Thứ Năm, 2 tháng 10, 2014

VẾT XE CŨ

Vết Xe Cũ
 
   Tiananmen Song: "In Death's Shadowalt"
 
Ngày thứ Hai 9/29, hàng trăm ngàn người Hồng Kông đã đổ ra đường, hưởng ứng cuộc biểu tình của sinh viên để chia sẻ với sinh viên cơn đàn áp thịnh nộ của cảnh sát.
Nguyễn đạt Thịnh
 
Giáo sư Michael Davis, dạy luật tại viện đại học Hồng Kông, nhận xét, “cuộc biểu tình lần này cũng vẫn đòi hỏi dân chủ, và cũng vẫn do sinh viên chủ trương, nhưng nhân dân Hồng Kông đáp ứng nhanh chóng hơn nhân dân Bắc Kinh 25 năm trước.”
Ngày thứ Hai 9/29, hàng trăm ngàn người Hồng Kông đã đổ ra đường, hưởng ứng cuộc biểu tình của sinh viên để chia sẻ với sinh viên cơn đàn áp thịnh nộ của cảnh sát.
 
alt

Chiều 29 tháng Hai, chính phủ Hồng Kông ra thông cáo hủy bỏ cuộc đốt pháo bông ngày thứ Tư mùng 1 tháng Mười - ngày quốc khánh của Trung Cộng; truyền thông Hoa Kỳ diễn dịch quyết định này là thái độ của chính phủ Hồng Kông tiên liệu cuộc biểu tình còn kéo dài, tối thiểu cũng đến ngày 10/01.
 
Cảnh sát tấn công hôm Chúa Nhật 9/28 không những không dẹp được cuộc biểu tình ngồi của sinh viên mà còn khiến biểu tình lan rộng, với sự tham gia của vài trăm ngàn cư dân Hồng Kông. Sáng Thứ Hai, toàn bộ hệ thống đường lưu thông của bán đảo Hồng Kông bị ngưng đọng, mọi ngã tư đường đều bị người biểu tình chiếm đóng, và thiết lập hàng rào cản. Thợ thuyền, nhân viên văn phòng, các bà nội trợ, đứng cạnh sinh viên với những chiếc ao thun đặc thù.
Nguyên là nhượng địa, Hồng Kông sống suốt một thế kỷ dưới chế độ dân chủ của Anh Quốc, và mới trở lại thành lãnh thổ Trung Quốc năm 1997, với thể chế tự trị, để đóng vai trò thương khẩu tự do của thế giới xuất nhập cảng vào thị trường Trung Quốc. Người Tầu gọi chế độ tự trị đó là “một quốc gia, hai chế độ”; thành phố Hồng Kông được độc lập về tư pháp, không theo luật lệ của nội địa Trung Quốc, và dân chúng cũng như sinh hoạt truyền thông được tự do hơn.
Trong không khí thoang thoáng dân chủ, sinh viên đòi quyền bầu cử tự do, gồm đủ cả quyền bầu tự do của cử tri và quyền ứng cử tự do của các chính khách muốn phục vụ trong sinh hoạt chính trị của Hồng Kông.
 
Nhưng Bắc Kinh chỉ cho họ một nửa: họ chỉ có quyền cử tri, quyền tự do bầu bất cứ ai trong một danh sách cử tri do Bắc Kinh lựa chọn; nói cách khác, Hồng Kông vẫn phải theo quy chế “đảng cử, dân bầu” như Việt Nam.
Tờ “Nhân Dân Nhật Báo” - chính thức phát ngôn quan điểm của Bắc Kinh - lên án cuộc biểu tình của sinh viên là có móc nối với “những lực lượng đánh phá Trung Quốc ở hải ngoại”; tờ báo Anh ngữ của đảng Cộng Sản Trung Hoa - tờ Global Times- cũng tố cáo truyền thông Mỹ khuấy động cuộc sống thanh bình của Hồng Kông.
Tùy viên báo chí Josh Earnest của Bạch Cung kêu gọi cả 2 bên -chính phủ Trung Cộng và sinh viên Hồng Kông- tự chế. Một lãnh tụ sinh viên biểu tình, anh Benny Tai nói, “quần chúng chỉ đòi hỏi quyền bầu cử tự do trong hòa bình, chỉ có cảnh sát sử dụng vòi rồng, hơi cay, bên nào cần tự chế?”
 
Trưa thứ Ba 9/30 tình hình trở thành căng thẳng hơn sau khi thị trưởng Hồng Kông, ông C.Y. Leung (Leung Chun-ying) khuyến cáo người biểu tình phải lập tức chấm dứt cuộc biểu tình. Ông Leung (Lương) là một trong những nhân vật sản phẩm của chính sách “đảng cử, dân bầu”, và 2 chữ “lập tức” khiến lời khuyến cáo của ông mang tính chất mệnh lệnh, chuyên chở tính chất đe dọa trừng phạt nếu quần chúng không lập tức chấm dứt biểu tình.
Tình hình càng găng hơn, vì người biểu tình vẫn quyết liệt đòi Bắc Kinh phải giải quyết đòi hỏi của họ trước ngày thứ Tư 10/01; thị trưởng Lương trả lời họ là Bắc Kinh không thuận.
Ông Lương tuyên bố, "Tôi không tin việc tiếp nối cuộc biểu tình bất hợp pháp này có thể cưỡng bách chính phủ đi ngược lại những quyết định của Quốc Hội." Trả lời đòi hỏi ông phải từ chức, ông Lương nói, “Thay đổi nhân sự trong guồng máy cai trị Hồng Kông chỉ có thể thực hiện bằng một cuộc bầu cử.”
Ông Lương còn lên án phương thức “Occupy Central” (Tiến Chiếm Trung Ương) của sinh viên biểu tình là bị ảnh hưởng của nhóm “Occupy Wall Street” Hoa Kỳ.
Mặt khác, bộ ngoại giao Trung Cộng ra tuyên cáo nói, “Hồng Kông là lãnh thổ Trung Quốc, mọi chuyện xẩy ra tại Hồng Kông đều là chuyện nội bộ của Trung Quốc.”
Ủy viên cảnh sát Hồng Kông gửi email cho toàn bộ cảnh sát viên trực thuộc, khuyến cáo họ nghiêm chỉnh thi hành bổn phận một cách “chuyên nghiệp”, trong lúc đối phó với diễn biến biểu tình, chưa từng xẩy ra tại Hồng Kông.
 
alt
 
Phát ngôn viên Bạch Cung Josh Earnest xác nhận Hoa Kỳ yểm trợ đòi hỏi “bầu cử dân chủ” của người biểu tình, nhưng vẫn khuyến cáo họ đừng bạo động. Dù không bạo động, cuộc biểu tình vĩ đại này vẫn đang làm ngưng đứng mọi sinh hoạt của Hồng Kông - lưu thông bế tắc, trường học và thị trường đóng cửa.
 
Truyền thông quốc tế ghi nhận khí thế hòa hoãn, vui nhộn như một đại hội của người biểu tình; tiếng đàn, tiếng hát vang vang khắp đường phố, trong lúc những nhóm khác đốt nến cầu nguyện cho chính phủ Bắc Kinh nhượng bộ, để Hồng Kông được hưởng trọn vẹn quyền bầu cử, mà hiện nay họ mới được hưởng quyền bầu, mà không có quyền ứng cử.
Người biểu tình hy vọng chính quyền sẽ không đàn áp họ trong 2 ngày đầu tháng Mười - ngày Quốc Khánh của Trung Quốc; được như vậy, số người hưởng ứng biểu tình sẽ càng đông hơn nữa.
Dù không đông hơn, cuộc biểu tình Hồng Kông cũng đang là diễn biến dân chủ lớn nhất, tiếp nối cuộc biểu tình đẫm máu tại Thiên An Môn năm 1989. Diễn biến đang xẩy ra cũng làm Bắc Kinh rơi vào thế thụ động như 25 năm trước, mặc dù bối cảnh kinh tế, chính trị khác biệt rất nhiều -Trung Cộng đang giầu hơn, mạnh hơn trước gấp bội.
 
Với chế độ tự trị, cuộc biểu tình Hồng Kông cũng khác với Bắc Kinh, sinh viên Hồng Kông hưởng sự yểm trợ của giới truyền thông địa phương, đang sinh hoạt trong quy chế tự do báo chí. Ai cũng cho là phản ứng đẹp nhất của Bắc Kinh là chấp thuận yêu sách dân chủ của sinh viên.
Nhà văn Trung Cộng Xiao Chu (Thảo Châu) -đang thăm viếng Đài Loan- nhận định, “Trong nội địa Trung Hoa, chỉ cần kiểm soát mọi trục giao thông là có thể bóp chết một cuộc biểu tình, vì mọi phương tiện truyền thông khác - báo chí, Internet, học đường, dư luận quần chúng, v.v...- đều đã bị kiểm soát. “Hồng Kông không giống như vậy, đường sá chỉ là một trong rất nhiều phương tiện giao thông, giao lưu.” Ông Thảo Châu nhận xét như vậy trong một buổi thuyết trình tại viện đại học Chengchi, Đài Loan.
Đàn áp cuộc biểu tình Hồng Kông rất khó, nhưng Bắc Kinh vẫn sẽ không mua không khí hòa hoãn bằng cái giá tạo ra một thiên đàng dân chủ ngay sát nách một đại lục Trung Quốc còn bị kiềm chế nặng nề dưới ách cai trị hà khắc và gian dối của Đảng Cộng Sản Trung Quốc.
Nhãn quan chính trị của Tập Cận Bình nhìn thấy rất rõ nguy cơ “dân chủ hóa” toàn thể lãnh thổ Trung Quốc trong thời hạn ngắn hơn một thập niên nếu ông nhượng bộ sinh viên Hồng Kông; và trong quan niệm Cộng Sản, ông ta sẽ đặt quyền lợi của Đảng cao hơn quyền lợi của đất nước.
Nhận xét đó chỉ có thể đưa Tập Cận Bình vào vết xe cũ của Đặng Tiểu Bình: sử dụng sức nặng nhiều tấn của xe tăng đè bẹp sức chống đối của những người dân tay không, giải pháp Tần Thủy Hoàng.
Nguyễn đạt Thịnh
 
~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~
 
 
                                                                              ~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét