là keo kiệt thiếu thốn. Tiếng Việt cũng không có chữ đó mà chỉ có chữ sắc 色nghĩa là màu sắc và chữ sắc 敕 trong từ kép sắc lệnh 敕令mà thôi.
Chữ tư 兹hay 斯mà Cụ dùng có nghĩa là bên nầy. Tiếng Việt lại không có chữ đó mà chỉ có những chữ tư 私(riêng tư), 思(tư tưởng), 司(tư lệnh), 資(vốn liếng như tư bản) mà thôi.
Chữ phong 豐nghĩa là dồi dào thì đúng là tiếng Hán Việt, như tài nguyên phong phú thường được dùng trong môn địa lý.
Tôi không biết, ở thời đại của Cụ, cả 4 chữ trên có được dùng một cách phổ biến hay không chứ ở thời đại chúng ta thì trong bốn chữ, có đến ba chữ chưa thể gọi là đã được Việt hóa.
Chúng ta hãy thử bàn tiếp về sự dùng chữ Việt của Bà Đoàn thị Điểm trong một câu thơ ở bản Chinh phụ ngâm:
Thành liền mong tiến bệ rồng.
Thành liền là gì? Tôi tra bản chữ Hán của Ông Đặng Trần Côn và thấy chữ gốc là liên thành trong câu thơ:
Dục bả liên thành hiến minh thánh 欲把連城獻明聖nghĩa là muốn chiếm cả dãy thành trì để dâng lên cho vua. Bà Đoàn thị Điểm là một thi hào của Việt Nam , hẳn thế, nhưng riêng chữ thành liền mà Bà dùng thì khó mà chấp nhận trong tiếng Việt hiện đại được.
Trong bài thơ Cảnh chiều hôm của Bà Huyện Thanh Quan, có câu:
Gác mái ngư ông về viễn phố.
Chữ phố 浦mà Bà dùng có nghĩa là bến sông, quả thực không có trong tiếng Việt ngày nay. Bây giờ chỉ có chữ phố 鋪 là phố xá, nơi có nhiều cửa hàng buôn bán.
Tôi nêu các thí dụ trên đây để nói rằng khi chỉnh đốn tiếng Việt thì phải tôn trọng các tiêu chuẩn nêu ra, nhất là tiêu chuẩn hiện đại, chứ tôi không hề tỏ ý nghi ngờ giá trị tác phẩm của các thi hào của dân tộc ta. Tôi vẫn luôn luôn xem các tác phẩm nói trên là những viên ngọc cực kỳ quý giá của nền Văn học Việt Nam . Tuy nhiên những viên ngọc ấy là những món đồ cổ, chúng ta không thể rút từng chi tiết trong đó ra để chuẩn hóa tiếng Việt hiện đại. Phố cổ Hội an thì rất quý, cần giữ gìn cẩn thận nhưng không thể dùng để làm khuôn mẫu cho việc xây dựng những đô thị ngày nay được.
*
* *
Biết bao nhiêu người, trong đó có tôi, mong muốn tiếng Việt mình trở nên phong phú và trong sáng hơn để có giá trị không thua bất cứ ngôn ngữ nào trên hành tinh. Ngôn ngữ là một trong những di sản lớn nhất mà ông cha để lại cho con cháu. Ai cũng phải có bổn phận làm cho di sản đó có giá trị hơn để truyền lại cho thế hệ mai sau.
Hầu hết các nước trên thế giới đã chỉnh lý và chuẩn hóa ngôn ngữ của họ. Công việc hệ trọng nầy bao giờ cũng là một việc khó khăn. Với tiếng Việt thì chắc chắn công tác sẽ hết sức gay go và phức tạp. Nội cái việc định xem, trong kho tàng tiếng Hán, những từ nào được chính thức công nhận là tiếng Việt, cũng đã ngốn biết bao nhiêu công sức và thời gian.
Vậy ai có thể đảm nhiệm trọng trách đó? Theo kinh nghiệm của những nước đã đi trước chúng ta thì đó là trách nhiệm của những người có tài, tập họp trong tổ chức gọi là Viện Hàn lâm. Đúng thế, chúng ta cần phải thiết lập các Viện Hàn lâm, trước hết là Viện Hàn lâm ngôn ngữ rồi sau đó đến những Viện Hàn lâm khác. Chúng ta thường hãnh diện tuyên bố mình có đến 4000 năm văn hiến thế mà cho đến thời đại nầy một Viện Hàn lâm cũng chưa có và thậm chí chưa được nhắc nhở đến, các cơ quan truyền thông ăn nói sai cũng chẳng có mấy người quan tâm thì đó quả thực là điều đáng buồn phiền và xấu hổ. Nghe nói hiện tại có một Viện Ngôn ngữ, nhưng cái viện đó ở đâu, làm việc gì thì chẳng mấy ai biết.
Từ thuở mới bắt đầu đi dạy học cho tới ngày nay, tôi vẫn ước mong xứ sở mình có một Viện Hàn lâm, không phải lập ra để làm cảnh mà để làm việc một cách tích cực, hầu làm vẻ vang nền văn học của nước nhà. Muốn được như thế, Viện Hàn lâm phải tập họp những vị có thực tài và tâm huyết chứ không phải những ông tiến sĩ “trời ơi đất hỡi”, chui vào đó cốt để “tùng xẻo” ngân quỹ nghiên cứu mà thôi.
Tôi đã qua cái tuổi mà thi hào Đỗ Phủ đời Đường gọi là “thất thập cổ lai hi”, còn ông bà mình gọi là tuổi “gần đất xa trời”. Một ngày nào đó không xa lắm, nếu được nhìn thấy, trên báo chí hay màn truyền hình, tin tức về việc thành lập một Viện Hàn lâm Việt Nam đúng nghĩa, thì đó sẽ là một trong những điều vui thích ở đoạn cuối của cuộc hành trình của tôi trên trần thế .
Tôi xin kết thúc bài viết với niềm tâm sự nho nhỏ và tha thiết nầy.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét